Hủy

Nên giữ tiền đồng hay USD sau nâng tỷ giá?

Thứ Sáu | 20/06/2014 08:05

Khó có hiện tượng đầu cơ USD bởi từ nay đến cuối năm nếu có điều chỉnh thì tỉ giá không tăng quá 1%, nên gửi tiết kiệm VND vẫn lợi hơn.
 

Ông Trương Văn Phước, phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, khẳng định như vậy khi trao đổi về quyết định nâng tỉ giá thêm 1% kể từ ngày 19-6 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Ông Phước nói: “Về bản chất, tỉ giá chịu tác động rất lớn của lạm phát. Trong khi đó, những năm gần đây lạm phát của VN đã được kiềm chế, chênh lệch của lạm phát so với các đồng tiền chủ chốt trong các quan hệ về thương mại, đầu tư và vay nợ không còn nhiều. Cho nên tỉ giá tăng một vài phần trăm không phải là vấn đề lớn”.

Theo ông, lần điều chỉnh tỉ giá này NHNN chủ động hay bị động?

Tôi cho rằng việc NHNN điều chỉnh tỉ giá trong ngày 19-6 là hết sức chủ động. Bởi vì người ta đã công bố trước sẽ điều chỉnh, nên bây giờ nâng lên 1% thì không thể nói là bị động.
Lý giải sao khi NHNN đã mua vào một lượng lớn ngoại tệ nhưng cũng lại điều chỉnh tỉ giá theo hướng VND yếu hơn so với USD?
Nói về sự mất giá của một đồng tiền thì người ta nhìn vào chỉ số lạm phát. Năm nay, lạm phát dự báo có thể thấp hơn 5%. Điều đó có nghĩa VND mất giá nhưng thấp hơn các năm trước khá nhiều khi lạm phát liên tục trong vài năm luôn ở mức hai con số. Việc NHNN mua vào một lượng ngoại tệ nhiều, đưa ra thị trường một lượng tiền đồng tương ứng có nghĩa chúng ta đang đặt ra yêu cầu rất lớn làm năng lực dự trữ ngoại hối quốc gia cao hơn. Mặt khác, việc điều hành chính sách tiền tệ là điều tiết lượng tiền đã đưa ra mua ngoại tệ mà không tác động đến lạm phát. Những biểu hiện của thị trường vừa rồi không nói lên rằng VND bị sức ép phải mất giá.
Thời gian qua các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động đồng VN. Theo ông, giữ tiền đồng hay ngoại tệ lúc này là có lợi nhất?

Ngay từ đầu năm, NHNN đã cam kết tỉ giá không điều chỉnh quá 2% trong năm nay. Và sau khi điều chỉnh 1% vào ngày 19-6, từ nay đến cuối năm nếu có điều chỉnh thì tỉ giá cũng chỉ có thể tăng thêm 1%.

Giả sử tỉ giá từ nay đến hết năm có tăng thêm 1% mà lãi suất huy động tiền đồng ở mức 5-7%/năm thì tôi cho rằng nắm giữ tiền đồng VN vẫn có lợi hơn. Đương nhiên việc nắm giữ tiền đồng hay ngoại tệ phụ thuộc vào quyền quyết định của mỗi người dân.

Sau đợt điều chỉnh lần này, liệu giá mua USD trên thị trường tự do có tiếp tục tăng, các ngân hàng thương mại có đẩy giá mua USD lên nữa?

Với kinh nghiệm của mình, tôi chỉ có thể dự đoán sau những kỳ vọng, chờ đợi trong vòng sáu tháng qua, nay NHNN đã điều chỉnh mức độ khá tương thích, thỏa mãn kỳ vọng của thị trường. Ngoài ra, NHNN vừa nâng lãi suất các loại tín phiếu cao hơn, lượng tiền đi vào NHNN sẽ có mức hưởng lợi cao hơn so với đi mua ngoại tệ.

Việc nâng tỉ giá lần này nhằm mục tiêu hỗ trợ xuất khẩu liệu có hợp lý khi VN là nước nhập máy móc, nguyên vật liệu về sản xuất?

Trong một nền kinh tế hội nhập có độ mở lớn, người ta còn xem xét tác động của việc điều chỉnh tỉ giá hối đoái sao cho cân bằng được tất cả yêu cầu của nền kinh tế. Tuy nhiên, dù tiếp cận ở góc độ nào đi chăng nữa thì việc để cho một đồng tiền nội tệ yếu đi so với đồng ngoại tệ cũng là giải pháp để hỗ trợ xuất khẩu. Thử làm phép tính, nếu anh bỏ ra 19.000 đồng để tạo ra một đơn vị hàng xuất khẩu. Khi xuất khẩu anh thu về 1 USD có giá 21.000 đồng, tức là được lợi 2.000 đồng. Nếu như tỉ giá tăng lên 1%, có nghĩa là 21.210 đồng thì bây giờ anh có lợi là 2.210 đồng. Do vậy, việc nâng tỉ giá giúp nhà xuất khẩu được lợi nhiều hơn. Và trên cơ sở đó, người ta có thể hạ giá bán hàng xuất khẩu sao cho vẫn đảm bảo lợi nhuận mà tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Dù vậy, VN là nước nhập khẩu nhiều và vay nợ lớn, nên việc giữ tỉ giá hối đoái ổn định lại là yêu cầu hết sức quan trọng để hạn chế tác động vào giá thành nhập khẩu. Vấn đề còn lại chính là cung cầu của thị trường, bởi suy cho cùng thị trường là nơi phản ánh tốt nhất sự thẩm thấu của tỉ giá hối đoái vào trong kết cấu tài chính của nhóm hàng, mặt hàng xuất nhập khẩu nào đó.
Thị trường nội địa có bán rất nhiều hàng nhập khẩu, liệu tới đây giá cả các mặt hàng này có “ăn theo”?

- Trong quá khứ, NHNN đã nhiều lần điều chỉnh tỉ giá với liều lượng khá lớn, nhưng sự thẩm thấu vào giá hàng nội địa thường trải rộng và tương đối chậm. Với mức điều chỉnh 1% lần này, tôi nghĩ rằng độ lan tỏa và tác động của nó sẽ không đáng kể.

Nguồn Tuổi Trẻ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới