Hủy

Hàn Quốc “dễ chịu” với thủy sản Việt

Việt Dũng Thứ Tư | 20/09/2017 07:30

nhatrangseafoods.com.vn

8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu mặt hàng thủy hải sản Việt Nam sang Hàn Quốc đạt hơn 475 triệu USD, tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
 

Trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu thủy hải sản truyền thống ngày càng khó tính, thị trường Hàn Quốc dường như cởi mở hơn với các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Thị trường hàn quốc dễ tính hơn

Tình hình xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc ngày càng thuận lợi hơn cho Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods - F17. Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu xuất khẩu sang thị trường này đạt 20 triệu USD, trong tổng số 95 triệu USD xuất đi các thị trường khác. F17 có khoảng 2.000 công nhân, doanh thu thuần năm 2016 đạt 1.107 tỉ đồng, tăng 37,9% so với năm 2015. Thị trường Hàn Quốc nhìn có vẻ mới, nhưng thực tế xem là thị trường truyền thống của F17 trong suốt nhiều năm qua.

Không như F17, đích đến của thủy hải sản của Việt Nam từ trước đến nay được nhắc đến nhiều nhất là ở Mỹ, châu Âu và Nhật, Trung Quốc, nhưng lại thiếu vắng Hàn Quốc, dù thị trường này có giá trị xuất khẩu thứ 4 với Việt Nam. Ngược lại, số liệu thống kê từ Hàn Quốc cũng cho thấy rằng Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia chính cung cấp mặt hàng thủy sản cho quốc gia trong suốt 10 năm qua. Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2016, Việt Nam xuất khẩu 617 triệu USD tăng 5,5% so với cùng kỳ. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là tôm, thịt tôm, bạch tuộc nhỏ, mực Juichi. Trong đó, mặt hàng hàng đông lạnh chiếm 69,6%, còn hàng chế biến chiếm 30,3%.

Theo số liệu chung từ Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu mặt hàng thủy hải sản Việt Nam sang Hàn Quốc đạt hơn 475 triệu USD, tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Người tiêu dùng Hàn Quốc và người Việt ngày càng có nhiều mặt hàng thương mại được miễn thuế, nhờ Hiệp định FTA giữa 2 nước có hiệu lực từ cuối năm 2015, trong đó các mặt hàng thủy sản nhận được nhiều ưu ái hơn. Theo nhóm nghiên cứu của Đại học Nha Trang (tiền thân là Đại học Thủy sản), hai đầu mối giám sát mặt hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam là Cục Quản lý chất lượng thủy sản Hàn Quốc (NFQS), Bộ Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) hiện đã thiết lập những quy định “dễ thở” hơn.

Han Quoc “de chiu” voi thuy san Viet

Hiện nay, biện pháp xử lý đối với lô hàng thủy sản xuất khẩu bị phát hiện không đảm bảo an toàn thực phẩm đã linh hoạt hơn, chỉ đình chỉ nhập khẩu sản phẩm bị phát hiện vi phạm, thay vì đình chỉ cả cơ sở sản xuất. Thời hạn áp dụng quy định mới về kiểm dịch thủy sản đến 1.4.2018. Cuối năm 2016, Hiệp định Vệ sinh ký kết để tăng cường hợp tác về vệ sinh an toàn thực phẩm của các sản phẩm biển được buôn bán giữa hai nước, thống nhất cam kết về thủy sản, sản phẩm hải sản trước đây về sản phẩm tươi sống.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc gần đây cũng có những động thái tìm hiểu thị trường thủy sản Việt Nam trong vai trò là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc và Mỹ. Hồi tháng 7, Hiệp hội Hợp tác xã ngư nghiệp Hàn Quốc (KFTA) khai trương Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu thủy sản tại TP.HCM, nhằm tìm kiếm thị trường mới cho xuất khẩu của quốc gia này. Năm 2016, Hàn Quốc xuất khẩu 97 triệu USD sang Việt Nam, tăng 9% so với năm trước đó. Trong đó, các sản phẩm mặt hàng chủ yếu là cá ngừ, trứng cá, mực lá kim, cá minh thái, cung cấp nguyên liệu, máy móc cho ngành thủy sản Việt Nam. Các sản phẩm này không “đụng” nhiều với các sản phẩm mà Việt Nam đang xuất sang Hàn Quốc.

Rào cản lợi nhuận thấp

Xét về đặc tính sản phẩm ở thị trường Hàn Quốc, theo ông Khổng Trung Thắng, Phó Hiệu trưởng Đại học Nha Trang, người tiêu dùng Hàn trước đây thiên về các sản phẩm liên quan đến thịt, nhưng xu hướng hiện nay là sử dụng nhiều loại thủy sản, hoặc nông sản.

Các sản phẩm này không sử dụng hóa chất, không sử dụng thực phẩm sử dụng công nghệ biến đổi gen. Đây cũng là một vấn đề đặc biệt đáng chú ý ở thị trường Hàn Quốc: an toàn ẩm thực, theo các chuyên gia tại Diễn đàn Thủy sản - Hàn Quốc được tổ chức vào đầu tháng 8 vừa qua. Gần đây, người Hàn phát hiện ra chất kháng sinh trong trứng, dẫn tới sự sụp đổ của ngành gia súc. Vì vậy, mặt hàng thủy hải sản phải xác định được tính an toàn, không chỉ ở khâu nuôi trồng như nước ở biển và sông không ô nhiễm và quá trình phân phối phải vệ sinh.

Đây cũng là một bài toán khó đối với Việt Nam mà các doanh nghiệp phải chú ý. Bởi phần lớn các loại thủy hải sản nuôi trồng hiện nay có quy mô nhỏ, chất lượng nuôi không đồng nhất và có dấu hỏi về ô nhiễm môi trường.

Theo ông Huỳnh Long Quân, Phó Tổng Giám đốc Nha Trang Seafoods, cạnh tranh ở thị trường Hàn Quốc chủ yếu là về giá chứ không phải là rào cản về chất lượng sản phẩm, hay kiểm tra mẫu từ các cơ quan quản lý của Hàn Quốc. “Với công nghệ chế biến tầm cỡ khu vực, chúng ta không thua bất kỳ doanh nghiệp thủy sản nào ở các nước lớn trên thế giới. Thị trường Hàn Quốc không khó khăn về rào cản chất lượng, họ quan hệ với Việt Nam rất tốt. Tuy nhiên, người Hàn Quốc và Việt Nam luôn tìm cách cho chi phí thấp nhất, Hàn Quốc mặc cả từng đồng, Việt Nam cũng thế”, ông Quân nói. Nhìn chung, theo ông Quân, bí quyết để làm việc với người Hàn là “lòng tin, kiên trì và sự hợp tác”.

Mỗi năm, Hàn Quốc nhập khoảng 33 tỉ USD các sản phẩm nông lâm thủy sản. Nhu cầu tiêu thụ hải sản của người Hàn Quốc ngày một tăng do sản lượng thủy sản nội địa giảm và xu hướng quan tâm tới thực đơn ăn uống lành mạnh, có lợi cho sức khỏe của người dân nước này. Mặc dù có nhu cầu tiêu thụ lớn nhưng tỉ suất lợi nhuận ở thị trường này thấp hơn lý giải vì sao hiện đa số các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam chuộng đưa hàng vào thị trường Mỹ, châu Âu hay Nhật hơn.

Xu hướng tăng trưởng xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu năm 2017 được dự báo sẽ tiếp tục có tác động tích cực đối với xuất khẩu các mặt hàng hải sản của Việt Nam hướng mục tiêu tổng xuất khẩu thủy sản cả năm 2017 ước đạt 8 tỉ USD. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Việt có chấp nhận mở rộng thị trường với một mức sinh lời thấp hơn như Hàn Quốc?

Thực tế, ngành thủy sản chưa hết khó khăn và các thị trường truyền thống hiện nay cũng đang suy giảm mạnh về tỉ suất sinh lợi. Ngay cả với F17, theo báo cáo thường niên 2016, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 18,8 tỉ đồng, giảm 12,58% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn đối với Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn trong 6 tháng đầu năm doanh thu tăng 13% nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 40% do chi phí nguyên liệu tăng lên. Hai doanh nghiệp lớn trong ngành là Hùng Vương, Minh Phú vẫn loay hoay với chi phí lãi vay và những biến động lớn trên thị trường quốc tế.

Việt Dũng


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới