Hủy

“Không có vốn Trung Quốc ở dự án Formosa”

Thứ Sáu | 01/08/2014 13:37

Tuyên bố đầu tư 10 tỉ USD vào Việt Nam nhưng vốn tự có của Formosa chỉ 3 tỉ USD.
 

Xung quanh đề xuất hàng loạt ưu đãi, thành lập đặc khu... , ngày 31-7 ông Vương Văn Tường - phó tổ trưởng Ban quản lý Formosa Hà Tĩnh - có buổi trao đổi với báo chí. Ông Vương Văn Tường - phó tổ trưởng Ban quản lý Formosa Hà Tĩnh của Tập đoàn Formosa nói:

"Năm 2008 Formosa đã quyết định đầu tư ở Hà Tĩnh với mong muốn làm tổ hợp thép lớn nhất Đông Nam Á. Nghề chính của chúng tôi đúng là lọc hóa dầu, nhựa, dệt, y tế... và chưa từng có nhà máy thép. Nhưng doanh thu của Formosa chiếm khoảng 15% GDP của Đài Loan..."

Một số thông tin cho biết trong dự án Formosa có vốn của nhà đầu tư Trung Quốc và nhà thầu Trung Quốc cũng rất nhiều, ông có xác nhận điều này?

Chúng tôi biết có thông tin Formosa sẽ phải bán cho người Trung Quốc, hay người Trung Quốc đang nắm cổ phần. Tuy nhiên đến nay hoàn toàn không có một đồng nào vốn Trung Quốc ở Formosa Hà Tĩnh. Còn nhà thầu Trung Quốc khi đầu tư, chúng tôi phải tìm người có kinh nghiệm xây nhà máy thép. Và tôi tìm hiểu ở Mỹ, châu Âu, Nhật... không nước nào có dự án thép mới xây. Trong 10 năm qua, chỉ Trung Quốc có kinh nghiệm xây nhà máy thép lớn.

Khi đầu tư, Formosa đều mở thầu quốc tế, có doanh nghiệp Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tham gia. Cuối cùng chúng tôi đã chọn nhà thầu Trung Quốc có kinh nghiệm, hai khâu sản xuất quan trọng nhất trong nhà máy là luyện gang, luyện thép đều do Trung Quốc thiết kế, lắp ráp, thi công. Nhưng bên cạnh đó, gói thầu hút cát san nền doanh nghiệp Bỉ trúng thầu. Phần bảo dưỡng thiết bị Hàn Quốc trúng thầu, nhà máy luyện than cốc công ty Đài Loan trúng thầu...

Chúng tôi làm tổ hợp thép 22 triệu tấn/năm. Trước khi làm có nghiên cứu báo cáo đánh giá tác động môi trường, tính toán lượng nước mưa, nước từ nhà máy xả ra. Lượng nước này rất lớn và phải xây cống có năng lực tương đương. Đây đơn thuần là vấn đề kỹ thuật. Chúng tôi đã làm việc với Bộ Tài nguyên - môi trường về đường thoát nước này, sau khi được duyệt mới làm.


Việc Formosa đề nghị làm nhà là bán cho nhân viên Việt Nam, cán bộ nước ngoài chỉ thuê. Trong số khoảng 4.500 nhân viên vận hành nhà máy giai đoạn 1, sẽ chỉ có khoảng 600 người Đài Loan. Kỹ sư Trung Quốc đến xin việc, chúng tôi chưa tuyển ai. Việc làm nhà bán cho công nhân Việt Nam đơn thuần để khuyến khích sự gắn kết. Dự kiến cán bộ Việt Nam đến một cấp nào đó sẽ được chúng tôi bán nhà trả góp, không cần thế chấp, chỉ trừ dần lương. Đó là hình thức ràng buộc, là thiện chí thôi.

Có người nói Formosa buôn đất, nhưng tại sao chúng tôi lại buôn ở vùng nghèo như Hà Tĩnh. Muốn buôn thì chúng tôi buôn ở Hà Nội cho nhanh. Có người nói chúng tôi đề xuất hết cái nọ đến cái kia. Nhưng chúng tôi lo cho 70 năm dự án chứ không phải đợi công nhân khó khăn, kiến nghị mới làm.

Hiện Formosa đang được ưu đãi rất nhiều, như miễn tiền thuế đất 15 năm... Tại sao Formosa vẫn xin miễn tiếp cả thuế môi trường và thành lập đặc khu?

Việc đề nghị thành lập đặc khu là do cần những doanh nghiệp hỗ trợ khác vào đây hoạt động được, tạo nên một đặc khu chuyên về thép. Thực tế Formosa đầu tư khắp nơi, nhưng lần đầu tiên gặp thuế môi trường, phí tài nguyên ở Việt Nam. Lãnh đạo Formosa suy nghĩ đơn giản, chúng tôi đã nộp hết tiền thuê đất rồi, giống như tôi đã mua đất làm nhà thì nếu đào ao, lấy

đất bên này tôn bên kia, sao lại phải nộp thuế. Với dự án Formosa, chúng tôi có trên 2.000ha đất không bằng phẳng, 1.000ha mặt nước. Chúng tôi hút cát để tạo luồng tàu, rồi lấy cát đó san nền. Nhưng khi làm thì Việt Nam tính tiền, lên đến cả chục triệu USD, nên chúng tôi có kiến nghị Chính phủ và hưởng mức phí bằng 60% chứ không phải 100%.


Chúng tôi đầu tư 10 tỉ USD nhưng vốn tự có chỉ 3,5 tỉ USD, còn 6,5 tỉ USD phải đi vay. Tháng 3-2014 Formosa đã giải ngân hết 3,5 tỉ USD ở Việt Nam, điều này Ngân hàng Nhà nước có thể xác nhận, và dự tính sẽ vay 750 triệu USD tại Việt Nam. Thật ra chúng tôi không vay cũng được, vì đã vay nước ngoài 6,5 tỉ thì vay thêm 750 triệu không vấn đề gì. Vay ở Việt Nam lãi suất khá cao nhưng có thể nhanh hơn. Chúng tôi xin cơ chế Chính phủ trước, chứ chưa định vay ngay.
Formosa cho biết sẽ sản xuất thép xây dựng, thực tế đây là mặt hàng Việt Nam đang dư thừa. Formosa sẽ tiêu thụ ở đâu với lượng thép khổng lồ này?
Ban đầu chúng tôi tính đầu tư tổ hợp thép 15 triệu tấn/năm. Nhưng khi nhận được đất, chúng tôi phải tận dụng tối đa. Tư vấn nêu để lợi ích tối đa thì cần xây sáu lò cao, công suất 22,5 triệu tấn/năm. Chúng tôi đã điều chỉnh lên. Nhưng xin khẳng định chúng tôi không làm thép xây dựng. Khâu phiên dịch có thể nhầm, ghi Formosa sản xuất thép gân là sai. Chúng tôi sản xuất thép dài để sản xuất ốc vít. Hiện ốc vít Đài Loan đứng số 1 thế giới. Chúng tôi tìm hiểu thấy ASEAN có thị trường cho sản phẩm này chắc chắn tốt. Giá trị gia tăng cũng cao hơn thép xây dựng. Chúng tôi khẳng định không làm thép xây dựng.

Dự kiến khi nào nhà máy đi vào hoạt động?
Trước sự việc gây rối ngày 14-5, công trường có 26.000 người, đến nay còn 19.000 người trong khi theo lộ trình, cuối tháng 7 chúng tôi phải cần đến 30.000 người. Hiện vẫn đang thiếu bộ phận thi công người Trung Quốc. Kế hoạch là tháng 5-2015 Formosa sẽ đưa lò đầu tiên hoạt động nhưng đến nay chưa biết ngày nào có thể đi vào vận hành.

Nguồn Tuổi Trẻ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới