Hủy

Điện gió vẫn "chưa bay"

Hải Vân Thứ Bảy | 09/06/2018 15:48

8,6% diện tích đất liền của Việt Nam thuận lợi cho việc lắp đặt các tua-bin gió lớn. Ảnh: VNEPP

Với tổng công suất 197MW, thị trường điện gió Việt Nam mới chỉ đang ở giai đoạn phát triển sơ khai.
 

Việt Nam muốn có nhiều điện hơn từ nguồn năng lượng gió. Đến nay, đã có 7 dự án điện gió được đưa vào vận hành với tổng công suất 190 MW, cũng như danh mục các dự án đăng ký đầu tư đang ngày một dài hơn.

Thêm nguồn điện từ gió, Việt Nam, một mặt đáp ứng được các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng mặt khác đã giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và sử dụng nguyên liệu hóa thạch để đảm bảo an ninh năng lượng.

Việt Nam đã có khung chính sách năng lượng quốc gia và Chính phủ cũng đã ban hành cơ chế phát triển điện gió từ năm 2012. Tuy nhiên, Ông Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công thương, tại Hội nghị Điện gió Việt Nam hôm 7.6, đã thừa nhận, phát triển các nguồn điện gió ở Việt Nam “còn rất chậm”, với tổng công suất các nhà máy ở mức 197 MW.

Việt Nam còn đang ở khoảng cách rất xa mục tiêu đề ra trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), năm 2020 tỷ trọng sản xuất điện sử dụng năng lượng tái tạo chiếm 6,5% trong cơ cấu nguồn điện, và đến năm 2030 đạt 6,9%, tức là 800 MW điện gió vào năm 2020 và 6000 MW vào năm 2030.

Khó từ thể chế

Từ góc độ nhà đầu tư, ông Bùi Vĩnh Thắng, Phụ trách Việt Nam của Công ty Năng lượng gió và mặt trời toàn cầu Mainstream Renewable Power, nói với NCĐT, trong nhiều khó khăn về đầu tư điện gió, những “khó khăn lớn nhất đều liên quan đến thể chế”.

Ông Thắng dẫn chứng “một cái khó nhất” là các điều khoản trong Hợp đồng mua bán điện mẫu của Bộ Công thương, khiến các nhà đầu tư đứng trước nhiều rủi ro. Ông nói chính lý do này đã khiến các ngân hàng và định chế tài chính từ chối cho các nhà đầu tư tiếp cận vốn.

Nhìn vào các chính sách của Việt Nam cho phát triển điện gió, ông Steve Sawyer, Tổng thư ký Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC), nói rằng “chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư và mong muốn phát triển của thị trường”. Theo ông, Việt Nam mới chỉ đang ở giai đoạn đầu phát triển điện gió, với tổng công suất lắp đặt thấp, chỉ 190 MW, trong khi danh mục các dự án mang lại lợi nhuận là rất hiếm hoi.

Dien gio van

Tổng thư ký GWEC cho biết, việc ngành điện gió thế giới đạt mức tăng trưởng 2 chữ số suốt 15 năm qua là nhờ khung pháp lý ổn định lâu dài, sự thúc đẩy và khuyến khích đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), tăng lợi ích kinh tế theo quy mô. Năm 2017, ngành điện gió đạt hơn 52,5 Gigawatt (GW) điện được lắp đặt, nâng tổng công suất lắp đặt lên 539 GW.

Những cảnh báo về một Việt Nam thiếu điện dần hiện hữu. Và điều này đang được củng cố bằng dự báo của Bộ Công thương, tốc độ tăng trưởng điện sản xuất bình quân của Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020 là 10,7%/năm và giai đoạn 2021-2025 là 8,6%/ năm.

Sẽ hấp dẫn hơn nếu có khung pháp lý ổn định

Việt Nam có nhu cầu cấp thiết cần tìm kiếm một nguồn năng lượng sạch, giá phải chăng. Xét về thực tế, điều này là hoàn toàn có thể đạt được bởi mức độ hấp dẫn đầu tư vào ngành điện gió ngày càng tăng, những chỉ số tiềm năng của Việt Nam được các nhà đầu tư ghi nhận.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), tiềm năng năng lượng gió của Việt Nam lớn nhất khu vực, vượt qua Lào, Campuchia và Thái Lan. Trong đó, trữ lượng gió của Việt Nam ước đạt 513.360 MW, hơn gấp 6 lần tổng công suất ước tính cho toàn ngành điện vào năm 2020.

Nghiên cứu của WB cũng chỉ rõ, 8,6% diện tích đất liền của Việt Nam thuận lợi cho việc lắp đặt các tua-bin gió lớn, trong khi con số tương ứng của Campuchia là 0,2%, Lào là 2,9% và Thái Lan là 0,2%.

Ông Steve Sawyer tin rằng, điện gió của Việt Nam chắc chắn hấp dẫn các nhà đầu tư nhiều hơn nếu có khung pháp lý ổn định và lâu dài. Muốn vậy, Việt Nam cần nỗ lực hơn để cải thiện tính hiệu quả và minh bạch trong các quy định của thị trường cũng như quy trình đấu thầu mua sắm. 

Một tuyên bố ngành, tập trung vào những khuyến nghị nhằm giải quyết những vướng mắc đối với sự phát triển của điện gió, đã được Hiệp hội điện gió toàn cầu (GWEC) và các đối tác: Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Đại sứ quán Đan Mạch và Đại sứ quán Đức công bố trước sự chứng kiến của Bộ Công thương.

Hợp đồng mua bán điện (PPA) được chuẩn hóa, Quy trình phê duyệt dự án đơn giản hóa và rõ ràng, Quy hoạch trước hạ tầng lưới điện và Thành lập Hiệp hội điện gió quốc gia, là bốn nội dung chính, GWEC và các đối tác khuyến nghị Chính phủ Việt Nam sớm sửa đổi, tạo điều kiện cho điện gió phát triển mạnh mẽ hơn.

Ông Steve Sawyer khẳng định những vướng mắc về quy định pháp lý của ngành điện gió ở Việt Nam có thể "xử lý được" nếu Chính phủ hợp tác với GWEC. Theo ông, GWEC muốn giúp Việt Nam đạt được những lợi ích mà ngành điện gió mang lại, đó là một nguồn năng lượng sạch có giá phải chăng để phục vụ phát triển kinh tế; tăng cường an ninh năng lượng, đồng thời phát triển công nghệ tiên tiến nhất và tạo việc làm.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới