Hủy

Hạ tầng hàng không quá tải, vì sao cho lập thêm hãng bay mới?

Trang Lê Thứ Năm | 12/12/2019 10:35

Nguồn ảnh: Baomoi

Trong hơn 10 năm qua, sản lượng vận chuyển hành khách tăng gấp 5 lần, tạo ra áp lực về hạ tầng. Nhưng nhiều hãng bay mới được cấp phép hoạt động.
 

Trong giai đoạn 2008 - 2019, thị trường hàng không Việt Nam tăng trưởng bình quân 17,1% về hành khách và 13,8% về hàng hóa mỗi năm. So với năm 2008, sản lượng vận chuyển năm 2019 tăng 4,86 lần về hành khách và 3,66 lần về hàng hóa. 

Thị trường hàng không đang đối mặt với áp lực rất lớn về hạ tầng. Tại một hội thảo về lĩnh vực này mới diễn ra tại Hà Nội, ông Đinh Việt Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet Air đặt ra câu hỏi, vì sao vẫn cho thành lập hãng hàng không mới, trong khi vấn đề về hạ tầng chưa giải quyết?

Ông Phương cho biết, thị phần dành cho các hãng bay tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay đang là 44 chuyến/ngày.

"Chúng tôi nhận được yêu cầu rất lớn của các địa phương là phải tăng tải. Nhưng hiện giờ thị phần bé thế làm thế nào chia?”

Tuy nhiên, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, việc ra đời các hãng hàng không mới là xu thế tất yếu do tiềm năng của thị trường còn rất lớn.

Ảnh: TTXVN
Ảnh: TTXVN

Theo thống kê, hiện có 3 doanh nghiệp đang đề xuất thành lập hãng hàng không gồm Vinpearl Air, Kite Air và Vietravel Airlines. 

"Về kết cấu hạ tầng, chúng ta mới nói có mỗi sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng nhìn vào đề án của các hãng kia, Tân Sơn Nhất không phải điểm quyết định của họ. Chúng ta thấy, các sân bay khác của chúng ta năng lực vẫn đảm bảo được và vẫn tiếp tục phát triển", ông Thắng khẳng định.

“Về giải pháp cho Tân Sơn Nhất, thời gian qua, Cục Hàng không đã áp dụng rất nhiều giải pháp. Thời điểm 3 - 4 năm trước, năng lực của sân bay này chỉ khoảng 36 chuyến/giờ, hiện đã tăng lên 44 chuyến. Năng lực điều hành bay trên trời đang đảm bảo 54 chuyến. Vừa rồi, còn tính đến chuyện tăng năng lực Tân Sơn Nhất lên 46 chuyến.

Dưới đất, phối hợp giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ, sử dụng linh hoạt sân đỗ, áp dụng công nghệ mới.

Trong tháng 12 này, Tân Sơn Nhất và Nội Bài sẽ ra đời 2 trung tâm điều hành sân bay để tạo lập một quy trình nâng cao năng lực, sử dụng hiệu quả nguồn lực. Bản thân các hãng hàng không cũng phải cải tiến để giảm thời gian quay đầu của máy bay, tăng tần suất”, ông Đinh Việt Thắng cho hay.

 

Theo đánh giá của ông Thắng, dù có tăng trưởng nhanh, ngành hàng không vẫn nằm trong sự kiểm soát của nhà nước. Đồng thời, sự phát triển này mang đến nhiều lợi ích cho hành khách về cơ hội đi lại, giá vé, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đại diện Vietnam Airlines và Vietjet Air cũng cho rằng, thị trường hàng không tăng trưởng ở mức xấp xỉ 20%/năm như hiện nay được đánh giá thuộc dạng cao trên thế giới. Việc này còn đặt ra cho các hãng hàng không nhiều áp lực về điều hành quay vòng để sử dụng tối ưu số lượng tàu bay và đội ngũ phi công, tiếp viên phục vụ. 

Ông Lại Xuân Thanh, chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đưa ra quan điểm: "Chúng ta không sợ tăng trưởng nóng, càng nóng càng tốt nhưng làm sao phải kiểm soát được các vấn đề về an ninh an toàn".

Tuy nhiên, ông Thanh cũng bày tỏ những áp lực hiện nay đến từ sự quá tải hạ tầng hàng không, trong đó đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất. Sự ách tắc cả trên không và dưới mặt đất khiến đơn vị quản lý không thể cấp thêm slot cho các hãng bay. Kéo theo đó, tăng trưởng của Tân Sơn Nhất chỉ có thể kìm lại ở mức khoảng 5%.

Trong hơn 10 năm qua, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyện một lượng hành khách tăng 5,2 lần và lượng hàng hóa tăng 3,2 lần. Riêng số lượng máy bay cũng đã tăng 3.5 lần so với năm 2008. Mạng đường bay, bay nội địa và bay quốc tế cũng đã tăng 2,4 lần.

Số liệu trên cho thấy tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng của ngành hàng không Việt trong thời gian qua. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này cũng tạo ra không ít áp lực cho thị trường hàng không trong nước.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho rằng thực trạng tăng trưởng cao của ngành hàng không thời gian qua đã và đang tạo ra khó khăn, đặc biệt gây áp lực về hạ tầng.

"Do áp lực hạ tầng trong điều kiện tăng trưởng tốc độ cao, cứ mỗi chuyến bay giữa Hà Nội - TP HCM lại dài thêm 5 phút, nguy cơ chậm chuyến sẽ ngày càng lớn, ảnh hưởng đến chất lượng và tính kinh tế", ông đánh giá.

Nguồn Tổng hợp/VTV


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới