Hủy

Lãi 3 năm, tổng công ty mới được lên tập đoàn

Thứ Hai | 01/09/2014 20:30

Nghị định 69 của Chính phủ nêu rõ điều kiện đầu tiên để tổng công ty được chuyển đổi lên hình thức tập đoàn là phải có lãi trong 3 năm.
 

Đây là quy định mới của Chính phủ về một trong những điều kiện hình thành tập đoàn kinh tế nhà nước có hiệu lực từ hôm nay (1/9). Cụ thể, theo Nghị định 69/2014 về tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, việc hình thành nên các tổ chức kinh tế này sẽ được thực hiện dưới các hình thức như: sáp nhập hoặc hợp nhất doanh nghiệp; mua lại cổ phần hoặc phần vốn góp; đầu tư, góp vốn bằng tài sản hữu hình hoặc vô hình; các hình thức liên kết khác do các doanh nghiệp tự thỏa thuận, không trái các quy định pháp luật.

Nghị định nêu rõ, Chính phủ chỉ xem xét lựa chọn tổng công ty làm nòng cốt hình thành tập đoàn kinh tế và thành lập mới các tập đoàn kinh tế, tổng công ty khi đáp ứng đầy đủ 6 điều kiện sau: Kinh doanh có lãi trong ba 3 năm liên tiếp liền kề trước năm được lựa chọn; Tình hình tài chính được chủ sở hữu đánh giá ở mức độ bảo đảm an toàn; Trình độ nguồn nhân lực và năng suất lao động cao hơn mức trung bình của các doanh nghiệp khác hoạt động trong cùng ngành, lĩnh vực hoạt động; Trình độ trang thiết bị, công nghệ ở mức tiên tiến; quản lý hiện đại; Quản lý có hiệu quả cổ phần, phần vốn góp tại các doanh nghiệp khác và hoạt động trong phạm vi toàn quốc và ở nước ngoài.

Một nghị đinh khác có hiệu lực từ giữa tháng 9 là quy định xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh. Theo đó, mức tiền phạt tối đa đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh khác là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Trong đó, hành vi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác trong một năm vượt quá 40% doanh thu bán hàng đa cấp trong năm đó của doanh nghiệp bán hàng đa cấp thì sẽ bị phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng.

Phạt tiền doanh nghiệp bán hàng đa cấp từ 60 - 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hoá dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải trả thêm một khoản tiền dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền duy trì, phát triển hoặc mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp của mình;...

Theo Nghị định 70/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối, từ 5/9/2014, người cư trú, người không cư trú là cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người, cho, tặng, thừa kế, bán cho tổ chức tín dụng được phép, chuyển, mang ra nước ngoài theo các quy định tại Nghị định này, thanh toán cho các đối tượng được phép thu ngoại tệ tiền mặt.

Người cư trú là công dân Việt Nam được sử dụng ngoại tệ tiền mặt để gửi tiết kiệm ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép, được rút tiền gốc, lãi bằng đồng tiền đã gửi.

Liên quan đến quản lý ngoại hối trong kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng, Thông tư 15/2014 của Ngân hàng Nhà nước quy định mệnh giá của đồng tiền quy ước ghi bằng đồng Việt Nam hoặc bằng một loại ngoại tệ chuyển đổi. Doanh nghiệp thực hiện quy đổi mệnh giá đồng tiền quy ước sang đồng Việt Nam hoặc các loại ngoại tệ. Tỷ giá chuyển đổi căn cứ theo tỷ giá niêm yết của ngân hàng được phép nơi doanh nghiệp mở tài khoản chuyên dùng ngoại tệ.

Người chơi được đổi đồng tiền quy ước ra ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam trong trường hợp không chơi hết hoặc trúng thưởng bằng đồng tiền quy ước tại doanh nghiệp và được sử dụng số ngoại tệ đổi từ đồng tiền quy ước để thực hiện các giao dịch quy định.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định, phạm vi thu, chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác đối với doanh nghiệp; mở và sử dụng tài khoản chuyên dùng ngoại tệ;…

Ngoài ra, theo Thông tư số 119 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 1/9 về cải cách, đơn giản thủ tục hành chính thuế sẽ bỏ quy định khai và tính thuế GTGT đối với hàng hóa, bán sản phẩm tiếp tục quá trình sản xuất kinh doanh đối với hàng hóa xuất khẩu bị trả lại hoặc phải nhập khẩu khẩu trở lại.

Thông tư quy định bỏ mức 1 tỷ đồng về điều kiện tài sản, máy móc, thiết bị đầu tư, mua sắm đối với doanh nghiệp mới thành lập để đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế. Bỏ điều kiện hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong điều kiện hồ sơ, thủ tục hoàn thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; Bỏ quy định phải lập hóa đơn, kê khai, tính nộp thuế đối với xuất máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa dưới hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả nếu có hợp đồng và chứng từ liên quan đến giao dịch phù hợp.

Theo Bộ Tài chính, việc loại bỏ những nội dung nói trên sẽ giảm được hơm 200 giờ tính thuế, khai thuế cho doanh nghiệp.

Nguồn VnExpress


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới