Hủy

"Hiểm họa cá rồng"

Thứ Hai | 19/12/2016 12:30

Việt Nam có nguy cơ trở thành vùng trũng hàng hóa trong ASEAN nếu không gia tăng sức cạnh tranh.
 

Trong lúc cơn lốc hàng hóa từ các nước Asean và Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam với tốc độ chóng mặt thì các doanh nghiệp Việt lại chưa có một giải pháp hữu hiệu để tấn công vào thị trường 1,9 tỉ dân này.

Hình ảnh của những con cá rồng được nhiều người dùng để minh họa cho tình thế trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) bởi đặc tính của loài cá này trong môi trường cạnh tranh. Mỗi con cá di chuyển hiền hòa trong từng khu vực riêng biệt nhưng khi bị ghép với một con cá rồng khác thì chúng sẽ trở nên hung dữ, tìm cách ăn thịt lẫn nhau hoặc đánh nhau đến chết.

Chung sống thì được nhưng cạnh tranh trực tiếp có thể sẽ dẫn đến sự hủy diệt. Đây là điều mà các nhà sản xuất ở Đông Nam Á ý thức được khi ACFTA bắt đầu có hiệu lực và cùng với nó là sự đổ bộ ồ ạt của các nhà sản xuất Trung Quốc vào khu vực này.

Vừa qua, Chính phủ đã công bố danh sách các mặt hàng sẽ được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt theo ACFTA. Như vậy, hàng ngàn mặt hàng từ các nước thành viên ACFTA, trong đó có Trung Quốc sẽ được hưởng thuế ưu đãi 0% khi vào Việt Nam nếu có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) được Bộ Công Thương quy định. Trong đó, nhiều mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam vốn trước đây được Trung Quốc đưa vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch thì nay sẽ vào bằng đường chính ngạch và thuế bằng 0%. Danh mục những mặt hàng này khá rộng như: con giống, mặt hàng nông nghiệp như hoa quả, các loại thịt trâu, bò, heo, cá các loại và nhiều loại thủy hải sản, cà phê, ngũ cốc...

Như vậy, nông sản của Việt Nam sẽ đứng trước cuộc cạnh tranh khốc liệt. Thậm chí, sản phẩm kém chất lượng Trung Quốc có thể sẽ tràn vào từng ngõ ngách Việt Nam với giá rẻ. Hàng Trung Quốc vốn khó ngăn chặn nay càng khó kiểm soát hơn. Theo lộ trình tự do hóa cuối cùng của ACFTA vào năm 2020, tỉ lệ tự do hóa của Việt Nam dành cho Trung Quốc và các nước ASEAN vào khoảng 86%, trong khi tỉ lệ này của Trung Quốc là khoảng 95%. Điều này đang tạo sức ép rất lớn cho thị trường Việt.

Trong khi đó, ở kênh siêu thị, các thương gia Trung Quốc có tính toán khác. Để chuẩn bị cho những lợi thế về thuế, Trung Quốc đã có những chiến lược cụ thể. Mới đây, Miniso ký xong hợp đồng nhượng quyền để thâm nhập vào thị trường Việt Nam và công bố mở 12 chi nhánh tại các thành phố lớn trong năm nay. Thương hiệu này vốn được biết đến nhiều ở Nhật nhưng ông chủ của Miniso là ông Ye Guofu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Aiyaya đến từ Trung Quốc.

Không lâu trước đây, công ty thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc Alibaba mua lại Lazada với giá 1 tỉ USD để thâm nhập nhanh hơn vào thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam cũng gây nhiều sự chú ý. Cũng bởi, nhiều khả năng Alibaba có thể thông qua kênh này để đưa hàng hóa Trung Quốc tràn ngập tại thị trường Việt Nam.  Theo số liệu Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất vào Việt Nam với kim ngạch 40,3 tỉ USD. Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 17,3 tỉ USD, tức nhập siêu lên tới 23 tỉ USD.

Cùng với sức ép của hàng hóa Trung Quốc là sức ép hàng hóa của các nước trong khu vực. Hiện Việt Nam vẫn đang nhập khẩu nhiều từ Thái Lan, Malaysia, Singapore... Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan lượng hàng hóa trị giá 6,27 tỉ USD, từ Malaysia 3,7 tỉ USD và từ Singapore 3,59 tỉ USD.

Riêng với thị trường Thái Lan, Việt Nam đã chi tới 289,6 triệu USD để nhập rau quả, hàng tiêu dùng, nhiều loại trong số đó hoàn toàn có thể sản xuất trong nước. Cũng theo số liệu Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm nay, tổng trị giá trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và các nước ASEAN giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 11,9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, đánh giá hàng Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN giảm 10% nhưng nhập siêu tăng lên chứng tỏ năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt còn kém. “Việt Nam có thể sẽ trở thành vùng trũng của hàng hóa ASEAN trong những năm tới”, ông khuyến cáo. Thực tế cho thấy điều này là có cơ sở. Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày TP.HCM, “hàng của các công ty Việt nhiều năm qua chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc, còn nay hàng Thái Lan là đối thủ mạnh nhất”. Hàng hóa Việt phải cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khối ASEAN ngày càng gay gắt.

Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này, hàng Việt có dấu hiệu hụt hơi. Bằng chứng là hàng dệt may nội địa từ đầu năm đến nay hết sức khó khăn, sức mua giảm đến 30%. Chưa hết, hàng Việt xuất khẩu sang Campuchia cũng giảm 30-40%, do nước này tăng cường nhập hàng từ Trung Quốc và Thái Lan.

Trong một chia sẻ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Cholimex Diệp Nam Hải cho rằng, cộng đồng ASEAN có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn với công nghệ mới, nguồn tài chính và nhân lực trong khu vực. Thị trường tiêu thụ hàng cũng rộng mở, thuế xuất khẩu giảm, giao thương dễ dàng vì không còn rào cản hành chính. Mặc dù sản phẩm của công ty này đã phân phối vào một số thị trường như Philippines, Singapore, Malaysia và Campuchia... nhưng bị cạnh tranh mạnh bởi sản phẩm của Thái Lan. Hàng Thái có giá thấp hơn vì minh bạch về chi phí vận chuyển, thủ tục hành chính... Trong khi đó, doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn trong vấn đề này.

Cơ hội mà ACFTA đem lại cho các nước ASEAN không nhỏ, với thị trường lên đến 1,9 tỉ người tiêu dùng và tổng GDP lên đến hơn 6.000 tỉ USD. Ngược lại, nguy cơ cạnh tranh từ hàng hóa của Trung Quốc ngày càng tạo sức ép cho các doanh nghiệp ASEAN. Theo tờ The Bangkok Post, nhà sản xuất đồ điện gia dụng khổng lồ của Trung Quốc là Haier có kế hoạch tận dụng lợi thế từ ACFTA để đầu tư thêm 9 triệu USD vào các cơ sở sản xuất tại Thái Lan sản xuất tủ lạnh, máy giặt và máy điều hòa nhiệt độ...

Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực ASEAN như Indonesia lo ngại rằng các ngành công nghiệp nội địa sẽ rơi vào tình trạng đình trệ do hàng giá rẻ của Trung Quốc. Bởi vì, thực tế hàng hóa của các nước ASEAN đang dựa vào chi phí thấp để cạnh tranh với hàng hóa “Made in China” trên thị trường thế giới. Nhiều nước đang tìm những sản phẩm và dịch vụ tạo sự khác biệt trong kinh doanh để giảm áp lực cạnh tranh. Chẳng hạn, họ sẽ cung cấp những sản phẩm, dịch vụ mà Trung Quốc khó bắt chước hoặc không thể làm được.

Dầu cọ của Malaysia là một ví dụ. Đây là mặt hàng Trung Quốc rất muốn có, nhưng không thể sản xuất được. Các sản phẩm điện tử bình dân lại là một ví dụ khác. Chuyên gia Peter Wong của Ngân hàng HSBC, Hồng Kông nhận định, Thái Lan và Malaysia là những quốc gia hoàn toàn có thể thay thế Trung Quốc trong mạng lưới sản xuất các sản phẩm (điện tử) bình dân.

Việc xuất khẩu cá rồng sang Trung Quốc cũng là một ví dụ lý thú trong ACFTA. Theo một chủ doanh nghiệp nuôi cá rồng tại Singapore, Đông Nam Á cung cấp tới 60% lượng cá cảnh cho thế giới. Vùng này có nguồn nước ấm và hệ sinh thái hải dương phong phú, một lợi thế mà Trung Quốc không thể nào có được. Ông này cũng cho biết, cá rồng là loại cá cảnh mà các doanh nhân Trung Quốc luôn muốn có trong nhà. Tuy nhiên, nuôi loại cá này không phải dễ nên cho đến nay, nuôi cá rồng vẫn là lợi thế của Singapore.

Mai Hân


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới