Hủy

Giá thực phẩm thế giới lên mức cao nhất trong 2 năm

Thứ Sáu | 07/07/2017 14:41

Dữ liệu của FAO cho thấy giá thực phẩm toàn cầu đã tăng 7% so với năm ngoái, và cao hơn 17% so với đầu năm 2016.
 

Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO),  vào tháng 6 vừa qua giá thực phẩm thế giới đã chạm ngưỡng cao nhất trong vòng 2 năm, chủ yếu do tăng giá lúa mì, thịt và các sản phẩm bơ sữa.

Từ đầu năm 2017 tới nay, giá thịt đã liên tục tăng hàng tháng, nhanh hơn bất kỳ loại thực phẩm nào khác. Các nhà phân tích cho rằng nhu cầu thịt toàn cầu đang tăng lên giúp giữ giá liên tục ở mức cao. Thịt bò là một trong những loại thịt tăng giá mạnh nhất ở Châu Á, và tháng trước Mỹ đã bắt đầu xuất thịt bò sang Trung Quốc lần đầu tiên trong 13 năm qua.

Theo chỉ số giá thực phẩm hàng tháng (FPI) của FAO, giá thực phẩm toàn cầu trong tháng 6/2017 đã tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 17% so với mức đáy đầu năm 2016. FPI là một chỉ số theo dõi giá các loại thịt, sữa, đường, ngũ cốc và dầu thực vật ở hơn 80 quốc gia.

Chỉ số giá thịt (MPI) của FAO tăng khoảng 10% so với một năm trước, và tăng gần 2% trong tháng 6/2017, đánh dấu 7 tháng liên tiếp tăng điểm. Từ đầu năm tới nay, MPI tăng khoảng 12%, và cao hơn gần 21% so với mức đáy đầu năm 2016.

Gia thuc pham the gioi len muc cao nhat trong 2 nam
Chỉ số FPI của FAO. Ảnh: CNBC

Nhu cầu thịt bò ở Trung Quốc đã tăng lên do thu nhập người dân gia tăng và khẩu vị thay đổi. Tại thị trường Mỹ, việc người dân ăn nhiều thịt nướng vào mùa hè cũng đã giúp thúc đẩy nhu cầu và đẩy giá thịt tăng cao.

Bill Lapp, chủ tịch của Advance Economic Solutions ở Omaha, cho biết: "Chúng tôi thấy một số loại thịt đang tăng giá theo thời vụ. Nguồn cung vẫn còn khá dồi dào, đủ để đáp ứng nhu cầu và có thể sẽ dẫn đến giảm giá". Lapp cũng cho biết giá thịt bò vụn (beef trimmings), vốn hay được dùng để làm hamburger, đã biến động trong những tháng gần đây.

Giá thịt gà bán sỉ của Mỹ vào tháng 6 đã tăng lên. Ngoài ra, các nhà sản xuất gia cầm lớn ở một số thị trường quốc tế, bao gồm Ấn Độ, cũng đã tăng giá trong tháng.

Tương tự, giá thịt heo tăng mạnh, trong đó giá thịt heo nạc của Mỹ vào cuối tháng 6 chạm mức cao nhất trong 2,5 năm. Một số chuyên gia đang kì vọng thị trường thịt heo sẽ sớm chạm đỉnh.

Giá sữa toàn cầu cũng đang trên đà tăng, khiến cho chỉ số giá sữa của FAO tăng vọt 8% trong tháng 6. Chỉ số này  đã tăng hơn 50% so với một năm trước, và sự phục hồi của giá bơ giúp chỉ số này được duy trì ở mức cao.

FAO cho biết: "Giá của tất cả các sản phẩm sữa tăng lên khiến cho chỉ số chung tăng theo, nhưng giá bơ tăng lên nhiều nhất.” Giá bơ đã tăng 14,1% kể từ tháng 5 lên mức cao nhất mọi thời đại.

FAO bổ sung: "Việc hạn chế xuất khẩu các sản phẩm sữa ở tất cả các nước sản xuất chính đã khiến giá bơ, phô mai và sữa bột không béo tăng lên đáng kể, góp phần làm tăng giá bột sữa nguyên chất.”

“Giá bơ ở Mỹ hiện rất cao, trong khi giá phô mai ổn định hơn", Lapp, vốn là cựu chuyên gia kinh tế của ConAgra, cho biết. New Zealand cho biết giá bơ của nước này tăng mạnh trong tháng 6 nhưng không cao như chỉ số quốc tế của FAO, trong khi giá sữa bột nguyên chất ít biến động.

Trong khi đó, chỉ số giá ngũ cốc (CPI) của FAO tăng 4% so với tháng 5, và tăng khoảng 8% từ đầu năm tới nay, đạt mức cao nhất trong 1 năm qua. Giá lúa mì tăng lên bù đắp cho sự sụt giảm của giá ngô (do được mùa ở Nam Mỹ).

James Cordier, chủ tịch hội đồng quản trị và trưởng bộ phận giao dịch tại Optionsellers.com ở Florida, nói: "Thị trường vẫn thiếu hụt một số loại lúa mì. Nhưng ngô, đậu nành và lúa mì có rất nhiều nguồn cung cấp và chỉ có tình trạng mất mùa nghiêm trọng mới làm giá các mặt hàng này tăng lên."

Giá lúa mì toàn cầu tăng trong tháng 6 do lo ngại về sụt giảm sản lượng từ một đợt hạn hán ngày càng tồi tệ ở một số khu vực tại Mỹ và Canada. Những khu vực này trồng loại lúa mì mùa xuân (spring wheat) có hàm lượng protein cao.

Giá hợp đồng tương lai của các loại lúa mỳ mùa đông mềm màu đỏ (soft red winter wheat) được giao dịch ở Minneapolis đã tăng 30% trong tháng trước, lên mức cao nhất trong 3 năm. Giá hợp đồng tương lai của lúa mì mùa đông ở Chicago cũng tăng khoảng 16%. Cả hai loại hợp đồng này đã được bán ra nhiều vào hôm thứ Năm khi các nhà đầu tư chốt lời, và bỏ qua báo cáo mới cho thấy tình trạng "hạn hán khắc nghiệt" đang lan rộng.

Giá lúa mì tương lai giao tháng 12 tại Chicago hiện giao dịch ở mức 5,612 USD/bushel hôm thứ 5, giảm 18,2 xu. Cordier tin rằng lúa mì mùa đông sẽ có xu hướng đi xuống, dự đoán rằng giá lúa mì tại Chicago sẽ giảm xuống còn 5,4-5,5 USD/bushel trong ngắn hạn.

Trên sàn giao dịch ngũ cốc Minneapolis (MGE), giá hợp đồng lúa mì cứng mùa xuân (hard red spring wheat) giao tháng 9 đã giảm 6,2%.

Cordier nói: "Lúa mì đã và đang là trung tâm của sự chú ý. Nhưng trong 30 ngày tới mọi người sẽ tập trung vào ngô và đậu nành, họ sẽ không chú ý quá sát sao đến giá  lúa mì ".

Quỳnh Như

Nguồn CNBC


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới