Hủy

Mía đường Thái Lan trước thềm hội nhập

Thứ Tư | 15/07/2015 14:37

Bí quyết nào đã giúp cho Thái Lan trở thành nước Đông Nam Á duy nhất có xuất khẩu ròng đường?
 

Thái Lan là một trong những nước có nền nông nghiệp phát triển trong khu vực châu Á. Đặc biệt, ngành mía đường Thái Lan trong những năm gần đây đã vươn lên mạnh mẽ và trở thành đối thủ cạnh tranh của các nước sản xuất mía đường trong khu vực nhờ giá thành sản xuất thấp và chất lượng cao.

Là nước xuất khẩu ròng đường duy nhất ở Đông Nam Á, 4 năm trở lại đây, mỗi năm Thái Lan sản xuất từ 8 - 11 triệu tấn đường. Trong đó, 70 - 75% sản lượng đường này được dùng để xuất khẩu. Bên cạnh sự ưu ái của điều kiện tự nhiên, các chính sách đầu tư, quản lý và điều hành ngành đường khá tốt của Chính phủ Thái Lan cũng góp phần quan trọng đưa Thái Lan vươn lên trở thành nước sản xuất và xuất khẩu đường lớn của khu vực.

Vào những năm 1984 -1988, ngành đường Thái Lan cũng gặp nhiều khó khăn như Việt Nam bây giờ. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Thái Lan đã khuyến khích các nhà máy đường dịch chuyển về khu vực Đông Bắc bằng các chính sách ưu đãi để sáp nhập, nâng công suất nhà máy, đồng thời đầu tư đồng bộ cho vùng mía nguyên liệu. Chính phủ Thái Lan ngưng cấp giấy phép cho các nhà máy đường mới, nhưng các công ty mía đường có thể tháo dỡ nhà máy để xây dựng lại nhà máy mới có công suất lớn hơn tại khu vực khác có tiềm năng hơn. Đây là những thay đổi quan trọng đối với việc tái cơ cấu ngành mía đường, dẫn đến sản lượng mía tăng mạnh, đặc biệt là tại khu vực Đông Bắc.

Năm 1984, Chính phủ Thái Lan ban hành Luật Mía đường tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu và phân chia lợi nhuận giữa người trồng mía, nhà máy đường và các quỹ hỗ trợ cho hoạt động của ngành mía đường. Hội đồng Mía và Đường (OCSB) là cơ quan trực thuộc Bộ Công nghiệp Thái Lan. OCSB được thành lập theo Luật Mía đường 1984 và là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc hoạch định chính sách và kế hoạch phát triển ngành mía đường; giám sát sản xuất và tiêu thụ mía đường phù hợp với quy định của pháp luật; điều phối các hoạt động hợp tác trong và ngoài nước; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển để nâng cao năng lực cạnh tranh ngành mía đường. Có lẽ tại Việt Nam, chúng ta cũng đang chờ đợi có một cơ quan chịu trách nhiệm và hoạt động hiệu quả tương tự Thái Lan.

Mia duong Thai Lan truoc them hoi nhap
Mía đường các nước đang đứng trước bài toán hội nhập

Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan có sự đầu tư, hỗ trợ đúng mức cho công tác nghiên cứu và phát triển các giống mía mới phù hợp điều kiện sinh thái; tổ chức các hoạt động khuyến nông, khuyến công giúp nông dân và nhà máy nâng cao năng suất, chất lượng mía và đường; dành các khoản vay ưu đãi cho SX mía, đầu tư máy móc thiết bị cơ giới hóa thu hoạch và tưới tiêu.

Hiện nay, Thái Lan có 5 trung tâm lai tạo giống của Nhà nước và 7 trung tâm của doanh nghiệp. Điều này góp phần tạo nên những vùng nguyên liệu mía có chất lượng tốt và thu hồi cao.

Thái Lan hiện có tổng cộng 46 nhà máy đường với tổng công suất thiết kế 880.000 tấn mía/ngày, còn công suất ép bình quân khoảng 19.130 tấn mía/ngày.

Tại Thái Lan, nhiều nhà máy đường thuộc về sở hữu tư nhân, trong đó có nhiều nhà máy có công suất rất lớn. Lớn nhất phải kể đến hệ thống các nhà máy của Tập đoàn Mitr Phol, vốn có 5 nhà máy với tổng công suất ép 130.500 tấn mía/ngày; kế đó là Tập đoàn Thai Roong Ruang có 7 nhà máy với tổng công suất ép 121.800 tấn mía/ngày. Chính hình thức sở hữu này đã giúp tránh được tình trạng tranh giành nguyên liệu giữa các nhà máy cùng hệ thống, đồng thời đạt được hiệu quả cao nhất. Bài học của Thái Lan cho thấy, ngành mía đường Việt Nam bên cạnh việc nâng công suất nhà máy, điều quan trọng là phải quy hoạch lại vùng nguyên liệu của các nhà máy thông qua sáp nhập.

Trong tương lai, nền kinh tế nói chung và ngành mía đường nói riêng sẽ còn nhiều thách thức. Để giữ vững vị thế cạnh tranh của ngành đường Thái Lan ở khu vực và thế giới, Chính phủ nước này luôn dành sự quan tâm và tiếp tục có những chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho nông dân, doanh nghiệp ngành mía đường. Những chính sách của ngành mía đường Thái Lan là bài học cho các nước trong khu vực học tập để phát triển ngành mía đường đủ mạnh trong hội nhập ASEAN.

Ngày 16/7/2015, những chuyên gia của ngành đường Thế giới sẽ đến Việt Nam tham dự Hội thảo “Thường niên Mía đường Quốc tế TTC lần 3” với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành đường hướng tới hội nhập sâu rộng ASEAN” tại Khách sạn Michelia (04 Pasteur, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới