Hủy

Miễn thuế cho Quỹ bảo lãnh tín dụng và đầu tư ASEAN+3

Thứ Tư | 26/11/2014 08:05

Bộ Tài chính vừa có công văn số 16855 /BTC-TCT hướng dẫn thủ tục miễn thuế đối với Quỹ bảo lãnh tín dụng và đầu tư ASEAN+3 (CGIF).
 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã có chỉ đạo tại công văn số 5088/VPCP-KTTH về vấn đề miễn thuế của CGIF, áp dụng theo quy định tại Hiệp định thành lập CGIF và Hiệp định thành lập ADB, giao Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện cụ thể.

Bộ Tài chính cho biết, các tài sản, bất động sản, thu nhập và các hoạt động, giao dịch của CGIF được miễn tất cả các loại thuế và thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Bộ Tài chính đề nghị các cục thuế, cục hải quan không yêu cầu CGIF đăng ký kê khai, nộp các loại thuế tại Việt Nam; không yêu cầu các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thực hiện giao dịch với CGIF khấu trừ thuế nhà thầu đối với các khoản thanh toán cho CGIF.

Còn đối với nghĩa vụ khấu trừ thuế, Bộ Tài chính khẳng định, CGIF được miễn các nghĩa vụ về thanh toán, khấu trừ hoặc thu bất kỳ loại thuế hay thuế quan nào phát sinh từ các khoản thanh toán của CGIF cho các tổ chức/cá nhân Việt Nam.

Do vậy, các cục thuế không yêu cầu CGIF kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay các tổ chức, cá nhân Việt Nam nhận được các khoản thanh toán từ CGIF. Các tổ chức, cá nhân Việt Nam không phải là nhân viên của CGIF nhận được các khoản thanh toán từ CGIF có nghĩa vụ tự kê khai, nộp thuế tại Việt Nam, theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tiền lương và tiền công mà CGIF trả cho các giám đốc, các cán bộ và nhân viên của CGIF, kể cả các chuyên gia đang thực hiện các nhiệm vụ của CGIF, không có quốc tịch Việt Nam, sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tại Việt Nam.

Giám đốc, cán bộ, nhân viên và chuyên gia của CGIF không có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế TNCN tại Việt Nam đối với khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công do CGIF chi trả.

Trường hợp các cá nhân được miễn thuế TNCN nêu trên có phát sinh các khoản thu nhập khác tại Việt Nam, thì có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế TNCN tại Việt Nam theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

Đối với các nhân viên của CGIF là người có quốc tịch Việt Nam, Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn riêng sau khi có ý kiến của Ngân hàng Nhà nước về việc này.

Quỹ CGIF được thành lập trên cơ sở sáng kiến tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 (các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần 13 đã diễn ra tại Tashkent, Uzbekistan vào tháng 5-2010, với một quỹ quy mô vốn ban đầu là 700 triệu USD. Trong đó, Nhật Bản và Trung Quốc đóng góp 200 triệu USD, Hàn Quốc đóng góp 100 triệu USD, Việt Nam 1,1 triệu USD... Quỹ được hoạt động dưới dạng một quỹ uỷ thác của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và do ADB quản lý.

Mục tiêu của CGIF là nhằm cung cấp bảo lãnh tín dụng cho các DN trong khu vực phát hành trái phiếu, giúp cho các DN tăng cường hệ số tín nhiệm, góp phần làm giảm chi phí huy động vốn và tạo điều kiện cho DN tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường vốn khu vực. Hiện Việt Nam đã tham gia đóng góp vào Quỹ CGIF số tiền là 1,1 triệu USD và được quyền nhận bảo lãnh tín dụng từ CGIF với hạn mức tối đa là 350 triệu USD.

Nguồn: Hải quan

Nguồn TBTC


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới