Hủy

HĐND TP HCM ‘nóng’ chuyện trợ giá xe buýt và ngập nước

Thứ Tư | 11/12/2013 19:34

Các đại biểu bức xúc vì mỗi năm TP.HCM chi hàng nghìn tỷ để trợ giá cho xe buýt và đầu tư các dự án chống ngập nhưng hiệu quả chưa cao.
 

Ngày 11/12, ngày làm việc thứ ba kỳ họp thứ 12 HĐND khóa 8 "nóng" ngay từ đầu phiên họp khi lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải và Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố được yêu cầu trả lời chất vấn của các đại biểu.

“Trong 5 năm thành phố chi 3.500 tỷ đồng trợ giá xe buýt, riêng năm 2013 chi hơn 1.300 tỷ đồng. Liệu mức chi trên có quá lãng phí không? Và đến khi nào thì mới chấm dứt việc trợ giá?”, đại biểu Võ Văn Sen thắc mắc.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Hiếu Nghĩa bày tỏ lo ngại việc trợ giá tính theo hành khách nên đã xảy ra chuyện vé thật nhưng hàng khách ảo. “Trợ giá xe buýt để kêu gọi người dân cùng buýt thực hiện mục tiêu hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, kế hoạch trợ giá không phát huy được hiệu quả, trong thời gian tới nên có biện pháp căn cơ nào về vấn đề này song vẫn đảm bảo mục tiêu đề ra?”, ông Nghĩa đặt vấn đề.

sen-9269-1386756451.jpg

Đại biểu Võ Văn Sen chất vấn về việc trợ giá cho xe buýt và công trình chống ngập chưa hiệu quả. Ảnh: Hữu Công.

Trả lời thắc mắc của các đại biểu, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tất Thành Cang cho hay, so với năm 2002, đến nay số lượt khách đi xe buýt đã tăng 11 lần. Ông khẳng định, xét về hiệu quả, tầm lâu dài với yêu cầu phải phát triển giao thông công cộng mạnh, thành phố phải tập trung hỗ trợ xe buýt mà thời gian qua đã làm khá hiệu quả.

“Năm 2002 chỉ có 32 triệu lượt người đi xe buýt thì đến nay đã là gần 400 triệu lượt. Nếu những người này không đi xe buýt thì mỗi ngày có 500.000 xe máy lưu thông trên đường, góp phần gây ách tắc giao thông và số tiền thiệt hại do kẹt xe gây ra khoảng 200 tỷ đồng mỗi năm”, ông Cang nói và cũng thừa nhận dù vậy vẫn còn xảy ra tình trạng lãng phí do còn trùng tuyến hay cùng lúc, trên cùng một tuyến đường, có nhiều xe chạy qua…

Về mức trợ giá mỗi năm hơn một nghìn tỷ đồng, ông Cang cho rằng, con số này hoàn toàn không quá cao và chỉ đạt khoảng 43%. “Trợ giá ở chuẩn nào, khi nào kết thúc là hoàn toàn khó xác định khi người tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng chỉ đạt 11%. Thành phố đang lên kế hoạch phần đấu đến năm 2020 tỷ lệ người đi xe buýt đạt 20-25%. Và chỉ khi nào vận tải xe buýt đạt trên 40% thì mới có chính sách thay thế. Lộ trình đầu tư hệ thống hạ tầng công cộng còn dài nên 2015-2020 vẫn tiếp tục trợ giá xe buýt”, ông Cang cho biết.

Góp ý về vấn đề phát triển xe buýt, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, chính bà cũng muốn đi làm bằng xe buýt nhưng không được. “Thật sự không tiện chút nào vì các tuyến xe không đến được những nơi cần đến bởi không chỉ đi từ nhà đến cơ quan”, bà Tâm nói và đề nghị ngành giao thông thành phố phải tìm cách hoàn thiện hệ thông vận tải công cộng trên địa bàn thành phố hơn để thu hút người dân tham gia.

cong-1825-1386756451.jpg

Ông Nguyễn Ngọc Công, Phó giám đốc Trung tâm chương trình điều hành chống ngập nước TP HCM trả lời chất vấn của các đại biểu ngày 11/12. Ảnh: Hữu Công.

Về vấn đề chống ngập nước, đại biểu Võ Văn Sen cho rằng, chương trình chống ngập hiện nay không hiệu quả khi phát sinh nhiều điểm ngập mới. “Năm 2013 thành phố xóa và xử lý được 9 điểm ngập nhưng phát sinh 21 điểm. Tôi có cảm giác như thành phố chưa tìm được những giải pháp căn cơ để chống ngập”, ông Sen nêu quan điểm.

Còn đại biểu Trương Lâm Danh bày tỏ bức xúc về các dự án chống ngập nhưng lại gây ngập. “Nếu không xử lý thì rất khó khăn cho chương trình chống ngập. Bên cạnh đó tình trạng nâng nền đường để chống ngập thì lại gây ngập các hẻm phải giải quyết như thế nào?”, ông Danh chất vấn.

Thừa nhận có tình trạng này, ông Nguyễn Ngọc Công, Phó giám đốc Trung tâm chống ngập thành phố lý giải nguyên nhân do một số dự án đã chặn dòng chảy (dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi, kênh Tân Hóa – Lò Gốm...). Tuy nhiên, về tình trạng triều cường gây ngập nặng, ông Công cho là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. “Nếu năm 1960 mực nước trên sông Sài Gòn không bao giờ dâng cao hơn 1,5 m thì đến nay con số này là 1,68 m”, ông Công thông tin.

Về hướng chống ngập sắp tới, ông Công cho biết thành phố sẽ tiếp tục thực hiện chương trình kéo giảm ngập cho khu vực trung tâm, song triều cường và mưa lớn vẫn sẽ còn gây ngập. “Muốn giảm ngập bền vững cho toàn thành phố cần phải đầu tư cống kiểm soát triều tại 3 khu vực Tân Thuận, Bến Nghé, Phú Xuân. Giai đoạn 2015-2020 phải tiếp tục đầu tư hoàn thiện cống ở vùng ngoại biên thành phố”, lãnh đạo Trung tâm chống ngập cho biết.

Nguồn Vnexpress


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới