Hủy

“Đổi tên nước sẽ tốn kém trăm bề”

Thứ Hai | 27/05/2013 15:07

Hôm nay Quốc hội họp tại tổ về sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
 

"Không cần đổi tên nước vì nếu đổi tốn kém trăm bề", đại biểu Phạm Trường Dân phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 27/5 về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

"Tên nước hiện tại đã là một ấn tượng, dấu ấn rất lớn trong nhân dân khi đưa ra trong thời điểm thống nhất hai miền Nam - Bắc. Đổi tên nước sẽ rất tốn kém ngân sách, trong lúc khó khăn như này, đó là một gánh nặng rất lớn cho nhân dân", vị đại biểu này nhấn mạnh.

Cùng nói về tên nước, đại biểu Hồ Thị Thủy lại phản ánh hầu như cuộc tiếp xúc cử tri và thảo luận nào tại tỉnh cũng có ý kiến muốn lấy lại tên nước.

“Nói không sửa để khỏi tốn kém thì không thuyết phục, vì nếu đúng và cần thiết thì tốn kém cũng vẫn phải làm”, bà Thủy nhấn mạnh.

Song tại các tổ thảo luận khác, nhiều vị đại biểu đồng tình với tiếp thu của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp về quan điểm giữ nguyên tên nước.

"Mặc dù có ý kiến nhân dân góp ý đổi tên nước nhưng đại đa số dân nhất trí tên nước hiện nay và tôi thấy là hợp lý, nên giữ chứ không nên đổi", đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu.

Về điều 4, các ý kiến phát biểu khi đề cập đến đều nhất trí cần phải hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng, nhưng một số vị đề nghị cần xây dựng cơ chế để các tầng lớp nhân dân giám sát hoạt động của Đảng. Bởi người dân rất quan tâm đến việc Đảng chịu trác nhiệm như thế nào.

"Nhân dân đặt ra yêu cầu này với mong muốn rất là tốt đẹp, là muốn Đảng ta mạnh lên, nếu không có động thái nào tiếp thu thì người dân sẽ rất là buồn", Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu.

Đại biểu Huỳnh Minh Thiện đề nghị đặt tên mới là Hiến pháp 2013 hay 2014 tùy thời điểm công bố, vì lần này sửa đổi cơ bản, toàn diện.

Với các chương khác, quan điểm sở hữu đất đai toàn dân cũng nhận được sự đồng tình cao, tuy nhiên hiến định về thu hồi đất vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.

Nhiều vị đại biểu cho rằng, nếu sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế xã hội thì không nên thu hồi mà phải trưng mua để đảm bảo lợi ích của người dân.

Tiếp tục tranh cãi về vai trò của kinh tế nhà nước

Bên cạnh nhiều nội dung khá chụm thì các ý kiến về chế độ kinh tế lại khá phân tán.

Dự thảo mới nhất đưa ra tới ba phương án về nội dung này.

Phương án 1, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.

Phương án 2, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Phương án 3, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.

Bên cạnh nhiều ý kiến đồng ý với phương án 1 và 2 với sự quả quyết cần hiến định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, thì các ý kiến trái chiều cũng rất mạnh mẽ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị chọn phương án 3 vì nếu chỉ nói kinh tế nhà nước chủ đạo thì dễ gây mặc cảm với các thành phần khác.

"Nếu theo phương án 1 thì còn đâu nữa mà bình đẳng", bà Tiến không ngại bày tỏ quan điểm trái ngược với các đại biểu ngay cùng đoàn TPHCM. Phương án 3 cũng nằm trong sự lựa chọn của đại biểu - doanh nhân Đặng Thành Tâm.

Tán thành quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đại biểu Trần Du Lịch cũng chọn phương án không nói ai chủ đạo cả. "Hiến pháp là của cả xã hội, tuân thủ tư tưởng của Cương lĩnh chứ không phải chép lại Cương lĩnh, viết như phương án 3 không ảnh hưởng gì đến Cương lĩnh của Đảng cả", ông Lịch quả quyết.

Nguồn Vneconomy


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới