Hủy

Điểm nghẽn cổ phần hóa - Bài 1: ‘Thủ tướng ơi, cổ phần hóa quá chậm!’

Thứ Năm | 01/09/2016 06:56

Một doanh nghiệp đã viết đơn kêu cứu gửi Thủ tướng để phản ánh chuyện xin cổ phần hóa nhưng tiến trình cổ phần hóa vẫn rất chậm.
 

LTS: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo tiếp tục thực hiện chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trong đó có những “ông lớn” như Vinamilk, Sabeco, Habeco...

Trước đó, Chính phủ cũng đã nhiều lần thúc các bộ, ngành phải đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, cổ phần hóa. Tuy nhiên, trên thực tế chủ trương này chưa đạt kết quả như mong muốn.

Trong đơn gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ông Võ Hồng Viện, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch và Thương mại Công đoàn Nghệ An, cho biết trong hai năm qua ông đã nhiều lần cắp cặp lặn lội từ Nghệ An ra Hà Nội để xin chủ trương cổ phần hóa nhưng đến nay vẫn chưa được chấp nhận.

Lúng túng, lo lắng

Ông Viện trình bày: Ngày 25-6-2014, Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã có công văn gửi LĐLĐ Nghệ An chỉ đạo công ty công đoàn Nghệ An thực hiện cổ phần hóa để khai thác nguồn vốn đầu tư. Đến ngày 25-12-2015, Tổng LĐLĐ Việt Nam bất ngờ có công văn yêu cầu tạm dừng thực hiện cổ phần hóa để kiểm tra, khảo sát thực tế.

Ông Viện chia sẻ: “Mỗi tháng hai lần tôi từ Nghệ An ra Hà Nội xin các ban chuyên môn của Tổng LĐLĐ Việt Nam đồng ý phương án cổ phần hóa. Thế nhưng không hiểu vì sao cơ quan chủ quản lại tạm dừng. Do vậy, tôi đã viết đơn kêu cứu Thủ tướng”. Chúng tôi đang rất lúng túng và lo lắng”.

Chậm vì sợ thất thoát vốn?

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Văn Anh, Trưởng ban Tài chính Tổng LĐLĐ Việt Nam, xác nhận cơ quan này đang tạm dừng cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Du lịch và Thương mại Công đoàn Nghệ An.

Khi được hỏi tại sao ban đầu Tổng LĐLĐ có chủ trương cổ phần hóa đối với công ty trên, sau đó lại tạm dừng, ông Anh trả lời nguyên nhân là do việc xác định giá trị của doanh nghiệp (DN) chưa chuẩn, cần xác định đúng giá trị DN để không làm thất thoát tài sản nhà nước.

“Theo chủ trương thì công ty này sẽ tiếp tục đầu tư để kinh doanh nhưng thời gian qua, đơn vị này làm ăn không hiệu quả nên chúng tôi tạm dừng việc cổ phần hóa, chưa sắp xếp lại DN. Hiện tại, phía Tổng LĐLĐ Việt Nam đang thuê một công ty kiểm toán xác định lại giá trị DN ở công ty này” - ông Anh giải thích thêm.

Tuy nhiên, ông Võ Hồng Viện, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch và Thương mại Công đoàn Nghệ An, cho biết giá trị tài sản DN trước đó đã được Công ty Tư vấn Dịch vụ Tài sản bất động sản DTAC thuộc Bộ Tài chính định giá nhưng Tổng LĐLĐ vẫn không đồng ý. Do đó Tổng LĐLĐ không thể vin vào lý do này để dừng việc cổ phần hóa của DN.

Liên quan đến việc thoái vốn của Sabeco, Văn bản số 7077 do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa ký gửi các cơ quan liên quan mới đây nêu rõ: Trong giai đoạn 2012-2016, Bộ đã bốn lần báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về phương án thoái vốn tại Sabeco.

Đối với việc niêm yết trên sàn chứng khoán, Bộ Công Thương giải thích do các năm qua Bộ tập trung vào thoái vốn nhà nước tại Sabeco với tinh thần là khi thoái vốn sẽ xin phép Chính phủ cho niêm yết ngay lên sàn chứng khoán. Vì vậy, tới nay Sabeco vẫn chưa niêm yết trên sàn giao dịch.

“Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng nhận thấy việc chậm xin phép Chính phủ cho Sabeco niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán là chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Do đó, thời gian tới Bộ sẽ báo cáo Chính phủ xem xét cho Sabeco được niêm yết lên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM” - văn bản của Bộ Công Thương cho biết.

(Còn tiếp)

Năm 2016 thoái hết vốn ở Habeco, Sabeco trong 2017

• Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 31-8, trả lời câu hỏi: “Các nhà đầu tư đang quan tâm tới việc Nhà nước thoái vốn tại Sabeco, Habeco… Việc này tới đây triển khai thế nào?”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:

Chỉ đạo của Thủ tướng là việc thoái vốn phải công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, tránh lợi ích nhóm, gây thiệt hại cho lợi ích nhà nước, lợi ích cổ đông. Đồng thời phải niêm yết trước khi thoái vốn, thuế tư vấn, kể cả nước ngoài để đảm bảo tính chính xác, minh bạch khi thẩm định giá cổ phiếu làm cơ sở thoái vốn.

Cả hai doanh nghiệp rượu, bia, nước giải khát này trước đây đã cổ phần hóa nhưng phần vốn nhà nước còn lớn: Habeco còn gần 82%, tức hơn 9.000 tỉ đồng còn Carlsberg giữ 15,7% và Thủ tướng đã đồng ý bán thêm 5,7% cho cổ đông chiến lược này. Sabeco thì Nhà nước nắm hơn 90% cổ phần. Vì quy mô vốn khác nhau nên chúng tôi trình Thủ tướng lộ trình thoái vốn với Habeco là ngay trong năm 2016. Còn Sabeco thì quy mô lớn hơn, thực hiện theo hai đợt: Đợt 1 là thoái 53,59% vốn điều lệ - tương đương 24.000 tỉ đồng trong năm 2016, đợt 2 bán 36% vốn điều lệ - tương đương 16.000 tỉ đồng trong năm 2017, sau khi Sabeco đã niêm yết trên sàn chứng khoán.

Phương thức bán phải theo quy định của Luật Chứng khoán, Luật Cạnh tranh, pháp luật về chống độc quyền và một số quy định khác. Sẽ thuê đơn vị tư vấn độc lập, có kinh nghiệm, có thể là tư vấn nước ngoài để tính giá trị cổ phần Habeco, Sabeco tại thời điểm thoái vốn trước khi tiến hành đấu giá. Ngoài ra, khi đã niêm yết thì tình hình giao dịch trên sàn chứng khoán cũng có giá trị tham khảo để tính tiếp giá bán phần cổ phần của Nhà nước. Đối tượng mua thì không phân biệt trong, ngoài nước.

Về vấn đề cổ phần hóa, bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Quốc Dũng cho biết về chủ trương đẩy mạnh, quyết liệt thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước, người phát ngôn của Chính phủ cho biết Thủ tướng và các phó thủ tướng đã họp riêng với một số ngành, thống nhất quan điểm “Chính phủ không bán bia, không bán sữa”. Như vậy, tới đây sẽ thoái vốn mạnh tại Sabeco, Habeco, Vinamilk. Sẽ không hạn chế đối tượng mua lại phần vốn của Nhà nước, chỉ cần giữ thương hiệu.

Nguồn PLO


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới