Hủy

Dự án lọc dầu Nhơn Hội 22 tỷ USD: Chưa xem xét các ưu đãi đặc biệt

Thứ Ba | 11/11/2014 16:27

Đó là quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến vấn đề ưu đãi thuế cho dự án nhà máy lọc dầu Nhơn Hội (Bình Định).
 

Trong báo cáo mới nhất Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định) vào Quy hoạch phát triển ngành dầu khí, nhiều quan điểm đáng chú ý đã được các bộ đưa ra.

"Ưu đãi theo chính sách thuế hiện hành"

Theo đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị, về những ưu đãi thuế cho chủ đầu tư dự án nhà máy lọc dầu Nhơn Hội trước mắt vẫn thực hiện theo chính sách thuế hiện hành và các ưu đãi dành cho doanh nghiệp khi đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội. Đối với các đề xuất ưu đãi khác, sẽ xem xét trong giai đoạn sau.

Thông qua bản báo cáo của chủ đầu tư, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cho biết, chủ đầu tư cần cập nhật, bổ sung, tính toán lại hiệu quả kinh tế xã hội và lưu ý một số vấn đề về thị trường như dự báo và đánh giá khả năng tiêu thụ sản phẩm tại thị trường khu vực và thị trường trong nước để lựa chọn thị trường mục tiêu.

Về cung cấp nguyên liệu và mô hình công nghệ phải xác định nguyên liệu cho dự án phụ thuộc vào nhiều yếu tố như dây chuyền công nghệ, khả năng cung cấp dài hạn, tính kinh tế của nguyên liệu và sản phẩm của dự án. 

Mặt khác, với các đề xuất về nguồn nguyên liệu, chủ yếu là dầu chua nhẹ hoặc pha trộn, thì các thông số đề xác định dây chuyền công nghệ phù hợp sẽ rất khác nhau, khó xác định được mô hình công nghệ của dự án. 

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cho rằng, báo cáo chưa nêu tính toán cân bằng vật chất, đây là yếu tố cần thiết để xác định mô hình công nghệ tối ưu.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp cũng cho biết, các yêu cầu về chính sách ưu đãi từ phía nhà đầu tư đòi hỏi cam kết ở mức cao từ phía Chính phủ. 

Do đó, đề nghị nhà đầu tư thuyết minh chi tiết về sự cần thiết và cơ sở pháp lý của các ưu đã này đối với dự án, đưa ra các đề xuất phù hợp với quy định của pháp luật để Chính phủ xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, việc xem xét ưu đãi về thuế và các ưu đãi khác hiện có như nhà đầu tư đề xuất về quyền sử dụng đất, quyền thế chấp, cam kết của Chính phủ cần được xem xét trong bối cảnh Hiến pháp 2013 đã được ban hành và có hiệu lực.

Do đó nhiều văn bản quy phạm pháp luật sẽ được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới mà có thể làm thay đổi các ưu đãi này. 

"Nếu những ưu đãi này trái quy định pháp luật thì phải báo cáo Quốc hội xem xét quyết định", đại diện Bộ Tư pháp cho biết.

Ủng hộ việc bổ sung dự án vào quy hoạch

Hiện, theo quy hoạch phát triển ngành dầu khí giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 đã quy hoạch việc xây dựng các nhà máy lọc dầu trên toàn quốc dựa trên dự báo cung ứng đầy đủ sản phẩm cho nhu cầu Việt Nam đến năm 2025 và giai đoạn tiếp theo, trong đó không có dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội, tỉnh Bình Định (một địa điểm rất gần Vũng Rô, Vân Phong, Dung Quất nơi đã được quy hoạch xây dựng các nhà máy lọc dầu).

Tuy nhiên, ý kiến từ các Bộ, ngành hầu hết ủng hộ việc cho phép xây dựng nhà máy lọc dầu Nhơn Hội.

Theo báo cáo từ chủ đầu tư PTT, dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội có quy mô diện tích khoảng 1.400 ha đầu tư tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) với tổng vốn đầu tư 22 tỷ USD. 

Công suất của dự án là 400.000 thùng dầu thô/ngày, tương đương 20 triệu tấn/năm, nguồn dầu thô sẽ được nhập từ 3 khu vực là Trung Đông, Châu Phi, Mỹ La Tinh.

Vì vậy, Bộ Khoa học và công nghệ cho biết, với năng lực sản xuất này, dự án sẽ trở thành một khu liên hợp nhà máy lọc hóa dầu tích hợp được xây mới lớn nhất Châu Á.  

“Đây là dự án lớn khi triển khai sẽ mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế, xã hội cho tỉnh Bình Định cũng như cả nước: cung cấp xăng dầu, các sản phẩm hóa dầu có chất lượng cao để sử dụng trong nước và xuất khẩu, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng địa phương”, đại diện Bộ Khoa học và công nghệ nêu quan điểm. 

Tuy nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng lưu ý về việc bổ sung phương án sử dụng thêm nguồn nguyên liệu trong nước.

Đồng thời, khu vực xây dựng dự án gần khu du lịch Nhơn Hội, khu du lịch sinh thái đầm Thị Nại, khu du lịch Hải Giang, các khu vực nuôi trồng thủy sản... nên khi dự án triển khai cần mở rộng cảng Quy Nhơn, nâng cấp và xây dựng những con đường mới và cầu cảng. 

Do đó, dự án cần có các phương án cụ thể bảo đảm việc triển khai xây dựng và vận hành Tổ hợp lọc hóa dầu không gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường của các khu du lịch, khu sinh thái, khu nuôi trồng thủy sản này.

Đồng quan điểm, Bộ Tài nguyên và môi trường cũng cho biết, UBND tỉnh Bình Định cần định hướng các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường như quy hoạch địa điểm đổ thải nạo vét luồng tàu và khu vực cảng, phương án cấp và thoát nước, xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại phù hợp với hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Nhơn Hội và năng lực của tỉnh Bình Định…

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng cho ý kiến thống nhất đề nghị của UBND Bình Định về việc bổ sung dự án vào quy hoạch. 

Ngân hàng nhà nước cũng cho ý kiến nhưng đến thời điểm hiện tại, theo đại diện Ngân hàng nhà nước, Ngân hàng nhà nước chưa có cơ sở để tham gia ý kiến cụ thể đối với các vấn đề về tín dụng, ngoại hối liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng nhà nước.

Chủ đầu tư đề xuất hàng loạt ưu đãi 

Ngoài các ưu đãi đầu tư hiện hành được Chính phủ dành cho Khu kinh tế Nhơn Hội, nhà đầu tư hiện đang đề nghị hàng loạt ưu đãi bổ sung nhằm gia tăng hiệu quả cho dự án. 

Trong đó, đáng chú ý là đề nghị được miễn tiền thuê đất trong vòng 70 năm; được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% với thời hạn 30 năm, trong đó 13 năm đầu được miễn thuế.

Trong 13 năm đầu vận hành thương mại, dự án muốn được áp dụng mức giá bán buôn tại cổng nhà máy là giá nhập khẩu cộng thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm lọc dầu, 5% cho LPG và 3% với các sản phẩm hóa dầu. 

Đồng thời, nhà đầu tư còn muốn được bù phần thuế này khi có sự thay đổi như các dự ánlọc hóa dầu đang được hưởng là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Đề xuất việc cộng thuế nhập khẩu này được xem là giúp cho hiệu quả đầu tư (IRR) tăng thêm 1,6% so với phương án cơ sở.

Ngoài ra, chủ đầu tư còn đề nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, bao gồm san lấp mặt bằng, thu hồi đất, đê điều và đường tránh, di dời dân cư và các nhà máy hiện tại, bố trí cảng biển cho dự án, mở rộng cảng Quy Nhơn, đầu tư đường và cầu dẫn tới cảng, bảo đảm nguồn nước.

Nguồn Diễn đàn đầu tư


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới