Hủy

Ế hơn 2.500 tỷ đồng cổ phần IPO

Thứ Hai | 07/04/2014 06:49

Hơn 70% trên tổng số 355 triệu cổ phần được các doanh nghiệp Nhà nước chào bán lần đầu ra công chúng không tìm được người mua trong vòng 3 tháng qua.
 

Theo thống kê của VnExpress, kết thúc quý I, hai Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội và TP HCM đã tổ chức cho 25 doanh nghiệp chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) theo hình thức đấu giá, nhiều gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn trong số này tập trung ở Hà Nội, chỉ 25% IPO qua Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM.

Tổng cộng hơn 355 triệu cổ phần được các doanh nghiệp Nhà nước đưa ra IPO. Tuy nhiên, trên 70% số này bị ế, tương đương lượng vốn gần 2.529 tỷ đồng theo mệnh giá.

Trong số 15 công ty không bán hết cổ phần quý I vừa qua, đáng chú ý là trường hợp Công ty TNHH MTV Vận tải và Xếp dỡ đường thủy nội địa (Trancinwa) khi ế 99%.Tranciwa có vốn điều lệ là 58,5 tỷ đồng, tương ứng 5,85 triệu cổ phần. Trong đó công ty dành hơn 2,5triệu cổ phần để đưa ra đấu giá nhưng chỉ bán được 24.200 đơn vị, tỷ lệ thành công 0,01% và thu về 242 triệu đồng.

Theo dự thảo phương án cổ phầnhóa, lợi nhuận sau thuế Trancinwa giảm dần qua các năm. Trong đó, năm 2010, đơn vị báo lãi ròng hơn 340 triệu đồng, nhưng tới năm 2012 đã lỗ 13,6 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là Trancinwa trích lập, xử lý lượng lớn các công nợ phải thu không có khả năng thu hồi đã tồn đọng từ lâu. Vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2012 của Trancinwa đạt 51,1 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu thấp, dưới 1% trong thời gian 3 năm trước cổ phần hóa.

Từng dự kiến đấu giá hơn 49,7 triệu cổ phần ngày IPO, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) gần như bị ế toàn bộ khi chỉ bán được 0,03% số này. Hancorp hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng nhà và các loại công trình. Tuy nhiên, 3 năm trước cổ phần hóa, doanh thu công ty lại ghi nhận sự giảm dần.

Hancorp-AQ-3855-1396666545.jpg

Tòa nhà Hancorp Plaza, một trong những công trình của Hancorp. Ảnh Anh Quân

Doanh thu thuần vào thời điểm năm 2010 là 2.226 tỷ đồng, nhưng sang 2012 chỉ còn 1.590 tỷ đồng. Nguồn thu chính là từ hai mảng hợp đồng xây dựng và dự án hạ tầng khu đô thị-nhà ở. Dù vậy, doanh thu hai lĩnh vực này của Hancorp cũng không ổn định qua các năm.

Năm 2012, lợi nhuận sau thuế Hancorp chỉ còn 31 tỷ đồng, giảm 87% so với 2010. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2012 là 3,5%, cũng giảm hàng chục phần trăm so với hai năm trước đó.

Ngoài hai công ty trên, trong ba tháng đầu năm, hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước cũng ế trên 90% số cổ phần định IPO. Trong đó, Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam Vinamotor thừa 97% (49,4 triệu cổ phần), Tổng công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam Viwaseen dư 96% (21,5 triệu cổ phần). Ngoài ra, Cienco 6 cũng ế 96% số cổ phần IPO, tương đương 27,5 triệu đơn vị.

Nhiều lãnh đạo tổng công ty thừa nhận quá trình cổ phần hóa và xây dựng kế hoạch IPO diễn ra cấp tập, vội vàng là nguyên chính khiến các đợt chào bán không thành công. Chẳng hạn trường hợp của Tổng công ty Vận tải thủy Vivaso, đến sát ngày họp báo kế hoạch IPO, đơn vị này còn chưa hoàn thiện xong website theo đúng thủ tục. Trong đợt đấu giá vừa qua, Vivaso cũng là một trong số những doanh nghiệp ế nặng nhất khi còn dư 96% cổ phần, tương đương 14,6 triệu đơn vị.

Ông Phạm Ngọc Đích – Chủ tịch Hội đồng thành viên Vivaso cho biết vào ngày 23/4 sắp tới, công ty sẽ tổ chức đại hội cổ đông và “thỏa thuận với nhà đầu tư để tiếp tục bán cổ phần, hoàn thành kế hoạch trong năm 2015”.

Trong khi đó, Chủ tịch Tổng công ty Xây dựng đường thủy Vinawaco – ông Nguyễn Duy Hiền chia sẻ thêm do kế hoạch gấp gáp nên có tình trạng doanh nghiệp tìm mọi cách để có nhà đầu tư chiến lược trước khi thẩm định năng lực của họ.

Thực tế dù đã từng có văn bản đề nghị lên Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt danh sách 3 nhà đầu tư chiến lược và được phê chuẩn, song sau khi tái thẩm tra, ông Hiền cho biết chỉ duy nhất một đơn vị đủ tiêu chuẩn. Là một trong những công ty chào bán thành công đợt IPO vừa qua, Vinawaco đã bán hết hơn 9 triệu cổ phần cho đối tác này.

Chia sẻ với VnExpress.net, phó tổng giám đốc một quỹ đầu tư có vốn liên doanh nước ngoài tại Việt Nam nhận định với giá chào bán 10.000 đồng một cổ phần, nội tại nhiều đơn vị IPO có thể còn chưa đạt đến mức đó.

“Bất kỳ cuộc đấu giá nào cũng phải phản ánh giá trị thực doanh nghiệp. Nếu không ai mua thì có thể hiểu mức giá đưa ra quá cao so với số tiền nhà đầu tư sẵn lòng trả. Chủ yếu là do chất lượng hoạt động chính công ty chưa tốt”, ông chia sẻ.

Ông Phan Dũng Khánh – Trưởng phòng Tư vấn Đầu tư tại Công ty Chứng khoán MayBank Kim Eng cho rằng những cuộc đấu giá IPO gần đây hầu như không thu hút nhiều sự quan tâm từ nhà đầu tư. “Còn nhớ những năm 2006-2008, nhà đầu tư nào tham gia đấu giá IPO cũng như đi dự tiệc, tâm trạng phấn khởi. Người ta biết hôm nay mua xong, ngày mai chỉ cần bán quyền sở hữu cổ phần, hoặc thậm chí là phiếu đấu giá là cũng đủ thu lời”, ông Khánh kể.

Một trong những lý do chính dẫn đến ế cổ phần là tiềm năng các doanh nghiệp chưa thực sự thấy rõ, truyền thông không đủ mạnh, nhắm vào đối tác mua chưa chuẩn. Hơn nữa, bản thân những công ty này cũng không thuộc những ngành nghề nổi bật hoặc có đặc thù riêng, khác với những đơn vị đã niêm yết để tạo sức hút đối với giới đầu tư, ông Khánh đánh giá.

Yếu tố nữa, theo chuyên gia của MBKE, là thời điểm IPO hiện thời các doanh nghiệp Nhà nước lại rơi vào đúng giai đoạn thị trường chứng khoán nhiều cơ hội. Nhà đầu tư mua cổ phiếu trực tiếp trên sàn sinh lãi nhiều, nhanh và nắm thông tin từ doanh nghiệp niêm yết minh bạch hơn. Trong khi đó, sở hữu cổ phần từ những tổng công ty này phải chờ đợi hoặc bị chôn vốn rất lâu do thanh khoản thấp, chuyên gia MBKE chia sẻ.

Trao đổi với VnExpress.net, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan – Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho rằng mức độ quan tâm và khả năng đầu tư tại các doanh nghiệp có khác nhau do công ty chưa hấp dẫn hoặc quy mô thị trường chứng khoán còn hạn chế. “Nhưng theo quan điểm của chúng tôi, việc doanh nghiệp IPO có bán được hết hay không, giá bán cao hay không chưa phải là mục tiêu cốt yếu chủ trương thúc đẩy cổ phần hóa của Chính phủ”, bà Lan cho biết.

Theo lãnh đạo HNX, vấn đề là sau khi cổ phần được chào bán ra công chúng, doanh nghiệp sẽ chuyển đổi mô hình hoạt động, thay đổi cơ cấu sở hữu, đổi mới chỉ đạo điều hành và có thêm cơ hội trong chiến lược kinh doanh. Ngoài ra, bà Lan cũng cho biết Sở đang xây dựng đề án gắn IPO với thị trường giao dịch doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết nhằm rút gọn thời gian và thủ tục lên sàn.

Như vậy, trong tương lai, các công ty IPO xong lập tức có thể cho những cổ phần chuyển đổi thành cổ phần và giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung. Công chúng đầu tư khi quan tâm tới các cuộc IPO sẽ yên tâm khi cổ phần mình mua sớm được giao dịch, bà Lan nhấn mạnh.

Ngọc Anh - Vi Hiếu

Nguồn Vnexpress.net


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới