Hủy

Miễn mọi loại thuế với nguồn thu của Bảo hiểm tiền gửi

Thứ Ba | 02/07/2013 16:23

Tổ chức bảo hiểm tiền gửi được trích một phần nguồn thu từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để bù đắp chi phí.
 

Ngày 28/6/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật bảo hiểm tiền gửi.

Nghị định nêu rõ, tổ chức bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tài chính nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là pháp nhân, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí.

Nguồn thu của tổ chức bảo hiểm tiền gửi được miễn nộp các loại thuế. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi được trích một phần nguồn thu từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để bù đắp chi phí. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với NHNN xác định mức cụ thể được trích.

Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân, bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các TCTD.

Tổ chức tài chính vi mô phải tham gia bảo hiểm tiền gửi đối với tiền gửi của cá nhân bao gồm cả tiền gửi tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô, trừ tiền gửi tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức tài chính vi mô. Ngân hàng chính sách không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Nghị định này phải tham gia bảo hiểm tiền gửi và niêm yết công khai bản sao Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi tại trụ sở chính, chi nhánh và các điểm giao dịch có nhận tiền gửi của cá nhân.

Tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm báo cáo NHNN các thông tin theo quy định và có trách nhiệm báo cáo kịp thời trong trường hợp: Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vi phạm quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng hoặc vi phạm các quy định về pháp luật ngân hàng khác; Hoạt động của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có nguy cơ dẫn đến mất khả năng chi trả, thất thoát tài sản hoặc có tác động tiêu cực tới các TCTD khác.

Tổ chức bảo hiểm tiền gửi được tiếp cận dữ liệu thông tin của NHNN về tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, cụ thể: Một số chỉ tiêu báo cáo theo chế độ báo cáo thống kê của NHNN; Báo cáo tài chính; việc cấp, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của TCTD; việc tạm đình chỉ hoạt động nhận tiền gửi đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản; việc kiểm soát đặc biệt tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi...

Bên cạnh đó, Nghị định quy định chi tiết một số nội dung như: Việc cấp/cấp lại chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi; Hỗ trợ tài chính đối với tổ chức bảo hiềm tiền gửi trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức bảo hiểm tiền gửi không đủ để trả tiền bảo hiểm; Ủy quyền trả tiền bảo hiểm; Nhận tiền bảo hiểm; Tham gia quản lý, thanh lý tài sản và thu hồi số tiền bảo hiểm phải trả…

Nghị định nêu rõ, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi. NHNN trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều lệ, sửa đổi, bổ sung điều lệ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch Hội đồng quản trị của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

NHNN chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi; thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với tổ chức bảo hiểm tiền gửi; quyết định cơ cấu tổ chức của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, khen thưởng, kỷ luật thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, kiểm soát viên của tổ chức bảo hiểm tiền gửi

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/8/2013.

Nguồn Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới