Hủy

Giá dầu giảm, kẻ thắng người thua

Chủ Nhật | 19/10/2014 08:41

Giá dầu thô ở mức 80 USD/thùng sẽ có tác động như một chương trình nới lỏng định lượng khổng lồ trên phạm vi toàn cầu.
 

Giá dầu Brent giảm xuống 80 USD/thùng sẽ khiến các nước OPEC mất 200 tỷ USD trong số doanh thu 1 nghìn tỷ USD.
Giá dầu Brent giảm xuống 80 USD/thùng sẽ khiến các nước OPEC mất 200 tỷ USD trong số doanh thu 1 nghìn tỷ USD.

Giá dầu thô đã giảm 25 USD, hoặc hơn 20%, kể từ giữa tháng 6, làm dấy lên nhiều câu hỏi. Giá dầu còn xuống thấp đến mức nào? Nếu giá dầu hồi phục, sẽ ổn định ở mức nào? Liệu Arab Saudi và OPEC có giảm sản lượng trong phiên họp vào tháng tới? Ở mức giá nào hoạt động sản xuất dầu từ đá phiến sét của Mỹ có thể bị ảnh hưởng và mức độ nghiêm trọng ra sao?

Một điều chắc chắn là thậm chí với mức giá thấp như hiện nay đã có kẻ thắng và người thua. Người thua là nhà sản xuất, các quốc gia và chính phủ. Nếu giá dầu Brent giảm xuống 80 USD/thùng, các nước OPEC sẽ mất 200 tỷ USD trong số doanh thu 1 nghìn tỷ USD, không chỉ ảnh hưởng đến khả năng kiếm đủ tiền để trang trải cho ngân sách ngày càng rộng ra thời hậu Mùa xuân Arab, mà còn ảnh hưởng đến khả năng trả lãi các khoản nợ. Và đối với Mỹ, nếu giá dầu giảm hơn nữa, chi phí vốn để mở rộng sản xuất sẽ phải cắt giảm, làm chậm lại cuộc cách mạng đá phiến sét của Mỹ.

Mặt khác, nền kinh tế thế giới nói chung sẽ có được một khoản tiền tương đương chương trình nói lỏng định lượng khổng lồ, giúp đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế. Giá dầu giảm sẽ mang lại một khoản “trời cho” 1,8 tỷ USD mỗi ngày, khoảng 660 tỷ USD mỗi năm. Nếu xét đến giá xăng tại Mỹ, nơi mỗi hộ gia đình chi 2.900 USD cho xăng dầu trong năm 2013, thì khoản trời cho này sẽ mang lại số tiền hoàn thuế là 600 USD/hộ gia đình.

Giá dầu giảm vì một số lý do: quan điểm của thị trường, những yếu tố cơ bản của thị trường, và bối cảnh địa chính trị. Dầu Brent có giá trung bình 110 USD/thùng kể từ khi nguồn cung 1 triệu thùng từ Libya bị gián đoạn. Tuy sản lượng dầu của Arab Saudi năm 2011 tăng mạnh, song giá dầu ở mức 110 USD vẫn cao hơn 25 USD so với mức giá giao dịch trước khi nguồn cung từ Libya bị gián đoạn. Lý do chính giải thích tại sao Arab Saudi không thể giảm giá dầu là nguồn cung gián đoạn là dầu ngọt nhẹ và các nhà máy lọc dầu cần dầu ngọt nhẹ không thể thay thế bằng loại dầu nặng hơn với hàm lượng lưu huỳnh cao hơn.

Trong khi đó, 2 xu hướng khác nhau xuất hiện kể từ năm 2011. Xu hướng đầu tiên là sự nảy sinh vấn đề quản lý nội địa tại các nước xuất khẩu dầu. Trước tháng 2/2011, chỉ có khoảng 400.000 thùng/ngày thiếu hụt trên thị trường do nguồn cung gián đoạn. Kể từ đó, nguồn cung gián đoạn tăng lên 3,5 triệu thùng/ngày vào nhiều thời điểm, có tính đến cả nguồn cung dầu từ Iran gián đoạn do bị trừng phạt và dầu từ Nigeria, Sudan, Syria và Yemen gián đoạn do biến động địa chính trị.

Xu hướng thứ 2 là sự tăng trưởng mạnh mẽ của sản lượng dầu Mỹ. Chi phí sản xuất mỗi năm một giảm và chi phí điểm hòa vốn đang ngày càng giảm, xuống dưới 75 USD/thùng.

Arab Saudi đã hạ giá bán dầu cho khách hàng ở châu Á, và tiếp bước là Iran, Iraq và các nước khác ở Trung Đông.
Arab Saudi đã hạ giá bán dầu cho khách hàng ở châu Á, và tiếp bước là Iran, Iraq và các nước khác ở Trung Đông.

Một trong những tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với OPEC nảy sinh từ sự bất đồng về lợi ích của các nước sản xuất dầu chua, vừa và nặng của vùng Vịnh và nhà sản xuất dầu nhẹ ở Tây và Bắc Phi. Nguồn cung dầu ngọt nhẹ của Mỹ tăng, gây ra tình trạng dư cung dầu ngọt nhẹ trên phạm vi toàn cầu. Cho dù Arab Saudi hoặc các nước OPEC khác giảm sản lượng dầu xuống mức nào đi nữa, thì việc đó sẽ không điều chỉnh được tình trạng dư cung dầu ngọt nhẹ trên thị trường.

Nhưng các yếu tố cơ bản khác cũng đang có tác động. Nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại và nhu cầu dầu thô đang tăng với tốc độ rất chậm, chưa đến 1 triệu thùng/ngày. Dự đoán dư cung dầu trong năm 2015 lên đến 1 triệu thùng/ngày và việc này đang gây áp lực nặng nề hơn lên giá trừ khi OPEC giảm sản lượng. Rủi ro chính trị cũng dường như rất đáng lo ngại, ít nhất là trong ngắn hạn. Thỏa thuận hạn nhân của Iran có nghĩa là lượng dầu cung cấp ra thị trường sẽ tăng lên và sản lượng dầu của Libya cũng sẽ tiếp tục tăng.

Cuối cùng, giá dầu giảm đã dẫn đến một loạt chủ nghĩa âm mưu (conspiracy theory), dựa vào việc Arab Saudi hạ giá bán dầu cho khách hàng ở châu Á – và theo đó là Iran, Iraq và các nước sản xuất khác ở Trung Đông. Các phát biểu của các nhà lãnh đạo Arab Saudi đều cho thấy họ nghĩ rằng tăng trưởng sản lượng của Mỹ sẽ bị cản trở khi giá dầu xuống dưới 90 USD/thùng và rõ ràng với giá dầu Brent ở 90 USD/thùng, giá dầu WTI của Mỹ năm 2014 có thể xuống dưới 75 USD/thùng. Và giá dầu ở mức thấp sẽ khiến Iran và Nga phải gánh chịu tác động nặng nề.

Liệu những lời đồn đại này có hợp lý? Chỉ thời gian, và có lẽ cả phiên họp OPEC vào tháng 11, sẽ trả lời.

Trái chiều

Giá dầu giảm mạnh sẽ có lợi cho các nước tiêu thụ dầu vào thời điểm lo ngại tăng trưởng kinh tế chậm lại trong khi đây lại là vấn đề đau đầu của các nước sản xuất. Nhưng ảnh hưởng của giá dầu giảm đối với các nước rất khác nhau, chịu tác động lớn của chính sách ngoại hối.

Đồng ruble Nga trượt giá giúp Kremlin giảm tác động của giá dầu thấp và sẽ cho phép chính phủ Nga duy trì mức chi nội địa. Tuy nhiên, Moscow sẽ phải cắt giảm nhập khẩu.

Tình hình tương tự với Iran và Venezuela mặc dù tác động ngoại hối khó đánh giá hơn vì đồng tiền 2 nước này không được giao dịch tự do.

Trong bối cảnh giá dầu thấp nhất 4 năm, mỗi ngày thế giới tiết kiệm được khoảng 1,8 tỷ USD, tương đương 1,1 nghìn tỷ USD mỗi năm.
Trong bối cảnh giá dầu thấp nhất 4 năm, mỗi ngày thế giới tiết kiệm được khoảng 1,8 tỷ USD, tương đương 1,1 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong báo cáo tuần này cho biết “Đối với những nước mà đồng nội tệ không gắn với USD, giá dầu giảm trong thời gian gần đây phần nào được bù đắp bằng sự biến động của tỷ giá hối đoái: do vậy, doanh thu xuất khẩu danh nghĩa của Nga bằng đồng ruble tăng lên thậm chí khi doanh thu bằng USD giảm”.

Trái lại, các nước OPEC vùng Vịnh như Arab Saudi hoặc UAE, với đồng nội tệ gắn với USD, đang nhận thấy doanh thu từ dầu mỏ bằng đồng nội tệ giảm mạnh.

USD có thể ảnh hưởng đến chính sách dầu ở OPEC. Trước kia, các nước OPEC, kể cả Arab Sauid, thường cho rằng USD giảm giá là lý do chính giải thích cho việc giá dầu tăng vì doanh thu từ dầu được định giá bằng USD.

Theo ước tính của Deuutsche Bank, giá dầu giao ngay hiện thấp hơn mức cần thiết để cân bằng ngân sách tại Bahrain (136 USD/thùng), Nigeria (126 USD/thùng), Oman (101 USD/thùng), Nga (100 USD/thùng), Arab Saudi (99 USD/thùng) và Venezuela (162 USD/thùng).

Deutsche Bank cho biết “Trong nhóm này, Arab Saudi có tài sản dự trữ đáng kể cho phép nước này chống chọi với giá dầu ở mức thấp trong một thời gian đáng kể mà không cần vay mượn hoặc chính sách thắt chặt. Nga cũng có hoàn cảnh tương tự”.

Nhưng nguồn tiết kiệm từ dầu vốn có giới hạn của Nigeria sẽ kiệt quệ trong vòng 1 năm với mức giá hiện tại nếu không có điều chỉnh. Venezuela không có vùng đệm để hấp thụ cú sốc này.

Thế giới tiết kiệm được 1,1 nghìn tỷ USD

Tạm gác lại chuyện kẻ được người mất khi giá dầu giảm nhưng điều rõ ràng là, theo ước tính của Citigroup và trong bối cảnh giá dầu thấp nhất 4 năm, mỗi ngày thế giới tiết kiệm được khoảng 1,8 tỷ USD. Như vậy, mỗi năm thế giới sẽ tiết kiệm được 1,1 nghìn tỷ USD khi giá cả các hàng hóa khác cũng giảm theo.

Riêng châu Âu có thể tiết kiệm được 80 tỷ USD tiền nhập khẩu năng lượng. Năm 2013, EU phải chi khoảng 500 tỷ USD để nhập khẩu dầu, khí đốt và than nhiệt, trong đó, 3/4 là để mua dầu, theo số liệu nghiên cứu của Reuters.

Năm nay số tiền phải chi này này có thể sẽ giảm gần 25 tỷ USD xuống 485 tỷ USD nhờ giá dầu giảm. Nếu giá dầu tiếp tục giảm xuống dưới 90 USD/thùng vào năm 2015, EU có thể sẽ chỉ phải chi 425 tỷ USD để mua dầu, thấp hơn 80 tỷ USD so với số tiền EU phải bỏ ra hồi năm 2014.

Nguồn Theo DVO/Gafin/Tổng hợp


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới