Hủy

Lúa gạo Việt Nam được gọi là "ngọc", sao giá trị không cao?

Thứ Hai | 05/01/2015 09:16

Hiện Việt Nam chưa có thương hiệu mạnh nên giá trị gia tăng mang lại chưa cao.
 

ĐBSCL chiếm 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước nhưng thực tế cho thấy số đông người trồng lúa nơi đây vẫn chưa có thể làm giàu từ cây lúa. Trong đó, xuất khẩu lúa gạo 2014 thuộc top đầu thế giới với khoảng 6,5 triệu tấn nhưng gạo Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu mạnh nên giá trị gia tăng mang lại chưa cao. Nâng cao đời sống người trồng lúa, xây dựng thương hiệu lúa gạo và tạo giá trị gia tăng tốt hơn cho hạt gạo Việt đã và đang là nỗi trăn trở của người dân, nhà khoa học, nhà quản lý.

Kết thúc năm 2014, tín hiệu vui khi gạo Việt Nam đã được xuất khẩu sang 135 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bao gồm cả những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hongkong, Singapore. Trong đó, thị trường Châu Á chiếm gần 77%. Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường đã qua trong công tác sản xuất và xuất khẩu lúa gạo cho thấy gạo Việt Nam số lượng nhiều nhưng chất lượng thấp, giá thành cao nên xuất khẩu thiếu tính cạnh tranh, chưa hấp dẫn các nhà nhập khẩu cũng như thu hút đầu tư vào Việt Nam.
Ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam cho rằng, nguyên nhân khiến giá gạo Việt Nam ngày càng giảm là do không có thương hiệu, chất lượng thấp với hơn 70% sản lượng gạo phẩm chất thấp. Chính vì thế, rất khó “chen chân” vào phân khúc thị trường gạo cao cấp. Trong khi đó, phân khúc gạo cấp trung, cấp thấp lại có nhiều quốc gia cùng cạnh tranh, dẫn đến Việt Nam phải giảm giá bán, lợi nhuận vì thế cũng teo tóp.

Ông Huỳnh Thế Năng nói: “Dòng sản phẩm gạo trắng, thường gọi là gạo thông dụng cho 5%, 15% và 25% có thể nói đang bị thách thức trong ngắn hạn và trung hạn. Thị trường gạo thơm của Việt Nam mình đã và đang đi theo con đường riêng. Tuy nhiên, trong đó có yếu tố thuận lợi và cả thách thức. Chính vì thế, mình phải nỗ lực củng cố để tạo ra số lượng ổn định, chất lượng đảm bảo và giá cả cạnh tranh”.

Xác định tương lai trong xuất khẩu lúa gạo, đến năm 2022, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới, sau Thái Lan. Tuy nhiên, vị trí này đang chịu sự cạnh tranh của một số nước đang đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo như: Ấn Độ, Pakistan, Hoa Kỳ và cả Myanmar, Campuchia…

Mục tiêu trong xuất khẩu đã rõ, nhưng thực tế sản xuất trong nước vẫn còn nhiều bất cập, công sức lao động bỏ ra của người nông dân chưa tương xứng với thực chất mà họ được hưởng.

PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu - Phát triển ĐBSCL cho biết: Nếu tính bình quân diện tích trồng lúa trên đầu người tương ứng với thu nhập từ cây lúa như hiện nay, người dân trồng lúa ở gần với ngưỡng nghèo. Nếu chỉ tính hệ thống phân phối thì chỉ có khoảng 7% nông dân bán được trực tiếp gạo cho doanh nghiệp. Còn lại hạt gạo phải đi qua nhiều khâu trung gian. Cộng với đó, chi phí sản xuất chỉ theo chiều hướng tăng nên lợi nhuận người dân được hưởng ngày càng teo tóp.

Ông Nguyễn Văn Sánh khẳng định: “Chúng ta phải cải tiến cách tổ chức nâng cao năng lực và sự chọn lựa của người dân ra sao trong việc giảm giá thành sản xuất. Sản xuất như vậy mới bảo đảm trước khi chúng ta nói câu chuyện khác. Theo tôi, hiện nay tổ chức HTX ở ĐBSCL so với cả nước còn hạn chế như về số lượng. Tổ chức HTX thành công cần 4 yếu tố. Do đó, cần chỉnh lại việc cải tiến cách hoạt động của HTX hiệu quả. Lúc đó, nông dân từ từ mới gỡ được 3 cái khó. Chúng ta nên từng bước mới nối kết doanh nghiệp trong cánh đồng lớn”.

Phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế cho thấy thời gian qua, nhiều tiềm năng của vùng vẫn chưa được khai thác và phát huy đầu tư đúng với tầm vóc. Trong số 850 dự án có vốn đầu tư nước ngoài vào vùng ĐBSCL với tổng vốn 11 tỷ USD, lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm 6% số dự án và chiếm 2% tỷ trọng vốn. Một số tín hiệu khả quan trong việc mời gọi các nhà đầu tư tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa đủ sức lan tỏa để tạo sự “tỏa sáng” trong nông nghiệp.

Trong khi đó, những dự báo cho thấy sản xuất lúa ở ĐBSCL ngày càng khó khăn hơn vì đất nông nghiệp bị thu hẹp, áp lực dịch bệnh tăng, biến đổi khí hậu ngày càng nhận diện rõ. Do vậy, giải pháp phát triển thị trường lúa gạo có thể xem là biện pháp lâu dài để kích thích và ổn định sản xuất, giảm thiểu rủi ro cho nông dân và gia tăng lợi nhuận.

Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, việc cần thiết trước nhất là nghiên cứu chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, tìm giải pháp nâng cao chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, xử lý thu hoạch, bảo quản tồn trữ, bảo đảm chất lượng, cơ sở hạ tầng, lưu thông phân phối…. tạo cơ chế cân đối, phát huy tối đa lợi nhuận  của chuỗi giá trị và kế đến là xây dựng thương hiệu lúa gạo.

Với việc xác định mục tiêu sản xuất lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, thời gian tới, nhà nước cần có chính sách thích hợp cho người trồng lúa để tạo sức hút cho người nông dân quan tâm nhiều hơn với nghề. Bởi nếu viễn cảnh trồng lúa thường gặp nhiều rủi ro, thu nhập không đủ sống thì tình trạng nông dân quay lưng với cây lúa sẽ là một điều khó tránh khỏi.

Một tín hiệu đáng phấn khởi trong năm 2014 là từ những mô hình thử nghiệm, cánh đồng mẫu lớn đã phát huy giá trị, mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân và tạo giá trị lớn hơn cho hạt gạo Việt. Chính vì thế, cần có chính sách thỏa đáng hơn để phát huy cách làm mang tính bền vững này; đồng thời khoa học công nghệ cần đóng vai trò then chốt để phát huy giá trị.

Có như vậy, chúng ta mới giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng hạt gạo và có thị trường tiêu thụ, lợi nhuận tăng. Từ đó, ngành lúa gạo mới có thể phát triển theo chuỗi giá trị và bền vững.

Nguồn VOV


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới