Hủy

Hiệu quả khai thác bô-xit tại Tây Nguyên - Bộ Công thương lên tiếng

Thứ Hai | 30/03/2015 11:36

Giá alumin tăng thì sẽ tăng hiệu quả kinh tế của Dự án và việc đánh giá sản xuất 660.000 tấn bô-xít sẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD là thiếu cơ sở.
 

Giá alumin tăng, tăng hiệu quả kinh tế của dự án

Bộ Công Thương cho biết, quá trình thực tế triển khai các dự án bô-xít tại Tây Nguyên, một số nhà khoa học và dư luận xã hội có ý lo ngại về hiệu quả kinh tế của các dự án. Nay Bộ Công Thương khẳng định: Hiệu quả kinh tế (HQKT) của Dự án alumin Tân Rai đã được báo cáo UBTV Quốc hội. Tính đến 26/4/2014, Dự án có hiệu quả với thời gian lỗ kế hoạch dự kiến là 4 năm và thời gian thu hồi vốn 11,5 năm. Tuy nhiên, thực tế giá bán alumina trên thế giới hiện đã bước vào chu kỳ tăng, bình quân cả năm 2014 đạt 326,5 USD/tấn cao hơn so với tính toán của Dự án là 325 USD/tấn. Do vậy, hiệu quả kinh tế của Dự án tăng lên, thời gian lỗ kế hoạch dự kiến sẽ giảm dưới 4 năm, thời gian thu hồi vốn cũng giảm theo.


Tại công trường khai thác Bô - xit (Ảnh: KT)

Còn với dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ, do có điều kiện vận tải xuống cảng biển xa hơn, hạ tầng khó khăn hơn nên hiệu quả kinh tế thấp hơn, với thời gian lỗ kế hoạch là 5 năm và thời gian thu hồi vốn 12 năm. Đóng góp cho Ngân sách nhà nước là 435.444 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 29% mức thu ngân sách năm 2013 của tỉnh Đăk Nông (1.500 tỷ đồng). Với xu thế tăng giá alumin như cuối năm 2014 và đầu năm 2015, hiệu quả Dự án sẽ được tăng lên đáng kể, giảm thời gian lỗ kế hoạch và rút ngắn thời gian thu hồi vốn dự kiến.

Bộ Công Thương còn dẫn đánh giá của Đoàn giám sát của UBTV Quốc hội sau khi giám sát tổng thể “Hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh- quốc phòng của 2 dự án bôxit Tân Rai và Nhân Cơ do TKV làm chủ đầu tư”. Kết quả cho thấy, việc triển khai thí điểm 2 dự án là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương có tài nguyên khoáng sản, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội ở khu vực địa bàn chiến lược Tây Nguyên.

Hiệu quả tổng hợp bước đầu của 2 dự án đã tác động lan tỏa và tích cực đến phát triển kết cấu hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động tại các địa phương. Dự án đã tạo được sự đồng thuận và nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông.

Riêng dự án tại Tân Rai, ước tính, sau khi đi vào vận hành ổn định, số thuế, phí nộp ngân sách khoảng 430 tỷ đồng/năm, doanh thu của Dự án dự kiến sẽ đạt trên 4.000 tỷ đồng/năm; đào tạo nghề và tuyển dụng trực tiếp trên 1.200 công nhân công nghiệp, tạo việc làm ổn định cho khoảng 12.000 lao động liên quan, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao đời sống người dân khu vực Dự án, đóng góp đáng kể cho nguồn thu của tỉnh Lâm Đồng.

Nói sản xuất 660.000 tấn bô-xít sẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD là thiếu cơ sở

Đặc biệt, Bộ Công Thương cho biết, ngày 9-10/2/2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kiểm tra và chỉ đạo 2 dự án bô-xit. Thủ tướng đánh giá cao Dự án Tân Rai đã đảm bảo hiệu quả tổng hợp, gồm cả hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và yêu cầu về môi trường. Những lo ngại về hoàn nguyên, xử lý bùn đỏ đều được giải tỏa bởi kiểm tra các thông số về môi trường đều đáp ứng được tiêu chuẩn cho phép; TKV đang tiến hành hoàn nguyên và trồng cây công nghiệp ngay sau khi khai thác; các hồ bùn đỏ được xây dựng quy mô, công nghệ hiện đại và bảo đảm an toàn. Những kết quả này đã khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước về khai thác bôxit để sản xuất Alumin, nhôm là đúng đắn.

Năm 2015 và một vài năm tiếp theo, các khoản lỗ mang tính chất lỗ kế hoạch theo dự kiến của hai dự án này mang tính qui luật. Do đó, “đánh giá “nếu sản xuất 660.000 tấn bô-xít sẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD” là vội vã, thiếu cơ sở”- Bộ Công Thương nhấn mạnh./.

Nguồn VOV


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới