Hủy

Doanh nghiệp ‘ôm mộng’ lãi vay 10%

Thứ Năm | 18/04/2013 10:07

Theo các DN, hiện trần lãi suất cho vay là 7,5% nhưng lãi vay họ phải chịu vẫn ở mức 13-15% thì có hạ thêm 0,5 điểm phần trăm nữa cũng khó có thể kéo lãi suất vay xuống 10%.
 

Trong phiên họp thường kỳ tháng 3/2013, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và hỗ trợ các DN. Song đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn cao khiến nhiều DN khó tiếp cận được.

"Om" lãi vay cao

Theo Ngân hàng Nhà nước, sau khi hạ trần lãi suất huy động xuống 7,5%/năm vào cuối tháng 3 vừa qua, đến nay, các ngân hàng thương mại đã bắt đầu hạ lãi suất đầu ra. Tuy nhiên, khảo sát tại một số ngân hàng ở Hà Nội cho thấy, số ít doanh nghiệp có chỉ số tốt mới được các ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi 10,5-12%/năm. Phần lớn các DN còn lại phải chịu mức 13-15%/năm. Lãi suất tuy có giảm nhưng chỉ giảm từ 16% xuống và vẫn còn cao.

Mặt bằng lãi suất cho vay cao như vậy khiến hoạt động kinh doanh của các DN không có hiệu quả. Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu (Aprocimex), cho biết, các DN Việt Nam đã phải chịu lãi suất vay quá cao so, trên 13%, trong khi ở Thái Lan, các DN chỉ chịu mức lãin suất vay 3%, Trung Quốc 5%, Mỹ 0,5%... Điều này khiến các đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam không thể cạnh tranh nổi với DN có vốn "ngoại" ngay tại sân nhà.

Theo ông Lý, từ lâu ông đã kiến nghị cần hạ lãi suất cho vay xuống dưới 10%, như vậy mới hỗ trợ được các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, song điều này vẫn chỉ là mơ ước. Các DN Việt Nam đã phải gánh chịu lãi suất vay quá cao trong thời gian dài, nếu tình trạng thêm e rằng sẽ khó trụ nổi.

Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết, cuối tháng 3/2013, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định hạ trần lãi suất huy động xuống 7,5%/năm. Đây là tiền đề để các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, hiện vẫn có ngân hàng chưa điều chỉnh lãi suất cho vay các khoản vay mới cũng như vay cũ tương ứng với lãi suất huy động.

Về phía các ngân hàng thương mại lại có giải thích khác. Một số ngân hàng lý giải, hiện huy động vốn trung, dài hạn vẫn trên 10%/năm, vì vậy chưa thể hạ lãi suất cho vay thấp hơn như mong muốn của DN, nếu giảm xuống nữa thì ngân hàng có thể lỗ. Giải pháp để các ngân hàng có thể đẩy nhanh giảm lãi suất cho vay là giảm lãi suất huy động, vì Ngân hàng Nhà nước chỉ đưa ra mức trần lãi suất huy động chứ không áp dụng trần cho vay.

Sắp hạ trần lãi suất?

Để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và hỗ trợ các DN, có lẽ không còn cách nào khác là Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tiếp tục giảm lãi suất huy động, tuy dư địa không còn nhiều.

Chỉ số CPI tháng 3 vừa qua, theo công bố tăng 6,6% so với cùng kỳ 2012, và trần lãi suất đã hạ xuống 7,5%. Có lẽ Ngân hàng Nhà nước đang chờ đợi công bố chỉ số CPI tháng 4. Nếu đúng như dự báo, CPI tháng 4 tăng thấp ở mức 6,5% so với cùng kỳ thì trần lãi suất sẽ tiếp tục được hạ.

Các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng nếu lạm phát ở mức 6,5% có thể giảm tiếp trần lãi suất huy động về 7%/năm. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nếu lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn ngắn ở mức 7%/năm, thì lãi suất cho vay xoay quanh 10%/năm là hợp lý. Có thể với mức này, vẫn còn DN kêu là cao, khó tiếp cận vốn. Nhưng nếu đặt trên tổng thể nền kinh tế, cũng như hoạt động kinh doanh ngân hàng thì mức lãi biên khoảng 3% là hợp lý.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm nay có khả năng lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức dưới 7%, vì vậy sẽ kiên trì mục tiêu giảm tiếp lãi suất. Trong vòng 3 tháng tới, lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh sẽ được hạ xuống mức 9-10%/năm, lãi suất các khoản vay cũ được đưa về 13%/năm.

Tuy nhiên, nhiều DN không tin vào điều này. Theo các DN, hiện trần lãi suất cho vay là 7,5% nhưng lãi vay họ phải chịu vẫn ở mức 13-15% thì có hạ thêm 0,5 điểm phần trăm nữa cũng khó có thể kéo lãi suất vay xuống 10%. Nhiều ngân hàng tuy nói thanh khoản dồi dào nhưng vẫn huy động vượt trần mà Ngân hàng Nhà nước không làm gì được. Hơn nữa, do nợ xấu lớn, nhiều ngân hàng thời gian qua đã phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để trích lập dự phòng rủi ro nên chi phí vốn tăng, vì vậy khó mà giảm thấp lãi suất cho vay.

Các DN cũng "tố" rằng ngân hàng có rất nhiều lý do để giữ lãi suất ở mức cao, chẳng hạn như huy động trước đó lãi cao nên giờ phải trung hòa, cần có thời gian. Hay là "bài ca" vấn đề không hẳn do lãi suất, mà là không có nhiều nhu cầu thúc đẩy sản xuất kinh doanh khi đầu ra khó khăn...

(Theo VEF)


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới