Hủy

Lý giải nguyên nhân Việt Nam "sùng bái vàng"

Thứ Tư | 05/06/2013 17:28

Standard Chartered cho rằng yếu tố văn hóa, lạm phát cao và đồng tiền yếu khiến nhu cầu vàng ở Việt Nam ở mức cao.
 

Nhóm nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng Standard Chartered mới đây đã công bố báo cáo cập nhật về tình hình thị trường vàng Việt Nam.

Báo cáo có đoạn viết, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 4 tại châu Á sau Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan. Điểm đặc biệt ở Việt Nam đó là vàng, USD và tiền đồng đều được sử dụng rộng rãi như tiền tệ. Vàng vừa được dùng như một loại tiền, vừa như một phương tiện cất giữ, trong một số trường hợp, vàng thậm chí còn được coi trọng hơn cả tiền giấy.

"Trong suốt quá trình lịch sử, vàng luôn có một sức hấp dẫn đặc biệt với người Việt Nam, được sử dụng rộng rãi cho mục đích đầu tư và là phương thức thanh toán thay thế tiền mặt trong những giao dịch lớn. Trong những năm gần đây, vàng còn được sử dụng như một biện pháp chống lại lạm phát và suy thoái kinh tế", nhóm nghiên cứu nhận định.

Theo nhóm nghiên cứu, về khía cạnh tiêu cực, việc tích trữ vàng với số lượng lớn tại Việt Nam đã tác động tiêu cực đến cán cân thương mại (do nhập khẩu vàng với khối lượng lớn), đồng thời, tạo áp lực mất giá lên tiền đồng do người dân có xu hướng dùng đồng nội tệ để mua vàng.

Lý giải nguyên nhân vì sao nhu cầu vàng tại Việt Nam ở mức cao, Standard Chartered cho rằng có 3 nhóm nguyên nhân chính.

Yếu tố văn hóa

Từng trải qua một thời kỳ chiến tranh kéo dài từ thập kỷ 50 đến thập kỷ 70 của thế kỷ trước, người Việt đã thấm thía sự nghèo đói và thất nghiệp. Nhiều người coi vàng là một phương tiện tích lũy đáng tin cậy và vẫn tiếp tục mua vào dù giá cả bất ổn.

Theo khảo sát của Standard Chartered, phần lớn người dân Việt Nam giữ vàng miếng và trang sức bằng vàng tại nhà, chỉ một lượng vàng nhỏ được gửi tại ngân hàng. Theo ước tính của Hiệp Hội Vàng thế giới, tổng lượng vàng tích trữ tại Việt Nam hiện đạt khoảng 1000 tấn, tương đương 45% GDP, trong khi đó, tại đa số các nước khác trên thế giới, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 3% GDP.

Lạm phát cao

Lạm phát tăng quá nhanh trong những năm gần đây đã khiến người Việt lao vào giữ vàng. Chỉ trong vòng 5 năm, Việt Nam đã phải đối mặt với 2 đợt lạm phát cao. Tỷ lệ lạm phát đạt đỉnh 23% vào tháng 8/2011, và NHNN đã phải mất gần một năm để đưa tỷ lệ này xuống dưới 10%.

Nắm giữ vàng như hầm trú ẩn an toàn trước những rủi ro lạm phát và tác động do sức mua sụt giảm được coi là một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ tài sản. Cũng có chung nhận định như vậy, những người sở hữu đất hiện nay thường định giá đất bằng vàng (song song với VND) nhằm tránh tình trạng mất giá.

Đồng tiền yếu

Do thiếu niềm tin vào đồng nội tệ, người Việt trở nên ưa chuộng vàng và USD. Kể từ cuối năm 2008, tiền đồng đã bị mất giá 23% do áp lực lạm phát và nền kinh tế có vị thế yếu trên trường quốc tế. Điều này đã là suy giảm niềm tin và nhu cầu đối với đồng nội tệ, dẫn đến tiền đồng đã yếu càng trở nên yếu hơn. Bài học mà người Việt rút ra được từ giai đoạn khắc nghiệt này đó là nên nắm giữ các loại “tiền tệ mạnh”, như vàng và USD.

Nguồn Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới