Hủy

Khi tỉ giá đu dây

Thứ Hai | 17/08/2015 08:00

Nhìn về dài hạn, Việt Nam không chỉ chịu áp lực từ đồng Nhân dân tệ, mà còn có ảnh hưởng của đồng USD.
 

Chuyện tăng biên độ tỉ giá là chuyện chẳng thể đặng đừng, nếu Việt Nam vẫn còn muốn kích thích xuất khẩu. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là thời điểm tăng và tăng bao nhiêu là hợp lý.

Cơn bão Nhân dân tệ

Ngày 11.8 vừa qua trở nên đặc biệt đối với giới tài chính thế giới, khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) điều chỉnh tăng tỉ giá USD/CNY thêm 1,9%. Ðây là mức giảm giá nội tệ mạnh nhất của nước này trong vòng 2 thập kỷ qua, với lý giải là nhằm hỗ trợ cho kinh tế. Hiện xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm của Trung Quốc giảm 8,3%, tệ hơn nhiều so với con số kỳ vọng 1,5%. Chỉ số giá sản xuất cũng đã giảm năm thứ 4 liên tiếp, vốn là một dấu hiệu cho thấy lạm phát thấp, đồng nghĩa với việc kinh tế tăng trưởng chậm.

Sự kiện này được đánh giá như là một cơn bão trên thị trường tài chính quốc tế. Cụm từ “chiến tranh tiền tệ” lại được giới truyền thông thế giới nhắc đến nhiều hơn. Trên thực tế, hàng loạt các đồng tiền chủ chốt khác ở châu Á cũng suy giảm giá trị, trong số đó có cả tiền Đồng của Việt Nam. Điều khác biệt là cơ quan điều hành chính sách của Việt Nam cũng phản ứng khá nhanh nhạy, khi cũng lập tức quyết định điều chỉnh nới biên độ tỉ giá từ mức 1% lên mức 2% ngay trong ngày 11.8.

Chuyện điều chỉnh tỉ giá lần này có liên quan trực tiếp đến chính sách tỉ giá của Trung Quốc. “Với đặc thù Trung Quốc là đối tác chiếm tỉ trọng thương mại lớn của Việt Nam, thì việc điều chỉnh tỷ giá đồng CNY sẽ có tác động bất lợi tới nền kinh tế Việt Nam”, thông cáo của Ngân hàng Nhà nước viết.

Ngay sau quyết định này, sáng ngày 12.8, các ngân hàng đồng loạt nâng tỉ giá với mức khoảng hơn 200 Đồng cho mỗi USD. Như Vietcombank, ngân hàng chiếm thị phần lớn trong giao dịch ngoại thương, tỉ giá bán 1 USD là 22.060 Đồng, sát với mức trần cho phép. Các ngân hàng khác cũng điều chỉnh tăng lên tương tự.

Nới lỏng biên độ

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, sự điều chỉnh tỉ giá là hợp lý nếu Việt Nam vẫn muốn tăng cường khả năng cạnh tranh của các loại hàng hóa, dù việc này cũng mang lại các hệ lụy khác như hàng nhập khẩu sẽ đắt đỏ hơn hay mức nợ công cao hơn. Việc phá giá đồng nội tệ luôn là một giải pháp hữu hiệu để tạo cú hích cho xuất khẩu, vốn là nguồn động lực tăng trưởng chính của những quốc gia như Việt Nam hay Trung Quốc.

Nới lỏng biên độ tỉ giá cũng là chuyện có thể lường trước được. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng hết mức hạn mức điều chỉnh tỉ giá liên ngân hàng của mình là 2%. Nay dưới áp lực mới, cơ quan này lại sử dụng đến công cụ biên độ tỉ giá, là thứ mà Ngân hàng Nhà nước không cam kết sẽ duy trì. Về mặt bản chất, việc nới rộng biên độ tỉ giá có ý nghĩa như việc tăng tỉ giá tham chiếu, đều cho phép tiền Đồng yếu đi so với tiền USD.

Khi ti gia du day
Thay đổi tỉ giá một số đồng tiền trước và sau khi Trung Quốc phá giá nội tệ

Lần điều chỉnh biên độ gần đây nhất là vào năm 2011. Khi đó, biên độ giao dịch được giảm từ mức 3% xuống còn 1%, đồng thời tỉ giá liên ngân hàng cũng được điều chỉnh tăng 9,3%. Bối cảnh lần này cũng khác trước rất nhiều. Ở giai đoạn đó, thanh khoản bằng tiền Đồng gặp trục trặc. Hơn nữa, dự trữ ngoại hối bằng đồng USD cũng không dồi dào.

Sự phản ứng của Việt Nam vừa qua được xem là rất nhanh, gắn liền với thị trường gần như lập tức. Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, đó là vì Ngân hàng Nhà nước muốn dập tắt kỳ vọng của giới đầu cơ, không cho cơ hội để thị trường kịp phản ứng.

Tuy nhiên, sự phản ứng nhanh nhạy này cũng mang lại điểm bất lợi mới. Đó là mối lo ngại về một chính sách tỉ giá phụ thuộc.

Vòng xoáy 

Liên quan đến Trung Quốc, sau khi tăng tỉ giá trong ngày 11.8, quốc gia này lại tiếp tục điều chỉnh giảm đồng bản tệ thêm 1,6% trong ngày 12.8 và giảm 1,1% trong ngày 13.8, tức giảm 4,6% trong vòng 3 ngày. Ở một khía cạnh khác, theo lý giải của Trung Quốc, quốc gia này đang cố gắng hướng đến một cơ chế tỉ giá gắn liền với thị trường, thay vì cố định như trong thời gian qua.

Chuyện đồng bản tệ Trung Quốc liên tiếp được điều chỉnh giảm dẫn đến sự lo ngại về động thái sắp tới trên thị trường Việt Nam. Cơ quan điều hành chính sách của Việt Nam sẽ ứng xử như thế nào trước chuyện đồng bản tệ Trung Quốc liên tục giảm? Nếu tiếp tục giảm giá tiền Đồng, Việt Nam sẽ cho thấy sự lệ thuộc vào chính sách tỉ giá của quốc gia khác. Nhưng nếu không giảm, vòng xoáy kỳ vọng giảm thêm trong tương lai sẽ hiện hữu bởi Việt Nam phải gánh chịu mối lo ngại lớn hơn về kinh tế.

Theo ông Tuấn, Fulbright, chuyện phá giá là hợp lý nhưng cái khó của Ngân hàng Nhà nước ở đây là phá giá quá “nông”. Biên độ nới rộng 1 điểm phần trăm như vậy vẫn là còn thấp. “Có thể tăng lên mức 3, thậm chí 5%. Ban đầu có thể gây sốc đối với thị trường, nhưng không tạo ra kỳ vọng tiếp tục điều chỉnh tỉ giá”, ông Tuấn nói.

Giới hạn rộng hơn này được xem là lớp đệm để đề phòng những rủi ro kinh tế không thể lường trước được. Bởi nhìn về dài hạn, Việt Nam không chỉ chịu áp lực từ đồng CNY mà còn là đồng USD. Dự kiến sắp tới, Cục dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong vòng 1 thập kỷ qua.

Sau 3 ngày giảm giá, CNY bước đầu tăng trở lại. Thị trường đã trở nên bình ổn hơn sau khi PBoC ra thông báo mức độ phá giá cần thiết đối với CNY đã đạt được, và tin đồn về việc mục tiêu phá giá CNY tới 10% cũng đã bị bác bỏ.

Theo ông Benny Cheung, Giám đốc Phòng kinh doanh Tiền tệ và Thị trường vốn, Ngân hàng HSBC Việt Nam, thị trường đang chờ đợi những động thái tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước. “Nếu hôm kia doanh nghiệp nhập khẩu khá bình thản trước tin biên độ giao dịch của USD/VND được nới rộng thì hôm qua đã xuất hiện tâm lý lo lắng và nhu cầu mua kỳ hạn USD bắt đầu tăng cho các khoản thanh toán trong tương lai”, ông Cheung bình luận vào ngày phá giá thứ 3 của CNY.

Việt Dũng


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới