Hủy

Khó có làn sóng tăng lãi suất huy động

Thứ Năm | 12/11/2015 14:57

Sự nhập cuộc của “ông lớn” trong khối ngân hàng thương mại Nhà nước đã dấy lên lo ngại về đợt điều chỉnh tăng lãi suất huy động trên diện rộng.
 

“Ông lớn” nhập cuộc

Theo biểu lãi suất niêm yết trên trang web của Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), kể từ ngày 6/11, lãi suất huy động VND tại ngân hàng này tăng thêm từ 0,2 – 0,5%/năm, tập trung ở các kỳ hạn ngắn.

Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 2 tháng được nâng từ 4,5%/năm lên 4,8%/năm; từ 2 tháng đến dưới 3 tháng tăng từ 4,5%/năm lên 5,0%/năm; từ 3 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 5,0%/năm lên 5,2%/năm; từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tăng từ 5,3%/năm lên 5,5%/năm; từ 9 tháng đến dưới 12 tháng tăng từ 5,4%/năm lên 5,6%/năm.

Trong khi các lãi suất không kỳ hạn và dưới 1 tháng vẫn được giữ nguyên ở mức 0,5%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng đến dưới 18 tháng và trên 18 tháng đến dưới 24 tháng được giữ ổn định ở mức 6,0%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn từ 24 tháng đến 36 tháng cũng không thay đổi là 6,5%/năm. Kỳ hạn trên 36 tháng lãi suất là 7,0%/năm.

Với điều chỉnh trên, trần lãi suất huy động VND VietinBank quy định cho các chi nhánh trực thuộc đã tăng đáng kể, cũng như tạo khoảng cách cạnh tranh hơn so với các “ông lớn” khác như với Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV).

Ví dụ như với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 2 tháng tại Vietcombank và BIDV hiện tương ứng chỉ từ 4 – 4,7%/năm; hay kỳ hạn trên 36 tháng tại hai ngân hàng này tương đương mức 6,2% và 6,3%/năm.

Trước đó, trong vòng chưa đầy 1 tuần, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi với mức cộng thêm 0,2%/năm. Cụ thể, lãi suất tiền gửi thông thường, lĩnh lãi cuối kỳ, loại tiền VND được điều chỉnh tăng ở các kỳ hạn 3 tháng, 4 tháng và 5 tháng, với lãi suất mới là 5,4% (lãi suất cũ là 5,2%). Bên cạnh đó, sản phẩm tiền gửi kỳ hạn ngày, kỳ hạn 91 ngày cũng tăng lãi suất lên mức 5,4%/năm.

NHTMCP Đông Á (DongA Bank) mới đây đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND đối với nhiều kỳ hạn, mức tăng từ 0,2 – 0,5. Cụ thể, lãi suất huy động tiết kiệm VND kỳ hạn 3 – 5 tháng tại DongA Bank tăng lên 5,2%/năm; 6 – 8 tháng là 6%/năm; 9 – 11 tháng là 6,2%/năm; từ 12 tháng trở lên đã ở mức hơn 7%/năm.

Một số ngân hàng như: Sacombank, Techcombank, LienVietPostBank… cũng đã nâng lãi suất tiền gửi thêm từ 0,2 – 0,5%/năm.

Cùng với việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động, nhiều ngân hàng còn rầm rộ tung ra thị trường nhiều chương trình khuyến mãi bằng cách tặng quà, tặng lãi suất, rút thăm trúng thưởng…

Sẽ tăng lãi suất huy động trên diện rộng?

Với những động thái tăng lãi suất của các ngân hàng thời gian gần đây, và với sự nhập cuộc của các ngân hàng lớn liệu thị trường sẽ có một đợt điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi trên diện rộng hơn.

Lãnh đạo một ngân hàng cho rằng, đây chỉ là sự điều chỉnh theo tình hình thực tế tại từng ngân hàng chứ không phải cuộc đua tạo nên làn sóng tăng lãi suất như một số quan điểm lo ngại.

Do khát vốn vào dịp cuối năm và để tạo dựng niềm tin với khách hàng, những ngân hàng bị mua với giá 0 đồng, hay những ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt cũng đã đẩy lãi suất lên mức cao và luôn nằm trong top 5 các ngân hàng có mức lãi suất hấp dẫn nhất hiện nay.

Theo một chuyên gia, việc một vài ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động không đủ để cho rằng sẽ tạo ra xu hướng tăng lãi suất. Hiện nay về cơ bản thanh khoản của các ngân hàng thương mại nhìn chung khá tốt. Điều này được thể hiện qua tỷ lệ cho vay trên vốn huy động khoảng 82%, thấp hơn so với thời kỳ năm 2011 khoảng 103% và năm 2012 là 100%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thấp cũng cho thấy các ngân hàng biểu hiện còn dư địa nguồn vốn, khi NHNN cho phép các ngân hàng thương mại sử dụng 60% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn nhưng hiện nay các ngân hàng thương mại gần như không dùng hết tỷ lệ này.

Với việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động, đây là tín hiệu mừng đối với người dân có tiền nhàn rỗi. Bởi ở thời điểm cuối năm, các kênh đầu tư khác vẫn chưa nhìn thấy lãi rõ ràng. Các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, USD có độ rủi ro cao. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại làm dấy lên nỗi lo của người đi vay vốn nhất là các doanh nghiệp cần tiền để sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm.

Về việc tăng lãi suất huy động có dẫn đến tăng lãi suất cho vay, theo đánh giá với mức tăng không quá đột biết như thế này sẽ khó mà ảnh hưởng mặt bằng lãi suất cho vay. Dù áp lực tăng lãi suất cũng có nhưng trong điều kiện các doanh nghiệp khó mà chịu đựng được mức lãi suất cao hơn nữa thì giải pháp của các ngân hàng này là đẩy mạnh cho vay tiêu dùng và cho vay bất động sản. Những đối tượng này mới là những người có thể chấp nhận mức lãi suất cao hơn để được vay tiền.

Nguồn Diễn Đàn Doanh Nghiệp


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới