Hủy

Năm 2014 cần khoảng 12% tổng chi cân đối NSNN để trả nợ

Thứ Hai | 28/04/2014 08:59

Do quy mô vay nợ ngày càng tăng, nhiều khoản vay bắt đầu đáo hạn nên trong cơ cấu chi NSNN thì trả nợ (gốc lẫn lãi) đang bắt đầu tăng nhanh.
 

Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2014 với các chủ đề về kinh tế vĩ mô đang diễn ra tại Hạ Long trong 2 ngày, từ 28/04 đến 29/04.

Tham luận của Tiến sỹ Vũ Chí Cường (Học viên tài chính) với chủ đề: "Chính sách tài khóa năm 2014 và trong trung hạn: Những thuận lợi và khó khăn" đánh giá:

"Chính sách tài khóa trong ngắn hạn vẫn tiếp tục đứng trước những khó khăn rất lớn mà nếu không có những cải cách triệt để thì có thể lại ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế vĩ mô trong tương lai"

Những khó khăn rất lớn

Theo dự toán NSNN năm 2014 đã được Quốc hội phê chuẩn thì số thu ngân sách được dự báo là 782.700 tỷ đồng, số chi là 1.006.700 tỷ đồng và bội chi dự kiến là 224.000 tỷ đồng- tương đương 5,3% GDP.

Tiến sỹ Vũ Chí Cường nhận xét, ngân sách nhà nước (NSNN) đang đứng trước những thách thức đối với sự bền vững. Đến năm 2013, cơ cấu thu NSNN vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào các nguồn thu có tính ổn định không cao và không bền vững như thu từ dầu thô, thu từ tiền sử dụng đất, thu từ hải quan.

Về nguồn thu từ thuế, trong ngắn hạn, nguồn thu NSNN có thể giảm do thay đổi chính sách thuế. Theo Luật thuế TNDN đã được Quốc hội thông qua, từ 1/1/2014 thuế suất thuế TNDN sẽ chỉ còn 22% so với 25% trong các năm trước. Thu thuế xuất nhập khẩu cũng có thể giảm đi khi Việt Nam tiếp tục cắt giảm thuế suất theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2012-2014.

Khi đó, quy mô thu ngân sách giảm nhanh "nếu không đi kèm với việc giảm quy mô chi tiêu tương ứng thì sẽ có nguy cơ làm tăng thâm hụt ngân sách và nợ công".

Theo tiến sỹ, hiện tổng chi thường xuyên đã lớn hơn mức thu từ thuế và phí. Điều này vi phạm nguyên tắc về tính bền vững đã được nêu ra trong luật ngân sách và tạo ra rủi ro rất lớn cho ngân sách về dài hạn khi Việt Nam bắt đầu phải vay để tiêu dùng thay vì chỉ vay để đầu tư.

Bên cạnh đó, mặc dù Chính phủ có những biện pháp mạnh mẽ thì việc thực hiện tiết kiệm chi tiêu từ NSNN năm 2014 và trong trung hạn cũng không dễ do:

(i) Các biện pháp tiết kiệm chi tiêu đã được áp dụng nên sẽ khó có thể tiết kiệm NSNN hơn nữa khi chưa có sự thay đổi mạnh về hệ thống và cơ chế chi tiêu.

(ii) Với chi tiêu cho đầu tư: Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước thế lưỡng nan. Nếu tiếp tục duy trì đầu tư công ở mức cao để hỗ trợ tăng trưởng thì sẽ phải chấp nhận bội chi ngân sách lớn hơn và nợ công tăng lên. Nếu chấp nhận cắt giảm mạnh đầu tư công để giảm thâm hụt NSNN thì cần chấp nhận tăng trưởng giảm sút, tình trạng việc làm khó khăn. Do vậy, cần chấp nhận sự đánh đổi lợi ích - chi phí trong việc lựa chọn biện pháp trong ngắn hạn.

(iii) Chi ngân sách cho trả nợ tăng lên: Do quy mô vay nợ ngày càng tăng lên và nhiều khoản vay đã bắt đầu đến kỳ hạn trả nợ nên trong cơ cấu chi NSNN thì chi trả nợ (cả lãi và gốc) đang bắt đầu tăng nhanh. Tỷ lệ trả lãi trong tổng chi cân đối NSNN vào năm 2005 chỉ là 2,9 % đã tăng lên 5,2 % năm 2013. Nếu tính tổng chi NSNN cho trả cả lãi và gốc thì năm 2014 sẽ cần khoảng 12 % tổng chi cân đối NSNN dành để trả nợ.

Một vấn đề nữa, đó là do Việt Nam liên tục bị hạ tín nhiệm trên thị trường vốn quốc tế nên sẽ rất khó khăn khi tìm kiếm nguồn vốn vay từ bên ngoài. Nhằm bù đắp số tuyệt đối bội chi cao thì chúng ta buộc phải phát hành trái phiếu chính phủ huy động vốn trong nước nhiều hơn. Mặc dù không in tiền trực tiếp để bù đắp bội chi ngân sách nhưng cách thức các ngân hàng thương mại hiện nay mua trái phiếu chính phủ rồi sử dụng nó để xin tái cấp vốn cũng làm tăng cung tiền cho nền kinh tế.

Kỷ luật ngân sách cũng là vấn đề đáng quan tâm cả trong chấp hành ngân sách ở trung ương và địa phương. Một trong những nguyên nhân của tình trạng vi phạm kỷ luật ngân sách phổ biến là do quy trình lập, quản lý ngân sách hiện nay còn lạc hậu, việc thực hiện ngân sách lồng ghép dẫn đến tình trạng không thể chỉ ra trách nhiệm của các vi phạm thuộc vào ai.

Nhưng dường như Việt Nam đã qua khỏi giai đoạn khó khăn nhất

Mặc dù kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục có những khó khăn, song dường như Việt nam đã qua khỏi giai đoạn kinh tế khó khăn nhất. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế IMF và WB thì năm 2014 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ khả quan hơn

Tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu nên khi kinh tế thế giới có biến chuyển tốt kinh tế Việt Nam sẽ có tác động tốt. Sự thuận lợi của tình hình kinh tế trong và ngoài nước có thế tác động tích cực đến nguồn thu NSNN. Có thể thấy điều này khá rõ khi xem xét thu NSNN của quý 1 năm 2014. Hầu hết các nguồn thu NSNN đều cho kết quả khả quan hơn so với năm 2013.

"Hơn nữa, mức lập dự toán thu cân đối NSNN năm 2014 cũng không cao như giai đoạn 2012-2013 nên khả năng xảy ra hụt thu sẽ ít hơn." - báo cáo nhận định.

Một thuận lợi khác là sự đồng thuận của toàn bộ xã hội trong việc tiếp tục phải cải thiện hiệu quả chi tiêu, thực hiện tiết kiệm chi tiêu nhằm hạn chế tình trạng thâm hụt ngân sách quá cao. Sự thay đổi về quy mô thu ngân sách cũng cho thấy điều này. Mặc dù Việt nam vẫn còn là quốc gia có quy mô ngân sách khá cao so với những nước có cùng trình độ phát triển song xu hướng thay đổi có vẻ đã tích cực hơn.

Sau nhiều năm duy trì quy mô thu NSNN ở mức cao thì theo đánh giá của IMF, Việt Nam đã bắt đầu giảm quy mô thu NSNN xuống ngang mức trung bình các nước có thu nhập thấp tuy vẫn cao hơn so với các nước ở khu vực châu Á.

Nguồn CafeF/Trí Thức Trẻ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới