Hủy

Hiệp hội doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài: Đóng góp được hiếu theo nghĩa rộng

Thứ Hai | 17/08/2009 11:55

Đã đến lúc đóng góp của hàng triệu người Việt Nam ở nước ngoài phải được đánh giá không chỉ qua nguồn kiều hối hay các dự án đầu tư trong nước, mà cả ở những điều họ làm được ở nước ngoài.
 

Lần đầu tiên, một hiệp hội doanh nhân người Việt ở nước ngoài đã quy tụ được đại diện của nhiều cộng đồng doanh nhân ở nước ngoài đến như vậy. Tham gia đại hội thành lập hiệp hội vào đầu tuần trước ở Hà Nội có đại diện của doanh nhân gốc Việt từ 33 nước, trong tổng số hơn 100 nước và vùng lãnh thổ có người Việt sinh sống và làm ăn. Nhịp Cầu Đầu Tư đã trao đổi với ông Trần Trọng Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài (thuộc Bộ Ngoại giao), nhân sự kiện này.

Ông đánh giá thế nào về việc thành lập hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài?

Ông Trần Trọng Toàn: Tôi nghĩ việc thành lập một hiệp hội có khả năng thu hút được nhiều doanh nhân người Việt làm ăn ở nước ngoài như thế này là một cơ hội tốt để liên kết họ với nhau và với doanh nhân trong nước, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở những thị trường khác trên thế giới.

Từ trước đến nay, chúng ta nhấn mạnh nhiều tới đóng góp của người Việt ở nước ngoài thông qua lượng kiều hối gửi về hằng năm (khoảng 7 tỉ USD năm 2008), các dự án đầu tư về nước (tổng đầu tư lũy kế cho đến nay lên tới gần 2 tỉ USD), đã tạo ra nhiều việc làm và góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay, vốn đầu tư nước ngoài giảm mạnh, sự đóng góp này càng có ý nghĩa. Tuy nhiên, tôi cho rằng vai trò lớn nhất của các doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài là vai trò cầu nối giữa kinh tế Việt Nam và kinh tế thế giới.

Xin ông nói cụ thể hơn.

Ông Trần Trọng Toàn: Thứ nhất, có nhiều doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài là những nhà nhập khẩu hàng Việt Nam sang thị trường họ đang sống và làm ăn, là đầu mối cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Lại còn có những người thành lập các trung tâm thương mại, siêu thị, để phân phối hàng Việt Nam tại những nơi đó. Những người mở nhà hàng Việt thì giúp tiêu thụ thực phẩm xuất khẩu từ Việt Nam.

Thứ hai, ngoài việc trực tiếp đầu tư về nước, họ còn thu hút đầu tư nước ngoài giúp cho Việt Nam, thông qua việc đưa các nhà đầu tư nước ngoài vào đây tìm hiểu, cũng như giới thiệu các doanh nghiệp Việt Nam với nước ngoài để liên doanh, liên kết. Như ông Hà Thủy Nguyên, Việt kiều New Zealand, đã mấy lần dẫn các đoàn doanh nghiệp nước này vào Việt Nam tìm hiểu.

Thứ ba, hiện giờ chúng ta khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Các doanh nhân Việt Kiều, với sự hiểu biết về luật pháp, chính sách đầu tư, phong tục, tập quán của người dân bản địa, theo tôi, có thể giúp rất nhiều cho các doanh nghiệp trong nước sang đầu tư bên đó, trong đó có hình thức liên doanh giữa doanh nhân Việt ở trong và ngoài nước. Chẳng hạn, anh Nguyễn Đồng Hải, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Slovakia, đã kêu gọi các doanh nghiệp trong nước cùng liên doanh, liên kết với các doanh nhân Việt ở nước ngoài đầu tư vào trung tâm thương mại, hay hệ thống kho bãi ở nước ngoài.

Thứ tư, sự thông hiểu luật pháp và thông lệ nước sở tại của họ cũng giúp Việt Nam rất nhiều trong việc xử lý các vụ kiện cáo, tranh chấp một cách nhanh chóng, đỡ tốn kém. Đó là chưa nói tới khả năng nắm bắt nhanh nhạy sự thay đổi chính sách của nước sở tại, hay nhu cầu thị trường bản địa. Các doanh nhân này cung cấp nhiều thông tin, dự báo và tư vấn về thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng cho các nhà xuất khẩu trong nước kịp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.

Anh Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam, kỳ vọng hiệp hội này sẽ là cánh tay nối dài của các doanh nghiệp trong nước. Còn tôi thì nghĩ rằng họ cũng là cánh tay nối dài của các đại sứ quán, thương vụ, trong nhiệm vụ ngoại giao kinh tế. Việc Ban Tổ chức mời các lãnh đạo địa phương, ban ngành trung ương và hơn 70 doanh nghiệp trong nước tham dự Đại hội và hội thảo xúc tiến đầu tư là để bước đầu triển khai vai trò đó của doanh nhân người Việt ở nước ngoài.

Sự tham gia của đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và VCCI trong Ban Chấp hành Hiệp hội là để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ cầu nối này được tốt hơn?

Ông Trần Trọng Toàn: Nói như vậy cũng chỉ đúng một phần. Lần đầu tiên có sự tham gia của đại diện các cơ quan chính phủ, hay bán chính phủ, là để khẳng định niềm tin rằng mọi hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nhân người Việt ở nước ngoài đều có sự hậu thuẫn chính thức của nhà nước Việt Nam, cả về chính sách lẫn hành động, kể cả ở trong và ngoài nước. Hơn nữa, có đại diện của các cơ quan này trong Ban Chấp hành Hiệp hội cũng giúp cho tiếng nói của doanh nhân người Việt đến được với các nhà hoạch định chính sách với bà con Việt kiều nói chung và doanh nhân nói riêng, được trực tiếp và nhanh chóng hơn. Tất nhiên, thông qua đầu mối Hiệp hội, những yêu cầu của các cơ quan chính phủ hay VCCI đến với doanh nhân người Việt ở nước ngoài cũng được chính thức hơn.

Nhưng các doanh nhân Việt kiều đã bỏ hơn 2 năm vất vả vận động thành lập ra hiệp hội này, chắc hẳn, về mặt lợi ích, không chỉ để cho tiếng nói của họ được đến nhanh hơn với các nhà hoạch định chính sách?

Ông Trần Trọng Toàn: Về bản chất, tôi nghĩ hiệp hội này được thành lập là nhằm liên kết các doanh nhân người Việt lại với nhau, tạo ra một sức mạnh và tiếng nói lớn hơn cho cộng đồng người Việt, trong đó có doanh nhân. Bởi doanh nhân dễ liên kết với nhau hơn trên khía cạnh chia sẻ lợi ích, ở những quốc gia và lãnh thổ họ đang sinh sống và làm ăn. Việt Nam, ngoài sự gắn bó của quê hương, đất tổ, còn là một địa điểm đầu tư, kinh doanh. Họ có thể cùng đầu tư phát triển để khắc phục hạn chế về vốn, hay thành lập mạng lưới thương mại ở nhiều nước để bổ sung cho nhau.

Ông thấy sự tham gia khá mạnh của cộng đồng doanh nhân người Việt ở Đông Âu vào Hiệp hội có ý nghĩa như thế nào?

Ông Trần Trọng Toàn: Xưa nay xuất khẩu của Việt Nam vẫn tập trung vào những thị trường lớn như Mỹ, Nhật, hay Tây Âu. Sự tham gia của đội ngũ doanh nhân Đông Âu, cũng như các khu vực khác, như Đông Nam Á, hay thậm chí Trung Đông, có nhiều ý nghĩa trong chiến lược đa dạng thị trường xuất khẩu của Việt Nam, hay nói cách khác là san trứng ra nhiều giỏ.

Đó là chưa nói tới việc nhiều doanh nghiệp sản xuất của người Việt ở Đông Âu đã thu nhận nhiều lao động trong nước sang làm việc. Đã có khá nhiều tranh chấp, xung đột xảy ra khi người Việt ra nước ngoài làm việc do bất đồng về văn hóa, ngôn ngữ. Nếu xuất khẩu lao động là để làm việc cho những ông chủ người Việt ở nước ngoài, thay vì các ông chủ quốc tịch khác, tôi nghĩ những chuyện không hay này sẽ được giảm thiểu.

Như vậy, tiêu chí đánh giá sự đóng góp của người Việt ở nước ngoài với đất nước đã được mở rộng hơn?

Ông Trần Trọng Toàn: Đúng vậy. Họ có thể đóng góp cho đất nước không chỉ ở Việt Nam, mà chính tại nơi họ đang sinh sống, làm ăn. Những cộng đồng người Việt mạnh ở nước ngoài cũng đóng góp vào việc tạo thêm sức mạnh cho đất nước, làm đẹp thêm hình ảnh đất nước.

ĐẠI HỘI THÀNH LẬP HIỆP HỘI DOANH NHÂN NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

Ngày 9 và 10.8.2009, đại hội thành lập Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của gần 300 doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào đến từ gần 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành khóa I gồm 32 thành viên, trong đó có 9 phó chủ tịch, 22 ủy viên, do ông Phạm Nhật Vượng, Việt kiều Ukraine, làm Chủ tịch.

Điểm đáng chú ý là Ban Chấp hành lần này có 3 đại diện của các cơ quan nhà nước là ông Vũ Hoàng Anh, thuộc Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) trong vai trò Phó Chủ tịch; ông Hoàng Quang Phòng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch và ông Nguyễn Chí Tâm (Bộ Công Thương), Ủy viên.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới