Hủy

Hoạt động NHTM: Kỳ vọng từ quý II

Thứ Năm | 20/03/2014 11:41

Dư nợ VNĐ 3 tháng đầu năm tăng trưởng thấp, nhưng nợ ngoại tệ lại tăng mạnh.
 

Đánh giá tổng quan về thị trường tiền tệ và hoạt động NHTM trong quý I-2014 trên địa bàn TPHCM cho thấy những điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh.

Xét về góc độ tăng trưởng 2 hoạt động cơ bản trong kinh doanh của hệ thống NH là huy động và cho vay trong quý I-2014 vẫn ở mức thấp và chậm. Tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm dự ước đạt 0,12%. Tuy nhiên, đây là diễn biến bình thường xuất phát từ đặc điểm của quý đầu năm và tác động bởi yếu tố lễ hội của dịp tết âm lịch.

Riêng tín dụng lĩnh vực xuất khẩu vẫn tăng trưởng khá: dư nợ ngoại tệ tháng 1-2014 tăng 1,6%, tháng 2 tăng 1,3% và dự ước 3 tháng đầu năm tăng 3,8%; tín dụng đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên đạt 133.081 tỷ đồng, tăng 3,84% so với cuối năm 2013. Điều này chứng tỏ dòng vốn tiếp tục điều chỉnh theo hướng tích cực phù hợp với diễn biến của kinh tế vĩ mô, phản ánh qua 4 tiêu chí:

Thứ nhất, lãi suất ổn định và trong xu hướng giảm. Hiện nay cơ chế lãi suất, chính sách tín dụng đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên trở thành cơ chế trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN khi ban hành 2 thông tư: Thông tư 07 về điều hành lãi suất huy động và Thông tư 08 về chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Thực hiện 2 thông tư này, NHNN đã quy định về trần lãi suất tiền gửi (kỳ hạn dưới 6 tháng) và trần lãi suất cho vay đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên. Hiện nay lãi suất cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên, không quá 8%/năm đối với khoản vay ngắn hạn bằng VNĐ.

Song thực tế, đối tượng vay của lĩnh vực này, đặc biệt là doanh nghiệp truyền thống, hoạt động hiệu quả, doanh nghiệp thuộc các chương trình bình ổn… được vay với lãi suất thấp hơn (6%/năm). Đây là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tính toán, xem xét mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, nguồn vốn của hệ thống NH đã ổn định hơn và quy mô nguồn vốn giá rẻ ngày càng có xu hướng mở rộng. Hiện tổng huy động trên địa bàn đạt 1.175.000 tỷ đồng, tăng 0,36% so với cuối năm 2013. Trong đó bộ phận tiền gửi dân cư chiếm tới 56,4% (tỷ lệ này năm 2013 là 54%, năm 2012 là 50,6%).

Nhưng diễn biến nguồn vốn đã và đang theo xu hướng tích cực, khách hàng gửi tiền kỳ hạn dài hơn, lãi suất tiền gửi tiết kiệm ổn định và ở mức hợp lý. Đây là điều kiện thuận lợi để các NHTM tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.

Thứ ba, các giải pháp thực hiện cơ chế chính sách của NHNN về hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định thị trường tiếp tục được thực hiện.

Đặc biệt hoạt động kết nối NH-doanh nghiệp được chỉ đạo tiếp tục thực hiện với quy mô lớn hơn trong năm 2014; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn; chương trình tín dụng liên kết, kết nối 4 nhà trong lĩnh vực xây dựng. Hội tụ những yếu tố này sẽ là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, khách hàng trong quá trình phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Thứ tư, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, xuất hiện nhiều yếu tố tích cực phản ánh sự phục hồi bền vững: lạm phát thấp, vốn đầu tư tăng trưởng, hoạt động sản xuất kinh doanh có chuyển biến và đặc biệt niềm tin thị trường đang xuất hiện. Với những chuyển biến tích cực từ thị trường chứng khoán, từ một số phân khúc của thị trường bất động sản… đã và đang phản ánh những cơ hội cho doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và phát triển.

Tuy nhiên, những điều kiện thuận lợi này chỉ là yếu tố môi trường (kinh tế, xã hội, pháp lý…) để doanh nghiệp phát triển. Những vấn đề của chính doanh nghiệp về cạnh tranh, đổi mới công nghệ, quản trị, cơ cấu lại hoạt động để phát triển và vươn lên trong điều kiện khó khăn mới chính là yếu tố nền tảng, là cơ hội để phát triển trong năm 2014 và những năm tiếp theo.

Theo Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM

Nguồn Sài gòn đầu tư tài chính

Nguồn CafeF


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới