Hủy

IEA: Nhu cầu dầu mỏ thế giới tăng nhanh hơn dự báo

Thứ Sáu | 14/03/2014 21:43

Đây là tháng thứ tư liên tiếp IEA nâng triển vọng nhu cầu dầu mỏ trên thế giới.
 

Ngày 14/3, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thông báo nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ tăng nhanh hơn so với dự báo trước đây do triển vọng kinh tế toàn cầu đã cải thiện. Đây là tháng thứ tư liên tiếp IEA nâng triển vọng nhu cầu dầu mỏ trên thế giới.

Báo cáo hàng tháng của IEA cho biết nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ lên đến 92,7 triệu thùng/ngày, tăng 95.000 thùng/ngày so với dự báo đưa ra tháng trước.

Sự gia tăng này diễn ra chủ yếu ở các nền kinh tế đang nổi lên và là kết quả từ sự "bật dậy" mạnh mẽ hơn của nền kinh tế toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng này sẽ duy trì trong cả năm nay, nhưng cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã buộc IEA giảm bớt mức gia tăng nhu cầu dầu mỏ thế giới.

Báo cáo cũng cho biết Nga và Brazil sẽ tiêu thụ nhiều dầu mỏ hơn với mức tăng tuần tự 3% và 2,8% so với mức dự báo 2,7% trước đó đối với cả hai nước. Tuy nhiên, nhu cầu dầu mỏ ở Mỹ, quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, sẽ giảm do nền kinh tế nước này bớt phụ thuộc vào dầu mỏ.

Tăng trưởng công nghiệp ở Trung Quốc giảm cũng tác động đến nhu cầu dầu mỏ thế giới.

Theo IEA, ngoài hiện tượng giá tăng trong ngày 3/3 vừa qua, thị trường dầu mỏ thế giới vẫn tương đối yên ắng bất chấp bất đồng giữa phương Tây và Nga về khủng hoảng chính trị ở Ukraine.

Trên thực tế, Ukraine không phải là nước vận chuyển chính nguồn dầu mỏ có nguồn gốc từ Nga được bán cho các nước phương Tây, trong khi mối quan hệ giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng dầu mỏ vẫn đóng vai trò quan trọng đối với cả hai bên.

Hơn 1/3 tổng lượng nhập khẩu dầu thô của châu Âu trong năm 2013 đến từ Nga và 71% xuất khẩu dầu thô của Nga dựa vào các nước châu Âu.

Nguồn cung cải thiện cũng đã xoa dịu những quan ngại về nguy cơ rối loạn. Tháng Hai vừa qua, các nguồn cung dầu thô từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã vượt ngưỡng 30 triệu thùng/ngày do sản lượng ở Iraq đạt mức cao nhất trong 35 năm qua, bù đắp phần sụt giảm từ Libya, nơi các nhóm vũ trang đang phong tỏa các bể chứa ở miền Đông.

Các nguồn cung từ các nước không thuộc OPEC cũng có thể tăng 1,7 triệu thùng/ngày trong năm 2014, tốc độ tăng mạnh nhất kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu do Mỹ và Canada chi phối.

Sản lượng ở những nước không thuộc OPEC cũng tăng 100.000 thùng/ngày lên 55,9 triệu thùng/ngày trong tháng Hai vừa qua, đứng đầu là Bắc Mỹ./.

Nguồn Vietnamplus


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới