Hủy

Năm 2013: Giá điện có thể tăng 4 lần

Thứ Ba | 25/12/2012 07:26

“Từ 2013, cứ 3 tháng EVN sẽ phải tính toán lại giá điện 1 lần theo đúng Thông tư 24"- ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc EVN khẳng định.
 

Như vậy, năm 2013, giá điện có thể sẽ phải tăng 4 lần chứ không chỉ 2 lần (tháng 7 và tháng 12) như năm 2012.

Lý giải về vấn đề này, ông Tri cho biết, năm 2013, EVN lo nước miền Trung thiếu hụt sẽ làm thiếu hụt 1,5 tỷ kWh điện buộc EVN phải chạy dầu, nếu vậy chi phí sẽ tăng thêm 6.000-7.000 tỷ đồng, càng đẩy áp lực tăng giá điện cho EVN.

Bên cạnh đó, việc tăng giá nhiều lần trong năm 2013 còn bởi để tập đoàn này bù lỗ do trong các lần tăng giá điện vừa qua còn "rất khiêm tốn" (mới được 3.000 tỷ/26.000 tỷ đồng, chưa nói lỗ phát sinh). Chưa kể, các chi phí đầu vào như than, khí... cũng sẽ tăng theo lộ trình để tiến tới giá thị trường càng làm cho EVN có cớ để tăng mạnh giá điện tới đây.

Bình luận về kế hoạch tăng giá điện năm 2013, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, EVN nói vai trò của mình chỉ là mua - bán điện, mua cao thì phải bán giá cao, chi phí tăng thì phải tăng giá điện là chỉ "nghĩ đến mình".

Chưa kể, người dân phải chịu sự tăng giá gián tiếp nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác do giá điện tăng lên. "Nếu năm 2013, giá điện cứ 3 tháng điều chỉnh một lần trong khi kinh tế khó khăn sẽ là gánh nặng không thể chống đỡ của cả nền kinh tế và người dân"- ông Doanh khẳng định.

Bà Phạm Chi Lan-chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, chúng ta mới chỉ điều chỉnh tăng giá điện tổng cộng 10% hai lần trong năm nay mà đã gây khó khăn rất nhiều cho nền kinh tế, cho sản xuất và đời sống của người dân; nên tới đây nếu tăng giá điện tới 4 lần, mỗi lần 5% thì không biết sẽ tác động ra sao(?!). Chưa kể, giá điện có thể còn tăng trên 5%.

Còn ông Trần Viết Ngãi-Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN thì nói rằng, hiện nay giá điện vẫn chưa công khai, minh bạch. "Nếu EVN muốn tăng giá điện 3 tháng/lần thì tập đoàn này cũng phải công bố giá thành điện 3 tháng/lần để người dân nắm rõ" - ông Ngãi nói.

Ông Ngãi cho rằng, nếu cứ giữ cấu trúc ngành điện như hiện nay với mô hình người mua, người bán và người điều hành là một thì khó đạt được sự minh bạch, không thể mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và không vận hành được giá điện theo cơ chế thị trường..

Nguồn Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới