Hủy

Hàng rong: Đuổi và quản thế nào cho hợp tình hợp lý?

Mai Hân Thứ Ba | 18/04/2017 08:00

Chiến dịch giành lại vỉa hè tại TP.HCM, Hà Nội là cuộc giằng co giữa quyết sách lập lại trật tự đô thị và cuộc sống mưu sinh của nhiều hộ dân.
 

Chiến dịch dọn sạch vỉa hè tại một số thành phố lớn càng mở rộng thì càng thu hẹp sự tồn tại của những gánh hàng rong. Trong khi đó, hàng rong vốn đã tồn tại như một nền kinh tế phi chính thức từ nhiều thập niên qua tại Việt Nam.

Mưu sinh trên vỉa hè

Khách đông không kịp nướng bắp, chị Vân phải làm bảng thông báo và đặt luôn tên cho quán vỉa hè của mình là “Chờ”. Thế nhưng, mấy tháng nay, xe bắp nướng khá có tiếng của chị Vân phải dời vào hẻm nhỏ khi chiến dịch dọn vỉa hè được thực hiện ngày càng mạnh tại TP.HCM. Từ miền Tây lên Thành phố bán bắp nướng đã hơn 10 năm, chị thu được 800.000 đồng đến 1 triệu đồng mỗi ngày. Và đây là nguồn thu nhập chính của cả gia đình chị Vân.

Một đề tài nghiên cứu tại quận 1 và quận 3 đã chỉ ra đang có 72 loại hoạt động mưu sinh gắn với vỉa hè, như sửa xe đạp, vá xe, xe ôm, giác hơi... Riêng loại hình bán hàng rong tại TP.HCM hiện nay rất đa dạng, quy mô nhỏ thì có gánh thúng theo chân người bán đi khắp nơi, lớn hơn một chút thì có xe đẩy bán cố định, có khu phố chuyên bán ẩm thực, hoặc chợ đêm chuyên bán sản phẩm quà lưu niệm cho khách du lịch... Cùng một đoạn vỉa hè, buổi sáng có thể là một gánh xôi, quầy cà phê, đến trưa là một quán cơm lưu động, chiều về là nơi mọi người ngồi nghỉ, ngắm phố phường hoặc mua bán. Tất cả những câu chuyện này diễn ra trên một đoạn vỉa hè.

“Thật kỳ diệu khi ta nhận ra rằng bao nhiêu phần của cuộc sống có thể được nuôi dưỡng trong không gian công cộng khiêm nhường này”, Phó Giáo sư Annette Kim, nghiên cứu đô thị học và quy hoạch của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ), đã viết như vậy sau 15 năm nghiên cứu đô thị TP.HCM.

Các thống kê chính thức cũng cho thấy, khu vực kinh tế phi chính thức, trong đó có những gánh hàng rong, vẫn chiếm tỉ lệ tương đối cao trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam với hàng triệu hộ kinh doanh, đóng góp không nhỏ trong GDP. Tuy nhiên, nếu sử dụng lòng đường, lề đường như một loại kinh tế để phục vụ cho bộ phận dân cư nào đó thì không giải quyết được bài toán văn minh đô thị.

Vì vậy, cùng với chiến dịch giành lại vỉa hè, TP.HCM cũng hướng đến giải pháp quy hoạch và quản lý vỉa hè và hàng rong cho phù hợp. Theo quyết sách này, nhiều chợ quy tụ gánh hàng rong đã ra đời và hoạt động tốt. Chẳng hạn, ông Lý Năm Hấp, tại Tân Bình đã quyết định bỏ 800m2 để làm chợ “bán hàng rong” cho bà con nghèo từ năm 2009. Hầu hết những người buôn bán trong chợ đều là những người từng bán hàng rong, kiếm sống trên vỉa hè. Vào chợ này, họ không phải đóng phí và cũng không sợ bị đuổi như trước đây. Hiện chợ có khoảng 20 hộ đang kinh doanh, chủ yếu là mặt hàng rau, cá thịt...

Hang rong: Duoi va quan the nao cho hop tinh hop ly?

Không chỉ có chợ của ông Năm Hấp, sau một năm quy hoạch, chợ đêm Phạm Văn Hai đã khá sầm uất và trở thành một khu chợ ẩm thực đêm của nhiều hộ bán hàng rong. Chị Minh Ánh, chủ quầy súp cua, cho biết: “Dù thu nhập chưa bằng như trước đây nhưng buôn bán ổn định và quy củ hơn nên rất yên tâm”.

Các hộ kinh doanh ăn uống ở quận 1 sẽ được buôn bán theo giờ và chia theo từng tuyến đường khác nhau. Chẳng hạn, đường Nguyễn Văn Chiêm có khoảng 20 hộ được phép kinh doanh, còn đường Chu Mạnh Trinh có khoảng 35 hộ kinh doanh... với số lượng cố định. Các sản phẩm cũng phải thường xuyên kiểm tra chất lượng thực phẩm.

Ngoài đề xuất kinh doanh vỉa hè, đề án Chợ phiên cuối tuần công viên Bạch Đằng và đề án phố đi bộ Bùi Viện cũng được đưa ra. Theo đề xuất, chợ phiên sẽ hoạt động 2 tiếng từ 20-22h mỗi thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần và dịp lễ, Tết. Mỗi tháng sẽ hoạt động với những chủ đề khác nhau. Chợ sẽ có bốn khu với 120 gian hàng kinh doanh ẩm thực, du lịch, văn hóa nghệ thuật… Mục đích của chợ phục vụ khách du lịch cũng như khách đi bộ ở khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ. Tại Hà Nội, hiện đang hỗ trợ người bán hàng rong tìm việc làm và miễn phí thuê ki-ốt trong khu chợ.

Nhiều quận đang đưa phương án chuyển các mô hình bán hàng rong lên Facebook. Fanpage có tên “Ẩm thực đường phố quận 1” dành cho những người bán hàng rong thuộc quận 1; các sản phẩm sẽ được chụp hình, báo giá và những thông tin cụ thể về sản phẩm. Sau đó, thông tin được đăng trên fanpage, kèm với số điện thoại, địa chỉ của người bán, thanh niên trong quận đoàn sẽ đứng ra giao hàng nếu người bán không có người giao.

Xây dựng “Vỉa hè bền vững”

Ở các thành phố trên thế giới, không gian vỉa hè cũng luôn được coi là một phần bộ mặt cảnh quan đô thị, là nơi thể hiện rõ trật tự đô thị và trình độ văn minh phát triển của một thành phố. Chiến dịch giành lại vỉa hè tại TP.HCM, Hà Nội là cuộc giằng co giữa quyết sách lập lại trật tự đô thị và phải đảm bảo cuộc sống mưu sinh của nhiều hộ dân nghèo. Chắc chắn, trước mắt, cuộc giằng co này khó có giải pháp làm hài lòng tất cả. Bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, cho biết bộ phận kinh doanh cá thể tính trên cả nước hiện có quy mô khoảng 4,6 - 4,8 triệu hộ, trong đó bao gồm cả hoạt động kinh doanh trên vỉa hè đóng góp khoảng13% GDP.

Chính vì vậy, cần phải có đánh giá toàn diện, đầy đủ về kinh tế vỉa hè, về khu vực kinh tế phi chính thức để có những chính sách thật phù hợp tạo ra không gian “vỉa hè bền vững”. Sau cùng, các hình thức xử phạt mạnh tay cũng chỉ nhắm tới mục tiêu thay đổi hành vi kinh doanh của mô hình kinh tế vỉa hè sao cho trật tự và văn minh hơn. Lãnh đạo của TP.HCM và Hà Nội cho rằng chính quyền không cấm người dân kinh doanh mà yêu cầu người dân tôn trọng và thực hiện đúng quy định của pháp luật về sử dụng vỉa hè.

Vẫn muốn giữ nét văn hóa truyền thống, nhiều quốc gia trên thế giới như Singapore, Bỉ đều bắt buộc người bán hàng phải có giấy phép kinh doanh do chính quyền địa phương cấp. Tại đảo quốc sư tử có 107 trung tâm ẩm thực và 1.500 gian hàng trên khắp cả nước. Ở Thái Lan, người kinh doanh vỉa hè không được hoạt động từ 17-19h và phải có giấy phép kinh doanh và được điều hành bởi Cục Quản lý Đô thị Bangkok.

Để được sử dụng vỉa hè và bán hàng rong tại các thành phố lớn như New York, London và Paris, người bán hàng phải trả lệ phí cho chính quyền và tuân thủ nhiều quy định. New York thu được khoảng 60 triệu USD mỗi năm từ việc thu lệ phí cho phép dựng biển hiệu, cột đèn trang trí, đồng hồ, ghế đá, thùng rác cố định và nhiều vật thể khác trên hơn 19km vỉa hè của thành phố. Ở Pháp, các quán cà phê vẫn được bày bán trên vỉa hè nhưng phải dành vỉa hè cho người đi bộ.

Rõ ràng, nếu chiến dịch giành lại vỉa hè  nếu được thực hiện phù hợp, chỉnh trang bộ mặt đô thị sẽ mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế. Lập lại trật tự vỉa hè vì thế không phải việc làm của một người, một quận và chỉ trong ngày một ngày hai.

Mai Hân


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới