Hủy

Hiệp hội taxi TP HCM: 'Uber đang biện minh cho hoạt động của mình'

Thứ Bảy | 06/12/2014 15:09

Hiệp hội taxi TPHCM khẳng định nếu được ưu đãi thuế, phí, đóng các loại bảo hiểm...sẽ hạ cước thấp tương tự dịch vụ Uber.
 

Chiều 5/12, Hiệp hội taxi TP HCM đã tổ chức cuộc họp để thống nhất ý kiến gửi Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng và Chính phủ kiến nghị xem xét, cân nhắc thời điểm cho Uber hoạt động tại Việt Nam.

Hiệp hội này cho rằng Uber đang biện minh cho việc làm của mình là môi giới, vì thế họ rũ bỏ mọi trách nhiệm pháp lý cho chủ xe, lái xe và khách hàng phải tự lo, tự chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố. Họ chối bỏ mọi nghĩa vụ thuế, phí với Nhà nước với lý do là môi giới.

Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM, thực tế Uber đã và đang điều hành trọn vẹn một quy trình phục vụ hành khách giống như hoạt động của một hãng taxi thực sự. Cụ thể, Uber tiếp nhận yêu cầu của hành khách, điều xe và thu tiền cước khi kết thúc hành trình, sau đó ăn chia với chủ xe. "Rõ ràng các hành vi trên là hoạt động điều hành vận tải hành khách chứ không phải là môi giới như Uber nói", ông Hỷ phân tích.

thanh-tra2-1155-1417172343-4392-14177851

Hiệp hội Taxi TP HCM tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT ngừng hoạt động loại hình taxi Uber tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Hữu Công.

Người đứng đầu Hiêp hội taxi TP HCM cho biết, Uber điều hành kinh doanh vận tải hành khách như taxi, chỉ khác ở chỗ không đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp điều hành và chủ xe không phải nộp các loại thuế, phí, lái xe không cần qua tập huấn để có chứng chỉ hành nghề taxi, xe không cần logo, hộp đèn, không có đồng hồ tính tiền, không có bộ đàm, lái xe không cần mặc đồng phục.

"Điều đáng nói là họ đã điều động xe và lái xe không đủ điều kiện hành nghề taxi vào việc đưa rước khách. Họ trốn tránh mọi nghĩa vụ thuế, phí, tránh né trách nhiệm hình sự, dân sự, lao động", văn bản kiến nghị nêu.

Hiệp hội taxi TP HCM cho rằng, các hãng taxi truyền thống ngoài việc phải đầu tư phương tiện, chịu rất nhiều loại thuế phí, trong đó riêng thuế VAT đã là 10%, phải tham gia đóng các loại bảo hiểm… Sắp tới, các hãng taxi phải gắn hộp đen, phải có thiết bị in hóa đơn, trong khi Uber không phải tốn kém các khoản này thì đây là điều bất bình đẳng. "Nếu các hãng taxi truyền thống được ưu đãi như Uber thì chúng tôi cũng có thể xây dựng giá cước rẻ như Uber đang áp dụng", Hiệp hội này khẳng định.

Bên cạnh đó, theo nghiệp đoàn này, hiện nhiều tỉnh thành đã thực hiện chủ trương khống chế việc phát triển số lượng xe taxi theo quy hoạch ngắn hạn, dài hạn thông qua việc cấp hạn ngạch cho từng hãng taxi. Nay nếu cho phép Uber hoạt động đồng nghĩa với việc tất cả mọi xe nhàn rỗi không phân biệt có phải taxi hay không đều được hoạt động đưa rước khách như taxi, vô tình đã phá vỡ kế hoạch, quy hoạch mà các tỉnh thành xây dựng bấy lâu nay, cũng đồng nghĩa xóa bỏ hạn ngạch về đầu xe đã quy định trước đây cho các hãng taxi.

Theo Hiệp hội Taxi thành phố, trong khi Chính phủ chưa có văn bản mới thay thế hoặc cải sửa, bổ sung nghị định số 86/2014 thì phải xem đây là cơ sở pháp lý cơ bản cho mọi hoạt động vận tải. Bất cứ doanh nghiệp, cá nhân nào chưa đáp ứng được các điều kiện mà văn bản này quy định thì chưa được phép hoạt động.

"Trên cơ sở nguyên tắc này, kiến nghị Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải quyết định chấm dứt hoạt động của Uber tại Việt Nam cho đến khi có quy định mới của Nhà nước phù hợp với hoạt động này", văn bản của Hiệp hội nêu.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, hoạt động vận tải trực tiếp thu tiền của người đi xe không thông qua đơn vị kinh doanh vận tải như trên là trái với Luật Giao thông đường bộ và nghị định kinh doanh vận tải bằng ôtô. Tuy nhiên, Bộ Giao thông đang nghiên cứu bổ sung các chính sách để hợp thức hóa loại hình dịch vụ này nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Uber là loại hình dịch vụ mới với những tiện ích: chỉ thông qua việc cài đặt phần mềm ứng dụng Uber trên smartphone để kết nối giữa người cần di chuyển và lái xe taxi. Hành khách chỉ cần dùng ứng dụng Uber để đăng ký hành trình, hệ thống sẽ tự động kết nối với một chủ xe. Sau đó, hệ thống sẽ hiển thị thông báo thông tin về chi phí chuyến đi, thông tin cơ bản về chiếc xe sắp đến đón. Nếu khách hàng đồng ý thực hiện chuyến đi, chi phí sẽ trả qua thẻ thanh toán quốc tế Visa, Mastercard.

Liên quan đến Taxi Uber, sáng 5/12 Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP HCM tiếp tục phối hợp với lực lượng CSGT xử lý loại hình này tại bến xe Miền Đông và khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đó, thêm 5 trường hợp bị xử lý với lỗi vi phạm là kinh doanh vận tải bằng xe ôtô mà không có đăng ký kinh doanh theo quy định (vi phạm điểm C khoản 4 Điều 28 Nghị định số 171) của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Với hành vi này, cá nhân sẽ bị phạt 2-4 triệu đồng, tập thể bị phạt 3-6 triệu đồng. Trước đó, trong ngày đầu ra quân Thanh tra Sở GTVT TP HCM cũng đã xử phạt 5 trường hợp.

Nguồn VnExpress


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới