Hủy

M&A 2016: Giữ đà tăng trưởng

Thứ Tư | 21/12/2016 07:30

Tính đến đầu tháng 12, tổng giá trị các thương vụ M&A trên thị trường Việt Nam đã đạt xấp xỉ 5,1 tỉ USD.
 

2016 tiếp tục là năm sôi động của các giao dịch mua bán - sáp nhập (M&A) tại Việt Nam. Theo thống kê của Viện Mua lại, Sáp nhập và Liên kết (IMAA), cho đến đầu tháng 12, thị trường Việt Nam đã ghi nhận gần 5,1 tỉ USD tổng giá trị các thương vụ M&A. Hiện vẫn còn một số thương vụ đang được hoàn thành. Nếu hoàn tất đúng dự kiến, tổng giá trị M&A cho cả năm sẽ đạt đến 5,3 tỉ USD, tương đương với kỷ lục năm 2015. Một điểm đáng chú ý khác là tổng số thương vụ mua bán trong năm nay nhiều hơn đáng kể so với năm trước đó, đạt đến 611 thương vụ. “Tổng số lượng giao dịch ghi nhận con số kỷ lục mới, khi tăng 15% so với năm trước, ngược lại với xu thế của thế giới là đi xuống”, Tiến sĩ Christopher Kummer, Chủ tịch IMAA, chia sẻ với NCĐT.

Mặc dù vậy, nếu tính trên giá trị trung bình của mỗi thương vụ thì giá trị đầu tư vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ 8-9 triệu USD. Quy mô này xem ra cũng phù hợp với chiến lược đầu tư của phần lớn các quỹ như Mekong Capital, VinaCapital tại thị trường Việt Nam.

Dễ thấy 2016 là năm khá thất vọng đối với kết quả cổ phần hóa khu vực doanh nghiệp nhà nước khi tốc độ diễn ra không như kỳ vọng. Trái lại, khu vực tư nhân và nhất là các giao dịch mua bán tài sản qua lại giữa các nhà đầu tư nước ngoài đã diễn ra rất sôi động. Theo đánh giá của IMAA, các lĩnh vực mua bán nhộn nhịp nhất trong năm nay là các ngành công nghiệp, vật liệu và hàng tiêu dùng. Nếu xét về giá trị, bán lẻ và bất động sản là hai ngành dẫn đầu.

Điển hình cho các thương vụ M&A năm nay là sự kiện Tập đoàn Thái Lan Central Group thâu tóm chuỗi siêu thị Big C tại Việt Nam với giá trị 1,14 tỉ USD. Trên thị trường địa ốc, các nhà đầu tư Nhật, Hàn Quốc và Singapore đã thực hiện nhiều thương vụ chuyển nhượng với giá trị hàng chục đến hàng trăm triệu USD như Tập đoàn Keppel Land (Singapore) mua 40% cổ phần trong liên doanh phát triển dự án Empire City với giá trị gần 95 triệu USD hay CapitaLand chi 52 triệu USD mua lại dự án VRG River View từ Tập đoàn Cao su Việt Nam.

Hòa cùng xu thế đó, các doanh nghiệp địa ốc trong nước như Novaland, Vạn Thịnh Phát, Hưng Thịnh hay Đất Xanh cũng mạnh tay mua lại các dự án dở dang có tiềm năng của các đối tác để mở rộng quy mô tài sản.Nổi bật trong năm qua là các thương vụ M&A trên phân khúc khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng như VinaCapital chuyển nhượng 50% cổ phần trong khách sạn Metropole cho nhóm các nhà đầu tư mới; Pan Pacific mua dự án Sofitel Plaza Hà Nội hay Mapletree thâu tóm khách sạn Kumho Asiana tại trung tâm Quận 1 (TP.HCM).

Theo hãng tư vấn bất động sản JLL Việt Nam, yếu tố tích cực thúc đẩy hoạt động M&A ở Việt Nam chính là triển vọng lạc quan của nền kinh tế khi tăng trưởng GDP được duy trì ở mức cao. Việt Nam với 70% dân số trong độ tuổi 15-64, thu nhập khả dụng gia tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh đặc biệt ở Hà Nội và TP.HCM cũng góp phần làm gia tăng tính hấp dẫn đối với thị trường bất động sản.

Đón đầu các hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp chế biến sản xuất trong và ngoài nước đã thâu tóm nhiều doanh nghiệp để mở rộng chuỗi kinh doanh theo cả chiều dọc lẫn chiều sâu. Taisho Pharmaceutical, chẳng hạn, chi 100 triệu USD mua 24,4% cổ phần của Dược Hậu Giang; Masan mua 24,9% cổ phần của Vissan; Tập đoàn JX Nippon Oil & Energy (Nhật) mua 8% cổ phần của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có giá trị 183 triệu USD; hay Hoàng Anh Gia Lai bán lại mảng mía đường cho Tập đoàn Thành Thành Công.

Hiện thị trường M&A tại Việt Nam có quy mô đứng vị trí 15 trên thế giới, một bước tiến lớn nếu biết rằng cách đây hơn 10 năm, giá trị các thương vụ M&A ở Việt Nam chỉ vài trăm triệu USD. Nhưng có một chút hối tiếc cho năm nay. Nếu như các thương vụ cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như Mobifone, Sabeco, Habeco...được triển khai quyết liệt hơn thì giá trị M&A trong năm nay sẽ vượt xa so với năm ngoái, thậm chí có thể đạt đến kỷ lục mới: 6 tỉ USD. Mặc dù vậy, các thương vụ này đang được Chính phủ xúc tiến trở lại và sẽ đóng góp tích cực cho kết quả M&A năm sau.

Sự sôi động của thị trường M&A trong năm qua thực sự là một gam màu sáng, giúp giải tỏa phần nào áp lực khi dòng vốn đầu tư đang có khuynh hướng rời bỏ các thị trường mới nổi để quay trở lại Mỹ, cũng như phản ánh khá rõ niềm tin của các nhà đầu tư vào tiềm năng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam. Chỉ số chứng khoán VN-Index đã tăng trưởng hơn 14% tính đến đầu tháng 12.2016, trở thành một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất trong khu vực.

Khép lại một năm khá thành công, sang năm 2017, thị trường sẽ đón chờ  các thương vụ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được lên kế hoạch từ trước, cùng một số thương vụ mới đáng chú ý như IPO nhà máy lọc dầu Dung Quất, M&A trên lĩnh vực ngân hàng, IPO các tổng công ty phát điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cổ phần hóa Tổng Công ty Bến Thành... Những thương vụ này được dự báo sẽ giúp thị trường tiếp tục sôi động.

Các tập đoàn nước ngoài cũng sẽ vẫn nhìn vào các lĩnh vực tiềm năng của Việt Nam như bán lẻ, bất động sản, năng lượng, logistics, y tế và chăm sóc sức khỏe, hạ tầng giao thông... để thực hiện các thương vụ thâu tóm tài sản. Gần đây quỹ đầu tư Winburg Pincus đã thành lập một quỹ mới trị giá 300 triệu USD để đầu tư vào các chuỗi khách sạn và resort của Việt Nam.

 “Trong dài hạn, chúng ta có thể nhìn thấy làn sóng M&A tiếp tục duy trì tại Việt Nam. Thị trường cũng đón nhận một số cơ hội mới, vì các doanh nghiệp Việt đang nhìn thấy công cụ M&A như là một cách thức để gia tăng quy mô kinh doanh bên ngoài Việt Nam, cộng với việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước”, ông Christopher Kummer, IMAA, nhận xét.

Nhưng thách thức cho thị trường M&A tại Việt Nam vẫn không nhỏ, nhất là khâu pháp lý phức tạp và công tác định giá doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Một câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khó thông qua tại Mỹ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động M&A của Việt Nam?

“Tôi cho rằng chúng ta cần chờ thêm thời gian để nhìn thấy hiệu ứng cũng như các quyết định mà ông Donald Trump có thể làm một khi bước vào Nhà Trắng. Có một điều chắc chắn là các chính sách kinh tế của Mỹ sẽ khó dự đoán hơn và sẽ tác động lớn đến các quốc gia khác, gồm cả Việt Nam”, ông Kummer nói.

Nguyễn Sơn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới