Hủy

Đề xuất đưa vấn đề biển Đông ra Quốc hội

Thứ Năm | 15/05/2014 14:18

Những diễn biến trên Biển Đông đang tác động rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.
 

Trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) những tháng đầu năm 2014 của Chính phủ sẽ được trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 vào ngày 20/5 tới đây chưa đề cập đến những vấn đề liên quan đến việc Trung Quốc đưa dàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou) vào vùng biển Việt Nam. Vì vậy, trong Phiên họp thứ 28 sáng nay, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị phải đưa vấn đề này vào Báo cáo.

Giải thích về việc chưa cập nhật vấn đề biển Đông vào Báo cáo tình hình KTXH những tháng đầu năm 2014, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, diễn biến trên biển Đông tác động trực tiếp tới các hoạt động sản xuất - kinh doanh, trật tự an ninh xã hội trên đất liền trong mấy ngày gần đây nên chưa kịp bổ sung vào Báo cáo.

Trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, ông Trần Văn Hằng về ảnh hưởng, tác động của những diễn biến trên biển Đông tới hoạt động sản xuất - kinh doanh và trật tự an ninh xã hội trong đất liền, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh dự báo: "Tác động rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm".

"Chúng tôi hết sức lo lắng trước thực trạng công nhân tại nhiều địa phương bị một số đối tượng xấu xúi giục, lôi kéo từ biểu tình trong trật tự đến đập pháp, hủy hoại nhà nhà máy, công xưởng, tài sản của nhà đầu tư nước ngoài. Tình trạng đập phá nhà máy diễn ra quá nhanh, vô cùng phức tạp và lan rộng không chỉ nhằm vào các doanh nghiệp Trung Quốc mà cả doanh nghiệp Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và đã lan sang doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khác", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thông tin.

Năm 2012, tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku/Điều Ngư khiến nhiều người dân Trung Quốc đập phá nhà máy, hủy hoại tài sản của nhà đầu tư Nhật Bản tại Trung Quốc. Hậu quả là không chỉ có nhà đầu tư Nhật Bản, mà nhà đầu tư nhiều nước khác đã tìm cách rời bỏ Trung Quốc hoặc hạn chế đầu tư vào Trung Quốc.

"Chúng ta đã mất biết bao nhiêu thời gian, công sức để xây dựng hình ảnh môi trường đầu tư tư thân thiện, an toàn. Nếu tình hình này không sớm chấm dứt thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhìn chúng ta với con mắt khác, tất cả công sức mà chúng ta dày công xây dựng sẽ đổ sông, đổ biển", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đau đáu.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Việt Nam đang từ chỗ được bạn bè quốc tế ủng hộ, chỉ sau vài ngày với những diễn biến phức tạp tại nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã khiến bạn bè quốc tế bày tỏ sự lo lắng, hoài nghi.

Với tình hình công nhân đập phá, hủy hoại tài sản của nhà đầu tư nước ngoài đã diễn ra, theo đánh giá của bà Ngân là đang ở trong tình trạng "nước sôi lửa bỏng".

"Tình hình này chúng ta không thể không báo cáo trước Quốc hội. Nếu chúng ta im lặng trước vấn đề đe dọa tới an ninh quốc gia, tới chủ quyền quốc gia, tới sự phát triển KTXH thì cử tri nghĩ thế nào về Quốc hội, về các đại biểu Quốc hội", bà Ngân nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, tình trạng quá khích của một số công nhân là do có sự xúi giục của các phần tử xấu, còn tuyệt đại đa số công nhân chỉ hành động tự phát theo kiểu "nước lũ tới đâu chạy tới đó". "Cùng với việc tuyên truyền, giáo dục công nhân, cương quyết với phần tử xấu; chúng ta phải nói rõ để trấn an nhà đầu tư nước ngoài", bà Ngân nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, không thể không đưa vấn đề biển Đông ra Quốc hội. Bởi theo ông, những gì đã và đang diễn ra chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, đến cân đối ngân sách, đến thực hiện các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đã được Quốc hội thông qua

Tình hình kinh tế 4 tháng đầu năm khá khởi sắc đã tạo điều kiện cho ngân sách tăng thu so với cùng kỳ các năm trước và hoàn thành vượt tiến độ so với dự toán.

"Nhưng 8 tháng còn lại của năm 2014 sẽ hết sức khó khăn vì tình hình biển Đông chắc chắn tác động xấu, rất xấu tới hoạt động sản xuất - kinh doanh, kéo theo thu ngân sách bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chi ngân sách phải tăng thêm do phải xử lý những gì mà "hậu" biển Đông gây ra trên đất liền. Tất cả những công việc này đều thuộc thẩm quyền của Quốc hội, vì vậy phải đưa vấn đề biển Đông ra Quốc hội", ông Hiển nói thêm.

Phó chủ tịch Quốc hội, ông Uông Chu Lưu bày tỏ sự lo ngại khi gần đây trên một số phương tiện thông tin đại chúng, nhiều trang mạng xã hội "hô hào" người dân tẩy chay hàng Trung Quốc thiếu cơ sở.

"Trung Quốc là thị trường cũng như là đối tác thương mại lớn nhất nhì của chúng ta và đang nổi lên trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Nếu người dân tẩy chay hàng Trung Quốc thiếu cơ sở, họ cũng trả đũa bằng cách tẩy chay hàng Việt Nam thì đời sống của hàng vạn người nông dân sẽ ra sao", ông Lưu nêu vấn đề.

Ông Lưu cũng cho rằng, cần phải đưa vấn đề biển Đông ra trước Quốc hội bởi vấn đề này không chỉ ảnh hưởng tới chủ quyền mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới trật tự an ninh xã hội và thực hiện các mục tiêu kinh tế.

"Cứ nhìn chỉ số chứng khoán của chúng ta kể từ đầu tháng năm sẽ thấy rõ nền kinh tế đang bị ảnh hưởng thế nào. Cứ nhìn giá vàng tăng vùn vụt trong khi giá vàng trên thị trường thế giới không có nhiều biến động sẽ thấy lòng dân đã cảm thấy bất an về kinh tế", ông Lưu nói.

"Không chỉ đưa vấn đề biển Đông vào Báo cáo tình hình thực hiện KTXH những tháng đầu năm 2014 của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra tình hình KTXH những tháng đầu năm 2014 của Ủy ban Kinh tế để Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước biết, mà vấn đề này phải được đề cập trong bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội trong Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7 để cử tri, người dân và bạn bè quốc tế biết thái độ của chúng ta trong việc xử lý vấn đề biển Đông", Phó chủ tịch Quốc hội, ông Huỳnh Ngọc Sơn góp ý.

Nguồn Đầu tư


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới