Hủy

Không phải đầu tư là thắng

Thứ Năm | 30/07/2015 11:39

TTCK không phải là kênh đầu tư dễ dàng với những NĐT mong muốn kiếm lời trong thời gian ngắn, bởi phải biết tính toán và có cái đầu “lạnh”.
 

Những đợt tăng “nóng” của VN Index trong thời gian gần đây đã lôi kéo thêm nhiều NĐT cá nhân nhảy vào TTCK.

Những con số ấn tượng

TTCK Việt Nam vừa chính thức bước qua mốc 15 năm hình thành bằng buổi lễ kỷ niệm hoành tráng tại HOSE. Những con số ấn tượng nhất được nhắc đến trong sự hân hoan của những người làm công tác quản lý. Giá trị vốn hóa thị trường trên HOSE hiện chiếm 88% giá trị vốn hóa toàn TTCK Việt Nam, tương đương 25,5% GDP (ước tính năm 2014). Các công ty niêm yết trên HOSE là các công ty lớn, đầu ngành, có hoạt động kinh doanh tăng trưởng ổn định.

Bên cạnh hơn 300 CP, HOSE còn niêm yết và giao dịch 1 chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETF), 38 trái phiếu công ty và chính quyền địa phương. Hiện 3 nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trên thị trường là tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; công nghiệp chế biến chế tạo; sản xuất và phân phối điện.

Phương thức giao dịch hiện đang áp dụng tại HOSE là khớp lệnh định kỳ kết hợp với khớp lệnh liên tục, được thực hiện trực tuyến giữa CTCK với HOSE. Cách thức khớp và chuyển lệnh tiên tiến đã đưa thanh khoản trên thị trường tăng cao, bình quân đạt hơn 2.100 tỷ đồng/phiên trong năm 2014. Trong số hơn 2,5 triệu tỷ đồng giá trị giao dịch CK qua 15 năm, NĐTNN tham gia chiếm trung bình 13%.

Trên thị trường sơ cấp, kể từ cuộc đấu giá bán cổ phần đầu tiên trên TTCK Việt Nam của CTCP Sữa Việt Nam (VNM) trên HOSE vào tháng 2-2005, đã có trên 350 cuộc đấu giá bán cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước được thực hiện qua HOSE, thu về hơn 70.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn, đóng góp vào việc thực hiện kế hoạch cổ phần hóa được Chính phủ đề ra.

Trên thị trường thứ cấp, kể từ khi tham gia niêm yết, các công ty đã có 963 đợt phát hành để huy động vốn hoặc trả cổ tức và thưởng cho cổ đông với hơn 17,6 tỷ CP được phát hành thêm, trong đó có 496 đợt phát hành để huy động vốn, tổng số tiền huy động được từ các đợt phát hành này đạt hơn 142.000 tỷ đồng để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc phát hành thêm đã giúp các doanh nghiệp tăng bình quân gấp đôi vốn điều lệ so với khi mới tham gia niêm yết CP trên thị trường. Đối với lĩnh vực ngân hàng, hiện có 6 ngân hàng đang niêm yết trên HOSE, đã có 27 đợt phát hành với 10,4 tỷ CP được phát hành thêm, huy động được gần 45.000 tỷ đồng (tăng 57,6% so với quy mô CP trước khi lên niêm yết).

Ai hưởng lợi?

Với những số liệu thống kê như trên, có thể khẳng định TTCK đã từng bước chứng minh vai trò huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, bên cạnh kênh truyền thống là ngân hàng. Thế nhưng, nếu đặt câu hỏi về sự thành công của những NĐT trên thị trường, đặc biệt là NĐT nhỏ lẻ, một trong những chủ thể đóng góp lớn nhất vào sự trưởng thành của TTCK, đa phần nhận được những cái lắc đầu ngao ngán. Anh Th., một NĐT bước chân vào TTCK những năm đầu tiên, cho biết những năm đầu của TTCK gần như tất cả NĐT đều thắng lớn.

Thế nhưng kể từ sau đợt suy thoái năm 2008 trở đi, TTCK đã không còn là kênh đầu tư sinh lời như suy nghĩ của nhiều người. Đã có rất nhiều NĐT bán hết nhà cửa để trả nợ và thậm chí TTCK đã trở thành nổi ám ảnh của rất nhiều người. “Ngay cả các CTCK có đội ngũ phân tích, dự báo chuyên nghiệp còn thua lỗ với mảng tự doanh, thì rất khó để NĐT nhỏ như chúng tôi kiếm lời từ TTCK” - NĐT Th. chia sẻ.

Nếu NĐT cá nhân thua lỗ, ai sẽ là người chiến thắng trên thị trường? Với TTCK còn chưa minh bạch hoàn toàn như Việt Nam, đây là câu hỏi khó, nhưng nếu đươc đề cử một đối tượng hưởng lợi nhiều nhất có lẽ phải kể đến các CTCK. Bất kể NĐT có thắng hay thua CTCK vẫn cứ “rung đùi” thu phí môi giới. Đó là chưa kể đến những khoản phí khủng khác như: tư vấn niêm yết, bảo lãnh phát hành hay đơn giản là cho NĐT vay tiền mua CK.

Từ đây lại nảy sinh một nghịch lý khác: “Nắm đằng cán” trong cuộc chơi nhưng tại sao nhiều CTCK vẫn làm ăn thua lỗ? Đây là câu hỏi không khó lý giải. Thực tế những CTCK thua lỗ phần lớn là những CTCK nhỏ, thị phần môi giới rất thấp nên doanh thu từ môi giới rất ít. Theo thống kê, thị phần môi giới CK của top 10 CTCK hàng đầu chiếm khoảng 80% tổng giá trị của toàn thị trường. Trong đó, chỉ riêng 2 CTCK đầu bảng là SSI và HSC đã chiếm hơn 20%. Do dó để bù chi phí họ sẽ đẩy mạnh hoạt động tự doanh. Tuy nhiên, với một TTCK diễn biến bất thường như TTCK Việt Nam, thua lỗ là không tránh khỏi.

Quay lại trường hợp các CTCK thu lợi khủng từ TTCK. Dù thu lời trên giao dịch của NĐT nhưng NĐT gần như “tự bơi” trên TTCK. Theo anh H., NĐT mở tài khoản tại một trong các CTCK hàng đầu, ban đầu khi mới mở tài khoản nhân viên tư vấn có gọi điện thoại tư vấn mua một số mã CP, trong đó có cả mã của CTCK anh mở tài khoản. Tuy nhiên, phần lớn những khoản đầu tư theo lời tư vấn này đều không mang lại hiệu quả. Thậm chí, anh H. còn thua lỗ nặng hơn vì sử dụng “đòn bẩy” do nhân viên môi giới khuyến nghị “mua vào sẽ thắng”.

Cũng theo anh H., vẫn còn những khoản giải ngân có lời nhưng sau khi trừ hàng loạt khoản phí như: phí môi giới, phí ứng trước và phí margin, lợi nhuận còn lại rất ít. Điều nghịch lý là ngay cả khoản tiền nhận được từ cổ tức cũng bị đánh thuế 5% dù trong ngày giao dịch không hưởng quyền, bởi trước đó giá CP đã điều chỉnh bằng đúng số tiền cổ tức mà NĐT sẽ được nhận.

Chính sách bảo vệ NĐT cá nhân

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 15 năm thành lập TTCK, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Tài chính cùng các ban ngành và các cơ quan quản lý thị trường cần thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng. Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thúc đẩy TTCK phát triển với tinh thần phải phù hợp cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Thực hiện công khai, minh bạch để TTCK hoạt động hiệu quả, lành mạnh trong điều kiện cạnh tranh quốc tế.

TTCK Việt Nam cần tiến tới trở thành một bộ phận của TTCK thế giới. Thứ hai, tổ chức quản lý doanh nghiệp tham gia thị trường hiệu quả hơn và đa dạng hóa sản phẩm để thị trường thực hiện tốt vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế. Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đưa các doanh nghiệp sau cổ phần hóa lên niêm yết để thị trường có nhiều hàng hóa hơn. Thứ ba, thực hiện tốt công tác thanh tra, giám sát để ngăn chặn tiêu cực, vi phạm pháp luật gây khó khăn cho sự phát triển của thị trường, gây ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Phát triển phải đi kèm với quản lý, giám sát thị trường, chủ động ngăn ngừa khả năng xảy ra sự cố.

Ngoài 3 giải pháp trên, nhiều chuyên gia CK cho rằng, để TTCK phát triển bền vững cần có chính sách đặc biệt hỗ trợ cho những NĐT cá nhân, chủ thể quan trọng của TTCK Việt Nam. Cụ thể, để bảo vệ quyền lợi cho NĐT CK nói chung và NĐT cá nhân nói riêng, pháp luật hiện hành đã quy định rõ các nghiệp vụ của CTCK, cách thức, trình tự thực hiện các nghiệp vụ đó để NĐT có thể tự mình giám sát hoạt động của các chủ thể này.

Mặt khác, Luật CK quy định về việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh CK tại CTCK, trích lập quỹ bảo vệ NĐT để bồi thường thiệt hại cho NĐT do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên trong công ty. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận thông tin là một trong những lợi thế và nhân tố quyết định đầu tư của NĐT. Việc cung cấp thông tin về công ty có CP, trái phiếu đang giao dịch đến NĐT được thông suốt là cơ sở cho việc hình thành giá cả công bằng nhằm bảo vệ NĐT. Thông tin được tiếp nhận đòi hỏi phải kịp thời, minh bạch và công khai đối với tất cả NĐT.

Nguồn Sài gòn đầu tư


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới