Hủy

Đưa nợ xấu xuống dưới 3%: Kiến nghị ban hành một luật đặc biệt

Thứ Ba | 10/03/2015 10:05

Giới nghiên cứu kinh tế vẫn còn không ít băn khoăn về tính triệt để trong xử lý nợ xấu, đặc biệt trong bối cảnh nợ xấu có thể tăng trở lại.
 

Nợ xấu vẫn còn nhiều “lăn tăn”

Hiện tại, “lăn tăn” đầu tiên được các chuyên gia đề cập nhiều vẫn là số liệu nợ xấu thực của nền kinh tế. TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Nợ xấu do cơ quan quản lý Nhà nước công bố thường có sự chênh lệch với các tổ chức quốc tế. Trong khi ngành ngân hàng công bố nợ xấu loanh quanh mức 3-4% nhưng có tổ chức xếp hạng tín nhiệm như Moody’s lại cho rằng nợ xấu Việt Nam lên đến 22%. Nguyên nhân là do áp dụng cách tính. Chẳng hạn cách tính của Moody’s là tính nợ xấu trên tổng tài sản, còn theo cách của Ngân hàng Nhà nước là tính trên tổng dư nợ cho vay.

TS Lê Xuân Bá chia sẻ: Chúng ta đã hội nhập nên phải dần dần tiếp cận một cách tích cực theo các phương pháp tính toán phù hợp với thông lệ quốc tế. Một khi chưa nhìn thẳng vào sự thật thì những vấn đề xấu sẽ càng ngày càng tích tụ, đến lúc nào đó trở tay không kịp.

Trong một bài nghiên cứu về tình hình nợ xấu, TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân) đánh giá: Nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng Việt Nam dù ở mức 4,17% (số liệu tháng 8-2014 của NHNN) hay 3,9% hay theo các số liệu thống kê bởi các tổ chức khác cũng đều đã đến mức rất nghiêm trọng. Nghiêm trọng hơn, khi nợ xấu chính là một nút thắt cơ bản đối với tiến trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng cũng như đối với quá trình chuyển hóa tiết kiệm thành vốn đầu tư thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cũng tỏ ra thận trọng khi nói về số liệu nợ xấu. Và “nợ xấu thực sự là bao nhiêu” là một trong các vấn đề mà ông Cung cho rằng cần phải được trả lời. Nhưng ông Cung cũng bình luận: “Với cách xử lý hiện tại câu hỏi này chưa thể trả lời được”.

Điều “lăn tăn” tiếp theo là trong khi số liệu nợ xấu còn đang còn những tranh cãi, thì nguy cơ nợ xấu đối mặt với khả năng tăng trong thời gian tới ngày càng hiện hữu. Đó là do việc áp dụng Thông tư 09/2014/TT-NHNN. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-6-2014, tuy nhiên các quy định cụ thể về phân loại nợ theo Thông tư này bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015. Theo đó, các ngân hàng thương mại phải thực hiện công tác phân loại theo đúng hướng dẫn của Thông tư 09, theo hướng chặt chẽ hơn. Do đó, báo cáo của nhiều công ty chứng khoán và các tổ chức trong nước cũng như quốc tế đã nhận định nhiều khả năng các kết quả phân loại này sẽ tác động trực tiếp tới các tổ chức tín dụng, làm nợ xấu tăng lên và phần trích lập dự phòng rủi ro cũng tăng theo.

Đưa nợ xấu xuống dưới 3% là khả thi?

Trả lời trong chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” gần đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhắc lại cam kết đến hết năm 2015 sẽ đưa nợ xấu về dưới 3%. Theo ông Nguyễn Văn Bình, mục tiêu đó là khả thi nhưng cần phải hết sức cố gắng. NHNN cũng sẽ nỗ lực nâng cao khả năng hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định mới sửa đổi Nghị định 53 quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động VAMC, tạo môi trường thông thoáng hơn cho hoạt động của Công ty này.

“NHNN cũng sẽ tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tôi có thể vui mừng thông báo rằng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc mua lại nợ xấu của Việt Nam với điều kiện môi trường pháp lý thông thoáng hơn. Cùng với các giải pháp trên, trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng tốt hơn, ấm áp hơn sẽ tạo điều kiện cho việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng xuống dưới 3% vào cuối năm 2015” - lãnh đạo NHNN lạc quan.

Căn cứ theo những số liệu về xử lý nợ xấu được NHNN công bố, ông Đặng Ngọc Đức cho rằng mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại về mức dưới 3% dư nợ theo chuẩn mực quốc tế là trong tầm tay. Tuy nhiên, chuyên gia của Đại học Kinh tế Quốc dân vẫn còn băn khoăn: Xét về thực chất, việc xử lý nợ xấu của VAMC cũng như các ngân hàng thương mại mới chỉ dừng lại ở mức gom dồn nợ xấu và đưa ra tài khoản ngoại bảng để làm “sạch” báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại. Mặc dù điều này ít nhiều góp phần tăng khả năng cho vay cũng như thanh khoản của các ngân hàng song xử lý nợ xấu như vậy chưa thể coi là triệt để và rõ ràng là chưa tháo gỡ được khó khăn cho các ngân hàng thương mại cũng như các DN trong nền kinh tế.

Ông Đặng  Ngọc Đức nhận định: “Chúng tôi cho rằng xử lý nợ xấu chỉ được coi là triệt để và hiệu quả khi nợ xấu được bán cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước để có dòng tiền thực sự trả lại cho các ngân hàng thương mại. Trên cơ sở đó, không chỉ vốn chủ sở hữu, vị thế tài chính mà khả năng cho vay của các ngân hàng thương mại được phục hồi đồng thời mở ra khả năng giải chấp đối với tài sản đảm bảo và tiếp cận vay vốn của các DN đang có nợ xấu. Chia sẻ quan điểm với nhiều chuyên gia khác, chúng tôi suy nghĩ rằng việc bán nợ xấu của VAMC sẽ không phải là điều dễ dàng nếu không có những giải pháp mang tính đột phá và với sự hỗ trợ đặc biệt của Chính phủ”.

Nhận định rằng việc “lấy tiền đâu để xử lý nợ xấu là câu hỏi chưa thể trả lời được”, TS Nguyễn Đình Cung nhắc đến sự cần thiết phải thiết lập thể chế mua bán nợ đầy đủ theo thị trường. “Câu hỏi này có thể có câu trả lời vì kinh tế đang ổn định, thiết lập được thị trường mua bán nợ thì nợ sẽ giải quyết được dần dần. Chúng tôi kiến nghị ban hành một luật đặc biệt có hiệu lực 5-7 năm, chỉ xử lý tài sản thế chấp gắn với nợ xấu. Sau thời gian đó thì luật này hết hiệu lực. Như vậy, chúng ta không phải sửa các đạo luật khác, không đụng đến các nền tảng chính trị của hệ thống pháp luật” – TS Nguyễn Đình Cung đề xuất.

Nguồn Báo Hải quan


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới