Hủy

Forbes: Việt Nam sẵn sàng trở thành con hổ kinh tế tiếp theo ở châu Á

Thứ Sáu | 09/09/2016 09:20

Website của Forbes vừa đăng tải bài viết của tác giả Ed Fuller với tiêu đề “Vietnam poised to be Asia's next Economic Tiger"
 

Theo tác giả Ed Fuller, Việt Nam đã sẵn sàng để trở thành con hổ kinh tế tiếp theo ở châu Á tương tự Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc trước đó. Việt Nam đang có nhiều yếu tố lợi thế cơ sở để đưa ra dự báo đó.

Theo thông tin trên tờ Economist hồi tháng 8, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FED) vào Việt Nam năm 2015 đạt kỷ lục và tiếp tục tăng trong năm nay. Trong nửa đầu năm 2016, FDI đã đạt 11,3 tỷ USD, tăng 105% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm chạp.

Kể từ năm 1990, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bình quân đạt gần 7%/năm, đứng thứ 2 chỉ sau Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng này đã giúp đưa Việt Nam từ một nước nghèo thành nước có thu nhập trung bình. Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng 7%/năm trong một thập kỷ tới, nền kinh tế Việt Nam sẽ có quy mô phát triển tương tự Trung Quốc và các "con hổ" châu Á khác.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang đứng ở ngã ba đường, như tờ Economist lưu ý rằng, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại và rơi về mức tăng trưởng 4%/năm, Việt Nam có thể lỡ cơ hội thành con hổ kinh tế, giống như từng xảy ra với Thái Lan và Brazil.

Thế mạnh của Việt Nam hiện là quy mô dân số trên 92 triệu người, phần lớn là người trẻ (tuổi bình quân là 30,7) và có tay nghề. Chi tiêu cho giáo dục hiện chiếm 6% GDP, cao hơn so với mức bình quân của các nước thu nhập thấp và trung bình.

Trong bảng xếp hạng toàn cầu, trẻ em 15 tuổi của Việt Nam thường xuyên đánh bại bạn cùng trang lứa ở Mỹ và Anh trong các cuộc thi toán học và khoa học. Đây là một lợi thế nhân lực cho các nhà máy tại Việt Nam đòi hỏi người lao động phải có khả năng vận hành máy móc phức tạp.

Một điểm tích cực khác là vị trí địa lý, khi Việt Nam có biên giới giáp với Trung Quốc, trở thành một lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác khi Việt Nam gần hơn với các trung tâm sản xuất của miền Nam Trung Quốc, với hệ thống giao thông kết nối bằng đường bộ và đường biển. Hơn nữa, sự tăng giá tiền lương lao động ở Trung Quốc làm cho Việt Nam trở thành điểm đến thay thế cho các doanh nghiệp di chuyển nhà máy tìm đến những nơi có chi phí thấp hơn.

Ngoài ra, Việt Nam là thành viên của nhiều hiệp định thương mại. The Economist đánh giá Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn nhất khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP - một thỏa thuận 12 quốc gia bao gồm Mỹ và Nhật Bản) được phê chuẩn. Kể cả khi TPP không thành công, Việt Nam cũng đã tham gia ký kết hiệp định thương mại khác với EU, Hàn Quốc đã có hiệu lực.

Ngày nay, du lịch đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam. Theo Hội đồng Du lịch & Du lịch thế giới (WTTC), năm 2015, du lịch đóng góp hơn 16 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam, tương đương khoảng 9,3% GDP.

Với mục tiêu thu hút 55 triệu lượt khách du lịch (cả nội địa và quốc tế) mỗi năm đến năm 2030, Việt Nam đã áp dụng chính sách miễn thị thực cho du khách đến từ 22 quốc gia châu Âu và châu Á, kể cả Anh, Pháp, Đức, Nga và 9 nước thành viên ASEAN.

Ngoài ra, rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng và giao thông chủ chốt đã được lên kế hoạch thực hiện trong vòng 15 năm tới, kể cả 7 khu vực mới phát triển du lịch, các tuyến đường thủy Hải Phòng, Quảng Ninh và tuyến đường sắt kết nối đến tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Đồng thời, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng trong khu vực dự kiến sẽ tiến xa hơn, nhờ vào một loạt các thỏa thuận song phương đã ký kết với các nước Lào, Campuchia và Myanmar để hiện thực hóa các sáng kiến du lịch khu vực chung.

Giới phân tích dự đoán, nguồn cung phòng khách sạn sẽ tăng trong vòng 3 năm tới. Hãng tư vấn bất động sản CBRE dự báo số phòng khách sạn ở TP.HCM (Sài Gòn) và Hà Nội sẽ tăng trưởng 8%/năm cho tới năm 2018. Trong khi WTTC cũng tỏ ra lạc quan với báo cáo mới đây dự báo ngành du lịch Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,2%/năm trong thập niên tới, tạo thêm nhiều việc làm và du lịch trực tiếp tăng khoảng 2%/năm đến năm 2025.

Nhật Trường

Nguồn Forbes


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới