Hủy

Eo xèo kinh doanh vàng miếng

Bá Ước Thứ Hai | 21/05/2018 14:00

Điểm kinh doanh vàng SJC. Ảnh: Quý Hòa

Vàng từng là một kênh đầu tư sôi động ở Việt Nam trong những năm 2009-2012, khi nhà nhà ai cũng quan tâm đến việc mua vàng.
 

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chấm dứt kinh doanh vàng miếng tại 9 địa điểm. Điều này cho thấy thị trường vàng miếng đang trong giai đoạn kém hấp dẫn nhất từ trước tới nay.

Kênh đầu tư vàng không còn nhiều hiệu quả

Vàng từng là một kênh đầu tư sôi động ở Việt Nam trong những năm 2009-2012, khi nhà nhà ai cũng quan tâm đến việc mua vàng. Cùng với đà tăng của giá vàng thế giới trong giai đoạn đó, giá vàng tại Việt Nam có lúc đạt đỉnh hơn 50 triệu đồng/lượng. Nhưng hiện tại, ngành kinh doanh này đang ngày một giảm sút.

Theo giới đầu tư thừa nhận, vàng là một công cụ để giữ giá trị trong bối cảnh lạm phát và là kênh đầu tư an toàn trước những bất ổn địa chính trị và khi chứng khoán không còn sức hút. Vàng miếng ở Việt Nam chịu sức ép của 2 yếu tố là giá vàng thế giới và biến động tỉ giá. Tuy nhiên, hiện tại cả 2 yếu tố này đều rất ít biến động, cho nên giá vàng hầu như chững trong suốt thời gian qua. Như hiện tại, giá vàng thế giới đã giảm khá nhanh khi những tin tức về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên được phát đi và một phần giới đầu tư đã chuyển sang một kênh đầu tư khác là tiền mã hóa.

 Một báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) mới đây cũng khẳng định xu hướng này. Theo đó, nhu cầu vàng toàn cầu trong quý I/2018 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008, chỉ còn 973,5 tấn, giảm 7% so với quý trước. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua, khi kinh tế thế giới cải thiện và các thị trường chứng khoán duy trì đà tăng giá.

Eo xeo kinh doanh vang mieng
 

Còn tại Việt Nam, trước năm 2012, thị trường vàng miếng có nhiều thương hiệu như SBJ hay SJC. Tuy nhiên, do những biến động lớn của giá vàng trong những giai đoạn trước và để ngăn chặn làn sóng đầu cơ vàng và tình trạng vàng hóa nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3.4.2012 quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

Và ngày 23.8.2012, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 1623/QĐ-NHNN về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước, trong đó có quy định “Ngân hàng Nhà nước giao Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) là đơn vị duy nhất được gia công vàng miếng”. Quyết định này đã chính thức khẳng định vàng miếng SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia và các loại vàng miếng khác trở thành vàng không thương hiệu, hay như dân đầu tư hay gọi là “vàng bóng”.

Cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp phép cho tổng cộng 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng. Hiện tại, người dân Việt Nam có thể đến giao dịch vàng miếng vào khoảng gần 2.500 điểm trên cả nước so với con số khoảng 12.000 điểm trong thời đỉnh cao.

Những động thái trên đã giúp bình ổn thị trường vàng, nhưng cũng làm cho vàng miếng mất sức hút. Trước đây, ở Việt Nam, ngoài việc mua vàng để tích trữ, người dân thường có xu hướng mua vào và bán ra vàng miếng để kiếm lời nhờ những biến động mạnh, nhưng với việc vàng miếng chỉ dao động trong một biên độ “hẹp” chỉ khoảng 300.000-400.000 đồng và dao động theo chiều hướng giảm như hiện nay thì rất khó để nhà đầu cơ kiếm lời.

Vàng bóng cao giá hơn cả vàng SJC

Gần đây có một xu hướng khá lạ trên thị trường khi trong tháng 2 vừa qua, giá bán vàng bốn số 9 (vàng bóng) lại cao hơn giá bán vàng miếng SJC loại 1 lượng vài trăm ngàn đồng. Trong khi đó, ở thời đỉnh cao, giá vàng miếng SJC luôn chênh cao hơn khoảng 4-5 triệu đồng/lượng so với vàng bóng vì thị trường chỉ chuộng vàng miếng SJC do yếu tố có thể lướt sóng như đã nói ở trên. Theo lời một chuyên gia, giới kinh doanh vàng chuyển sang đầu tư vàng bóng ký, phần vì giá vàng nguyên liệu bốn số 9 hiện nay đã bám sát biến động của giá vàng thế giới và phần vì vàng bóng ký cũng có thanh khoản vì các tiệm vàng mua về để sản xuất vàng nhẫn, vàng nữ trang để bán. Do phụ thuộc giá vàng bốn số 9 nên có lúc giá vàng nhẫn cũng cao hơn cả giá vàng miếng SJC.

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia ngoại hối tại một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết đã không theo dõi thị trường vàng miếng từ 4 năm nay sau khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời. Vị chuyên gia này cho biết: “Nhiều ngân hàng không mặn mà với kinh doanh vàng miếng nữa vì tốn chi phí mà không đem lại lợi nhuận”.

Trước những thay đổi về quy định, một số doanh nghiệp đã nhanh nhạy chuyển sang vàng trang sức. Với PNJ, vàng miếng từng là mảng kinh doanh chủ đạo của Công ty. Tuy nhiên, mảng kinh doanh này không đem về nhiều lợi nhuận do biên lợi nhuận rất mỏng, đồng thời phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ từ Nhà nước và cũng trồi sụt thất thường theo xu hướng giá vàng của thế giới, Công ty đã chuyển đổi mô hình kinh doanh sang hướng kinh doanh trang sức.

Theo số liệu công bố trong quý IV/2017, PNJ đạt mức doanh thu 3.228 tỉ đồng và lợi nhuận gộp 552 tỉ đồng. Trong đó, vàng miếng chỉ đóng góp 18,7% doanh thu và 2% lợi nhuận gộp, trong khi trang sức vàng đóng góp hơn 79% doanh thu và hơn 89,1% lợi nhuận gộp của PNJ. Trước đó, vào thời điểm năm 2011, vàng miếng chiếm 50% tổng mức doanh thu 17.300 tỉ đồng của công ty này.

Công ty độc quyền sản xuất vàng miếng là SJC cũng chứng kiến doanh thu vàng miếng sụt giảm mạnh kể từ thời điểm Nghị định 24/2012 có hiệu lực. Doanh thu của SJC giảm từ mức 72.000 tỉ đồng vào năm 2012 xuống chỉ còn hơn 22.950 tỉ đồng trong năm 2017. Lợi nhuận gộp đã giảm chỉ còn một nửa vào năm 2014, dù rằng Công ty đã cố gắng cải thiện chỉ tiêu này trong những năm gần đây.

Eo xeo kinh doanh vang mieng
 

Một điều tích cực là biên lợi nhuận đã được cải thiện từ mức 0,33% năm 2012 lên 0,75% trong năm 2017 và tỉ trọng vàng trang sức đóng góp vào doanh thu cũng đang tăng lên. Tuy nhiên, mức biên lợi nhuận gộp này vẫn còn thua xa con số hơn 17% của PNJ. Về kế hoạch phát triển trong giai đoạn 2016-2019, SJC cũng đặt mục tiêu tập trung phát triển nữ trang.

Theo báo cáo của WGC, nhu cầu vàng trang sức tại Việt Nam trong năm 2017 tăng 7% lên 16,5 tấn, mức nhu cầu mạnh nhất kể từ năm 2008. WGC nhận định nhu cầu vàng được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và đà tăng của thị trường chứng khoán. Và việc chuyển đổi mô hình kinh doanh cho phù hợp với điều kiện thị trường cũng là một bước đi cần thiết.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới