Hủy

Logistics thương mại điện tử: Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu

Thứ Hai | 25/11/2019 18:00

BEST Inc. hợp tác với BW xây dựng trung tâm phân loại tự động lớn nhất Việt Nam

Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh thứ hai, chỉ sau Indonesia...
 

Cuộc chiến về kho vận hậu cần giữa các “ông lớn” thương mại điện tử đang ngày càng trở nên khốc liệt trong bối cảnh ngành logistic được hoạch định chiến lược sẽ trở thành dịch vụ mũi nhọn của TP.HCM với tỉ lệ đóng góp lên mức 8% - 10% GDP, tăng trưởng 15% - 20%.  Đồng thời hình thành dịch vụ logistics chuyên nghiệp, giúp nâng tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics lên mức 50% - 60%, góp phần giảm chi phí logistics của Việt Nam xuống còn 16% GDP vào năm 2025.

Tháng trước, BEST Inc. - nhà cung cấp dịch vụ logistics thông minh hàng đầu Trung đã chính thức ra mắt dịch vụ chuyển phát bưu kiện và logistics tại Việt Nam bằng một buổi lễ khai trương tại thành phố Hồ Chí Minh. Johnny Chou, nhà sáng lập, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của BEST Inc. phát biểu, “Chúng tôi đang xây dựng trung tâm phân loại tự động có diện tích lớn nhất Việt Nam thông qua việc hợp tác với Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp BW, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 4 năm 2020. Trung tâm khai thác có cơ sở hạ tầng rộng 4,5 hecta với công nghệ tự động hóa tiên tiến, bao gồm dây chuyền phân loại hàng hóa tự động tốc độ cao.”

Trong khi đó, công ty cổ phần dịch vụ giao hàng nhanh (GHN) cũng vừa công bố hệ thống phân loại hàng hóa hoàn toàn tự động với công suất 30.000 đơn hàng/giờ tại kho của GHN tại Hà Nội.

Shopee, một trong các sàn thương mại điện tử hàng đầu tại Đông Nam Á và Đài Loan, đã ký kết hợp tác chiến lược với đơn vị cho thuê kho xưởng hàng đầu BW vào tháng 8 vừa qua để phát triển kho hoàn tất đơn hàng thứ ba của họ tại Việt Nam “Đầu tư, phát triển kho vận là một trong những tiền đề cho việc mở rộng quy mô và phát triển vững mạnh của thương mại điện tử. Hiểu được tầm quan trọng của công tác vận hành, kể từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, Shopee đã có những kế hoạch đầu tư và đưa vào hoạt động hai kho hoàn tất đơn hàng tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Chúng tôi kỳ vọng hợp tác chiến lược với BW sẽ mang đến chuỗi cung ứng cũng như dịch vụ tốt hơn cho người dùng Shopee, đồng thời củng cố vững chắc vị thế cạnh tranh của Shopee trong thị trường thương mại điện tử.” ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam cho hay.

Theo số liệu của trang retailnews.asia, tính tới năm 2021 sẽ có 42 triệu người dùng thương mại điện tử, tăng 18% trong hai năm qua các kênh mua sắm trực tuyến tại Việt Nam, chiếm gần 60% tổng dân số.

Vào tháng 1, Bộ Công Thương Việt Nam đã ký kết hợp tác với Amazon nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới bán hàng quốc tế của Amazon Global Selling. Việc hợp tác này sẽ tạo cơ hội tiếp cận với hơn 300 triệu cơ sở dữ liệu khách hàng và giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các đại lý mua hàng sỉ từ các thị trường quốc tế.

Theo báo cáo mới nhất của Google và Temasek, ngành thương mại điện tử Việt Nam dự đoán sẽ đạt mốc 15 tỉ đô la vào năm 2025, với tốc độ phát triển hàng năm là 43% từ năm 2015 đến năm 2025. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh thứ hai, chỉ sau Indonesia.

Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam cho biết sự phát triển của thương mại điện tử sẽ tạo áp lực ngày càng tăng lên hệ thống logistics, chuỗi cung ứng, các kênh phân phối và bán lẻ, cũng như hệ thống nhà xưởng/nhà kho. Các thương hiệu bán lẻ trực tuyến lớn phải không ngừng cải thiện mình để có thể cung cấp những trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho khách hàng.

Trong khi đó, chất lượng kho bãi tại Việt Nam vẫn chưa thể bắt kịp nhu cầu của các nền tảng thương mại điện tử lớn cũng như các công ty dịch vụ logistics quốc tế. Nelson Wu, Tổng giám đốc của BEST Inc. Việt Nam nói rằng khi mới đến Việt Nam, ông đã đi thăm quan 50 địa điểm và tiếp xúc với hơn 10 đơn vị giới thiệu kho xưởng trước khi gặp được BW và quyết định hợp tác. “Tất cả các dịch vụ chúng tôi cung cấp đều yêu cầu cơ sở vật chất hiện đại được cung cấp bởi các nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp. Tuy nhiên, mặc dù ngành công nghệ số và thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển vũ bão – cũng là lý do chúng tôi đầu tư thị trường này, các sản phẩm bất động sản có thể đáp ứng nhu cầu của các công ty đa quốc gia là rất hiếm,” ông Wu chia sẻ.

Ngoài ra, tính cấp thiết của logistic trong thương mại điện tử đã thúc đẩy sự phát triển của kho vận hậu cần nói chung và kho hoàn tất đơn hàng nói riêng. Điều này lý giải vì sao các ông lớn trong ngành thương mại điện tử tại Việt Nam như Lazada, Tiki hay Sendo xây dựng kho hoàn tất đơn hàng riêng để duy trì chất lượng dịch vụ và tối ưu hóa chi phí quản lý logistics.

Ông C.K. Tong, Giám đốc điều hành của BW cho biết, ““Với sản phẩm nhà kho chất lượng cao như chúng tôi đã phát triển cho Shopee hay BEST Inc., BW kỳ vọng tạo ra khái niệm mới về “kho vận thông minh” tích hợp các yếu tố địa điểm, thiết kế và tự động, hỗ trợ khách hàng của chúng tôi đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người sử dụng dịch vụ. Tôi tin rằng, thời điểm tạo ra những chuẩn mực mới về chuỗi cung ứng tại Việt Nam đã tới, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế tiêu dùng”.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới