Hủy

Lượng tiêu thụ bia của Việt Nam giảm 7,5% do tăng thuế

Thứ Ba | 30/09/2014 20:15

Theo IPSI, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia từ 45% lên 50% khiến sản lượng tiêu thụ bia Việt Nam giảm 7,5%.
 

Ngày 30/9/2014 tại Hà Nội, Viện nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp (IPSI) - Bộ Công thương tổ chức công bố Báo cáo về "Vị trí vai trò của ngành bia trong phát triển kinh tế xã hội Việt Nam".

Báo cáo đưa ra dự báo những tác động có tính hữu cơ nhiều mặt của chính sách ảnh hưởng hoạt động đầu tư - sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành sản xuất bia, đồng thời ảnh hưởng tới xu hướng tiêu dùng của người dân cũng như tới hiệu quả đóng góp của đối với nền kinh tế.

Theo ông Dương Đình Giám, Viện trưởng IPSI, ngành bia là ngành sản xuất quan trọng trong sản xuất công nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội nói chung, thông qua tỷ trọng đóng góp lớn cho nguồn thu của nhà nước và tạo nhiều việc làm cho xã hội.

Theo số liệu thống kê được báo cáo đưa ra, năm 2013, tổng giá trị gia tăng tạo ra bởi chuỗi giá trị ngành bia đạt gần 50.000 tỷ đồng, trong đó, riêng khu vực sản xuất bia tạo ra 30.090 tỷ đồng, các hoạt động đầu vào của sản xuất đóng góp 7.500 tỷ đồng, các hoạt động đầu ra gần 12.500 tỷ đồng. Số người lao động tham gia trực tiếp vào khu vực sản xuất đạt khoảng 14.330 người và trên 280.000 lao động tham gia vào hoạt động của hệ thống phân phối, dịch vụ và các ngành công nghiệp hỗ trợ khác.

Năm 2012, các doanh nghiệp ngành bia nộp ngân sách 19.135 tỷ đồng, năm 2013 đạt gần 21.000 tỷ đồng, chiếm gần 4,5% số thu ngân sách nhà nước trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, các nguồn thu khác từ hoạt động chuỗi giá trị ngành bia ước đạt 14.150 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo IPSI, phân tích số liệu giữa quý I/2013 với quý I/2014, khi áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 50%, tức là tăng 5 điểm phần trăm so với thời gian trước năm 2013, kết quả cho thấy, mặc dù GDP trong quý I/2014 tăng 4,96%, đạt mức cao nhất trong 3 năm vừa qua, nhưng các chỉ tiêu đóng góp trực tiếp và gián tiếp của ngành bia lại sụt giảm.

Cụ thể sản lượng sản xuất giảm 8,2%, sản lượng tiêu thụ giảm 7,5%, tổng số lao động giảm 10%, tổng giá trị gia tăng liên quan đến ngành bia giảm 1%. Theo đó, các nguồn thu từ bia cũng giảm như nguồn thu thuế VAT từ dịch vụ giảm 10% do sản lượng và lượng bia tiêu thụ tại các cửa hàng đều giảm, nguồn thu VAT từ bán lẻ cũng giảm 3% do lượng tiêu thụ của người dân giảm bởi tác động tăng giá từ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.

"Điều này cho thấy ngành bia chịu những tác động khá lớn và rất nhanh từ việc tăng thuế, đặc biệt là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt", ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính nhận định và cho biết, lộ trình tăng thuế đối với ngành bia theo các cam kết hội nhập từ Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các Hiệp định thương mại song phương FTA mà Việt Nam đã và sẽ tham gia ký kết, bắt đầu từ đầu năm 2015 đến 2018, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành sản xuất bia sẽ tăng từ mức 50% hiện nay lên mức 65%.

Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt này dự báo sẽ mang lại những tác động trực tiếp đến ngành bia từ đầu năm tới. Theo đó, sẽ làm giảm sản lượng bia sản xuất, lượng tiêu thụ, giảm doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất.

Bên cạnh đó, theo phân tích tại Báo cáo, ngành bia còn chịu tác động từ một nhân tố nữa là các mặt hàng bia nhập khẩu rẻ hơn từ nước ngoài. Theo ông Giám, hiện nay, bia nhập khẩu đang chịu mức thuế nhập khẩu 45%, thuế tiêu thu đặc biệt 50% và thuế VAT 10%. Khi Việt Nam tham gia vào các Hiệp định Thương mại tự do trong những năm tới, dự báo nhiều dòng thuế sẽ được bãi bỏ cho các loại bia nhập khẩu. Số thuế nhập khẩu và thuế GTGT sẽ được giảm trừ một khi Hiệp định TPP có hiệu lực.

"Khi đó, bia nhập khẩu từ các nước ký kết TPP sẽ trở nên rẻ hơn so với bia sản xuất nội địa tại thị trường Việt Nam. Do đó, sẽ có sự gia tăng của bia nhập khẩu và giảm sút sản lượng của bia nội, theo đó sẽ có tác động lớn tới các nhà sản xuất bia, nhà phân phối và dịch vụ trung gian của Việt Nam", ông Giám cho biết.

Để giảm bớt tác động tiêu cực tới ngành sản xuất bia nội địa, Báo cáo đề xuất, việc thay đổi chính sách cần có lộ trình 3 - 5 năm để doanh nghiệp và người tiêu dùng kịp thích nghi. Mức thuế đối với bia và rượu cũng cần phù hợp với đối tượng cần hạn chế hoặc ngược lại khuyến khích tiêu dùng.

Nguồn Đầu tư Chứng khoán


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới