Hủy

Kinh tế Việt Nam nhìn từ bộ ba bất khả thi

Thứ Tư | 14/11/2012 21:43

Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã viện ra lý thuyết về bộ ba bất khả thi để trả lời chất vấn của đại biểu về việc siết tín dụng.
 

Trong phiên trả lời chất vấn họp quốc hội ngày hôm qua, 13/11, khi trả lời câu hỏi của đại biểu về việc siết tín dụng làm doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn theo lời nhắc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đãdẫn ra lý thuyết về "bộ ba bất khả thi", giải thích việc không thể đảm bảo đạt được cả tăng trưởng - lạm phát - tỷ giá.

Vậy "bộ ba bất khả thi" là gì?

"Bộ ba bất khả thi", theo lý thuyết, đề cập tới ba yếu tố, cho phép dòng vốn ra/vào tự do - tỷ giá hối đoái cố định - chính sách tiền tệ độc lập.

Bất kì chính phủ nào cũng không có khả năng thi hành các chính sách để cùng lúc đạt được cả ba yếu tố trên mà chỉ có thể giữ nhiều nhất hai trong số đó.

Nước nào cũng phải hi sinh ít nhất một đỉnh của tam giác tạo ra bởi 3 vấn đề phức tạp này (Hình 1).
Bộ ba bất khả thi.
Hình 1. Bộ ba bất khả thi.


Sẽ là thiếu sót nếu không nói rõ hơn một chút về những khái niệm này.

Giả sử một chính phủ nào đó đang thi hành chính sách tỷ giá hối đoái cố định bằng cách neo tỷ giá quy đổi nội tệ nước mình với ngoại tệ, ví dụ như USD, để thúc đẩy xuất khẩu và ổn định thị trường.

Đồng thời, giả sử nước này cũng cần dòng vốn bên ngoài đi vào để đầu tư, cả trực tiếp và gián tiếp. May mắn là dòng vốn thực sự đi vào.

Vấn đề xuất hiện ở đây khi lượng vốn đầu tư vào nhiều dẫn tới áp lực tăng giá đồng nội tệ xuất hiện.

Do muốn giữ tỷ giá hối đoái cố định, đơn vị quản lý tiền tệ sẽ phải bơm tiền ra nền kinh tế để giữ cho nội tệ không tăng giá. Điều này dẫn tới vi phạm chính sách tiền tệ độc lập.

Cơ chế cũng xảy ra tương tự với việc giữ hai yếu tố khác và hi sinh yếu tố còn lại.

Tình hình Việt Nam thời gian qua
Giống như lý thuyết chỉ ra, Việt Nam không thể giữ được cả 3 yếu tố trên đồng thời trong một khoảng thời gian dài và buộc phải từ bỏ một yếu tố nào đó.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam giai đoạn 2005 - 2012.
Hình 2. Dòng vốn FDI vào Việt Nam giai đoạn 2005 - 2012. Đơn vị: tỷ USD.


Như có thể quan sát trong Hình 2, lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam rất lớn ngay sau thời điểm Việt Nam gia nhập WTO năm 2007. Đi kèm với đó là chính sách tung tiền ra để đảm bảo tiền đồng không lên giá thể hiện qua tín dụng tăng (Hình 3). Kết quả là lạm phát năm 2008 tăng rất nhanh, lên mức đỉnh hơn 20%.

Từ đó, Ngân hàng Nhà nước đã thi hành nhiều biện pháp mạnh như khống chế lãi suất tiền gửi dưới mức 12% rồi mới lỏng dần về cuối năm để kiềm chế lạm phát.

Như vậy, với dòng vốn vào nhiều cộng với tung tiền ra để giữ tiền đồng không tăng giá đã làm chính sách tiền tệ không độc lập khi phải thực hiện các biện pháp bị động để kiềm chế lạm phát. Một đỉnh của tam giác bất khả thi bị hi sinh.


Hình 3. Việt Nam không thực hiện được bộ ba bất khả thi. Lạm phát và tăng trưởng GDP cột trái, đơn vị %. Tăng trưởng tín dụng cột phải, đơn vị %.

Thời gian sau đó, khi lượng vốn vào chậm dần đi và khủng hoảng kinh tế lan rộng, chính phủ phải tung ra gói kích cầu năm 2009. Giữ được chính sách tiền tệ độc lập với chính sách tài khóa và cho phép dòng vốn ra vào nhưng những nhà điều hành đã không thể duy trì được giá tiền đồng cố định. Lại một lần nữa bộ ba bất khả thi xuất hiện.

Nguồn Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới