Hủy

Ernst & Young hạ dự báo GDP Việt Nam từ 6,4% xuống 6%

Thứ Tư | 03/09/2014 17:07

Ernst & Young hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2015 từ 6,4% xuống còn 6,0%.
 

Ernst & Young (EY), một trong những công ty kiểm toán lớn nhất thế giới, vừa công bố dự báo triển vọng quý 2/2014 đối với 25 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó có Việt Nam.

Đối với thị trường Việt Nam, trái ngược với dự báo lạc quan hồi quý 1/2014, EY lần này tỏ ra khá thận trọng, trong bối cảnh triển vọng thương mại châu Á không được khả quan, cùng với đó là những diễn biến xoay quanh vấn đề chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc.

Theo đó, EY đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2015 từ 6,4% trong bản báo cáo hồi tháng 2, xuống còn 6,0%. Tuy nhiên, trong trung hạn, tăng trưởng được kỳ vọng sẽ bật trở lại mức 6-7%/năm trong giai đoạn 2016 - 2017, nhờ đầu tư trực tiếp từ nước ngoài rót về và xuất khẩu tiếp tục được đẩy mạnh.

Theo nhận định của EY, việc thay đổi cơ cấu nguồn vốn FDI mở rộng cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực dệt may cao cấp và công nghiệp ngoài ngành dệt may nơi mà xuất khẩu ít chịu biến động giá.

Những rủi ro đầu tư chủ yếu đến từ sự kháng cự nội bộ trong công cuộc đổi mới nhằm thu nhỏ quy mô doanh nghiệp nhà nước và nới lỏng tín dụng đối với doanh nghiệp tư nhân.

Cũng theo đánh giá của EY, lạm phát của Việt Nam đã tuột khỏi mức cao 6,6% của năm ngoái, cùng với sự tự tin vào ổn định giá cả đã làm dịu bớt nỗi lo lắng về giảm lương.

Xu hướng lạm phát giảm dần trong giai đoạn 2014 -2018 được củng cố bằng sự tiếp tục thặng dư cán cân thanh toán đối ngoại (cùng với đó sẽ từng bước giảm giá đồng tiền của Việt Nam) và cải thiện được sự thiếu hụt năng lượng.

Mới đây trong một bản báo cáo về “Kinh doanh ngân hàng ở các thị trường mới nổi”, trong đó có Việt Nam, báo cáo của EY cũng cho biết 94% các ngân hàng Việt Nam tham gia khảo sát trông đợi kết quả kinh doanh cải thiện một phần trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nợ xấu vẫn là mối quan ngại lớn nhất khi 76% cho rằng đây là vấn đề quan trọng của ngành ngân hàng và đang làm cản trở quá trình tiếp cận tín dụng.

Ông Keith Pogson, Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ tài chính của EY Hồng Kông nói: “Khi đặt câu hỏi với các nhà đầu tư nước ngoài về việc liệu họ có bán các khoản đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh khó khăn như hiện nay hay không thì câu trả lời của họ đều là không. Một phần vì trước khi quyết định đầu tư họ đã cân nhắc rất kỹ, phần khác đặt niềm tin vào tiềm năng thị trường trong tương lai”.

Các chỉ số đánh giá rủi ro của Việt Nam đều đang ở mức trung bình hoặc mức cao. Vì vậy tình hình kinh tế Việt Nam cần được theo dõi và chú ý đặc biệt.

Trong đó, theo EY, tài sản vãng lai, nợ nước ngoài, lạm phát, dao động tỷ giá ở mức rủi ro trung bình; nợ chính phủ, tăng trưởng tín dụng so với GDP, bảo lãnh nhập khẩu, ở mức rủi ro cao.

Tuy nhiên cũng nhờ thặng dư tài khoản vãng lai từ năm 2011, và cân bằng ảnh hưởng đến đồng tiền và lạm phát, Việt Nam đã giảm xuống từ vị trí thứ 4 trong các nền kinh tế có rủi ro cao nhất ở ấn phẩm tháng 2 xuống vị trí thứ 11 trong 25 nền kinh tế phát triển nhanh thuộc danh mục EY theo dõi.

Nguồn VnEconomy


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới