Hủy

Dầu đang hướng về mốc 20 USD/thùng?

Thứ Hai | 14/11/2016 11:57

Dầu đang hướng về lại mốc 40 USD thay vì 60 USD một thùng như một số dự đoán trước đây, đó là dự đoán của giáo sư kinh tế Panos Mourdoukoutas
 

Hôm 13/11, giáo sư kinh tế Panos Mourdoukoutas tại đại học Columbia vừa đưa ra nhận xét rằng dù giá dầu đã tăng mạnh trong 8 tháng qua (từ tầm giá 20 USD hồi tháng Một lên hơn 50 USD vào cuối tháng Mười) nhưng các vấn đề cơ bản của nền kinh tế đang cản trở đà tăng của giá dầu. Trong vài tuần qua, dầu đang hướng về lại mốc 40 USD, thay vì 60 USD một thùng như một số dự đoán trước đây.

Theo ông Mourdoukoutas, sẽ có nhiều yếu tố cản trở đà tăng của giá dầu trong thời gian tới. Giá dầu đang hướng về mức thấp như hồi tháng Một, khi kỳ vọng OPEC sẽ đóng băng sản lượng đang dần trở nên mờ nhạt. Trên thực tế, các thành viên OPEC như Iran, Iraq, Nigeria đã nâng sản lượng dầu hơn là cắt giảm kể từ khi tổ chức này nhóm họp tại thủ đô Algiers (Nigeria) cuối tháng Chín, theo các báo cáo gần đây.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ, dù là tay chơi mới nổi trên thị trường dầu, nhưng đang nắm giữ vai trò là "nhà sản xuất chi phối" (swing producer) như Saudi Arabia trước đây. Họ sẵn sàng giành lấy thị phần khi nguồn cung lỏng lẻo trước khi giá tăng, bằng cách đưa giàn khoan hoạt động trở lại.

Diễn biến này đã từng xảy ra trong tháng Bảy khi giá dầu dao động quanh mốc 50 USD/thùng. Lúc đó số lượng giàn khoan đã tăng liên tục trong 4 tuần, theo Baker Hughes. Xu hướng này tiếp tục tái diễn khi giá dầu quay lại 50 USD/thùng trong tháng Chín và tháng Mười. Nhìn chung, có 165 giàn khoan đã hoạt động trở lại từ cuối tháng Một, làm tăng sản lượng dầu Mỹ và giảm sản lượng dầu nhập khẩu từ nước ngoài của nước này trong những tuần gần đây.

Vai trò là những "nhà sản xuất chi phối" khiến các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ trở nên quan trọng hơn dưới thời ông Donald Trump làm Tổng thống. Chính quyền của ông Trump được dự kiến là sẽ cắt bớt một số quy định về công nghệ khai thác thủy lực (hydraulic fracking).

Trong khi đó, nhu cầu dầu toàn cầu vẫn tăng chậm, còn nền kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm chạp dưới gánh nặng nợ ngày càng tăng.

Đó là những khoản nợ tích lũy từ Cuộc Đại suy thoái 2008-2009, và cả những khoản nợ hình thành trước cuộc khủng hoảng kinh tế này nhờ Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác chống đỡ.

Mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn. Lãi suất cho vay dài hạn của Mỹ đã bắt đầu tăng mạnh gần đây. Kho bạc Mỹ cũng lưu ý lợi tức trái phiếu đạt 2,13%. Lãi suất ngắn hạn cũng được cho là sắp tăng khi Fed sẽ nhóm họp trong tháng 12 tới.

An Phong

Nguồn Forbes


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới