Hủy

GP.Bank sẽ như thế nào sau khi NHNN mua lại ?

Thứ Tư | 08/07/2015 17:54

Việc sáp nhập VietinBank và GP.Bank sẽ mang lại nhiều cơ hội cho VietinBank, nhưng cũng có không ít rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt về phương diện nợ xấu.
 

Trước tình hình hoạt động kinh doanh không mấy hiệu quả cũng như không tăng được vốn điều lệ sau cuộc họp ĐHCĐ của GP.Bank, NHNN đã phải vào cuộc và mua lại ngân hàng này với giá 0 đồng.

Theo đó, NHNN mua toàn bộ (100%) cổ phần và chuyển đổi Ngân hàng TMCP Dầu Khí Toàn Cầu thành Ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dầu khí Toàn Cầu do Nhà nước làm chủ sở hữu với vốn điều lệ 3018 tỷ đồng. Đồng thời, NHNN chỉ định Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) tham gia quản trị, điều hành Ngân hàng Dầu Khí Toàn Cầu.

Biến động nhân sự

Trước khi mua lại GP Bank, ngày 1/6/2015 NHNN đã có quyết định bổ nhiệm bà Trần Thị Lệ Nga là người đại diện (bao gồm người đại diện theo pháp luật) của GP.Bank, đình chỉ quyền và nghĩa vụ của ông Tạ Bá Long đối với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và chức danh thành viên Hội đồng quản trị.

Sau khi ra thông báo mua GPbank ngày 7/7 NHNN đã chỉ định ông Phạm Huy Thông Phó TGĐ VietinBank làm Tổng giám đốc GP.Bank.

Khó khăn của PG Bank

Trong thời gian qua, hoạt động của GP Bank đã bộc lộ nhiều yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro với kết quả kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu do quản trị, điều hành ngân hàng kém hiệu quả.

Theo báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán 2014 được công bố tại Đại hội cổ đông, tính đến ngày 02/04/2015, tổng số lỗ lũy kế của GP.Bank lên đến 12,280 tỷ đồng dẫn tới vốn chủ sở hữu bị âm 9,195 tỷ đồng (vốn điều lệ của GP.Bank là 3,018 tỷ đồng)

Tỷ lệ nợ xấu của GP.Bank đạt tới con số cao kỷ lục 45.37%. Đồng thời, dư nợ cho vay khách hàng giảm mạnh, chỉ còn 6,669 tỷ đồng.

VietinBank sau sáp nhập

Việc sáp nhập VietinBank-GP.Bank cũng sẽ mang lại một số điểm mới cho ViettinBank để mở rộng quy mô vốn và nâng cao năng lực tài chính với tổng tài sản tăng thêm trên 25.000 tỷ đồng; vốn điều lệ tăng thêm 3.000 tỷ đồng, tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu hệ thống; số dư tín dụng tăng khoảng 15.000 tỷ đồng, huy động tăng thêm trên 18.000 tỷ đồng. 

Tuy nhiên sau khi sáp nhập cũng sẽ khiến nợ xấu của hai ngân hàng này tăng cao. Trong báo cáo tài chính quý 1/2015, số nợ xấu tại VietinBank lại tăng 63,69% và chiếm 3,16% tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh từ 2.084,91 tỷ đồng cuối năm 2014 lên 5.546,83 tỷ đồng tại ngày 31/3/2015. Điều này khiến cho mức trích lập dự phòng rủi ro tăng gần gấp rưỡi lên 1.510 tỷ đồng. Vì vậy lợi nhuận trước thuế chỉ tăng 7,3% đạt 1.564 tỷ đồng, bằng 21% kế hoạch đề ra cho cả năm, còn lãi sau thuế là 1.248 tỷ đồng.

Năm 2015 đánh dấu mùa M&A sôi động trong ngành ngân hàng để xử lý các ngân hàng nhỏ hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Đây là bước đi tiền đề cho việc nâng cao chất lượng hệ thống ngân hàng, phòng tránh hiện tượng domino một khi các ngân hàng nhỏ đổ vỡ do không đủ khả năng tài chính.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra hiện nay là sau khi sáp nhập các ngân hàng sẽ giải quyết các vấn đề vướng mắc của ngân hàng nhỏ ra sao để dòng vốn lưu thông một cách hiệu quả, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh cho các ngân hàng khi Việt Nam hội nhập sâu hơn với hệ thống tài chính toàn cấu.

Đinh Hạnh


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới