Hủy

Nga ưu tiên Việt Nam trong hợp tác phát triển vùng Viễn Đông

Chủ Nhật | 14/09/2014 14:38

Ông Trần Duy Thi, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại vùng Viễn Đông (Liên bang Nga) trao đổi về tiềm năng hợp tác này.
 

Vùng Viễn Đông xa xôi của Liên bang Nga trong chính sách hướng Đông của Liên bang Nga nhằm thúc đẩy gắn kết nước Nga với khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang mở ra nhiều triển vọng phát triển hợp tác với Việt Nam.

Nhân dịp vừa diễn ra Khóa họp lần thứ 17 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam – Liên bang Nga tại thành phố Vladivostok, phóng viên VOV thường trú tại Liên bang Nga đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Duy Thi, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Viễn Đông về nội dung này.
PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tiềm năng của vùng Viễn Đông trong triển vọng phát triển hợp tác với Việt Nam?
Ông Trần Duy Thi: Chúng tôi cho rằng, vùng Primorie nói riêng và vùng Viễn Đông nói chung có rất nhiều tiềm năng. Tiềm năng lớn nhất là ở chỗ có nhiều ưu thế và lợi thế có thể bổ sung giữa Việt Nam và Liên bang Nga với Viễn Đông.

Có thể lấy ví dụ như trong phát triển nông nghiệp, thổ nhưỡng ở đây rất tốt cho phát triển ngô, khoai tây và đậu nành... đặc biệt là ở vùng rộng lớn như tỉnh Primorie, tỉnh Amua và tỉnh Khabarovsk... Nên nếu chúng ta bố trí được người sang làm thì phát triển rất tốt. Từ thời Xô Viết thì đây cũng đã từng là vùng phát triển nông nghiệp.

Thứ hai nữa, đây là vùng rất giàu tài nguyên khoáng sản mà hầu như nguồn tài nguyên khoáng sản này bây giờ mới đang được đánh thức. Các khoáng sản như vonfram, thiếc... được đánh giá là chiếm tới 98% trữ lượng của Nga, kim cương 85%, vàng hơn 60% - 70% và trữ lượng đều ở vùng này cả.

Ngoài ra còn phải kể đến nguồn tài nguyên như than, dầu khí... Sau này nếu con đường phía Bắc được mở ra, những lợi thế này sẽ càng được phát huy. Có một thuận lợi nữa là trước đây có khó khăn là vùng này xa xôi và việc phát triển có hạn chế nhưng gần đây Nga đã có thay đổi trong chính sách phát triển vùng Viễn Đông này và coi đây là một trong những ưu tiên lớn của Nga.

Đặc biệt những năm gần đây, trong bối cảnh quan hệ quốc tế hiện nay Nga càng tăng cường thúc đẩy điều đó. Người ta coi vùng Viễn Đông, tỉnh Primorie, thành phố Vladivostok là đầu tàu để kéo kinh tế đất nước đi lên, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa Nga với Viễn Đông, với các nước châu Á – Thái Bình Dương. Những nước mà Nga nhìn đến trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương có Việt Nam.

Qua theo dõi cuộc họp vừa rồi, Nga rất muốn thu hút được và tăng cường hợp tác với Việt Nam để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước. Do vậy, trong các cuộc họp lần này đã có những bước tiến tốt hơn, thảo luận sâu hơn, có những nhìn nhận tương đối rõ hơn về những dự án mà hai bên có thể xúc tiến trong thời gian tới được.

PV: Như ông vừa nói và thực tế của vùng này cũng cho thấy là dân số ở đây rất mỏng, vậy thì việc phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa ở đây sẽ là không lớn. Vậy theo ông, hợp tác để khai thác tiềm năng và thế mạnh của vùng này cần phải chú trọng theo hướng nào?

Ông Trần Duy Thi: Đây là vấn đề mà các nhà lãnh đạo Nga rất quan tâm. Tinh thần đó cũng sẽ được thể hiện trong các cuộc hội đàm sắp tới. Diện tích của vùng Viễn Đông này là rất lớn nhưng dân số thì hạn chế. Theo tính toán của phía bạn, hiện nay, mật độ dân số ở vùng này bình quân là 1 người trên gần 1 km vuông. Bởi vậy sản xuất tiêu thụ tại chỗ thì nhu cầu hạn chế.

Từ sau APEC năm 2012, Nga đã xem lại cách nhìn nhận khác để thúc đẩy phát triển, trong đó ưu tiên sản xuất để xuất khẩu, chủ yếu là cho địa bàn châu Á – Thái Bình Dương. Cho nên, Nga luôn ưu tiên Việt Nam trong việc tăng cường kinh tế, thương mại.

Nhưng vấn đề ở đây là phải tìm ra loại hàng hóa có thế mạnh để tăng trưởng xuất khẩu và cho ra những sản phẩm mới, hướng đến những sản phẩm có chất lượng cao. Nga mong muốn các nước vào hợp tác với Nga là cũng theo hướng đó.

PV: Vậy theo ông, hướng cung cấp nguồn nhân lực cho vùng này, ví dụ như từ nguồn lao động dồi dào của chúng ta đối với vùng Viễn Đông này của Liên bang Nga có triển vọng như thế nào?

Ông Trần Duy Thi: Hiện nay, lãnh đạo phía bạn, đặc biệt là nguyên Bộ trưởng và trưởng vùng Isaev rất mong có hợp tác và đưa lao động sang đây làm phát triển nông nghiệp, nhưng thực tế của vùng có những bước phải nghiên cứu.

Theo chính sách hiện nay, bạn rất khuyến khích thu nhập lực lượng lao động nước ngoài, nhưng ưu tiên những người có tay nghề cao để đóng góp cho phát triển vùng này, còn lao động phổ thông thì không ưu tiên. Cho nên, nếu ta muốn tăng cường thì phải chú ý đến lĩnh vực đó.

Hướng thứ hai của bạn là làm thế nào tạo đời sống tốt hơn, điều kiện tốt hơn, để bản thân người Nga người ta cũng thu hút lao động đến đây, đặt trụ lại ở đây và yên tâm đóng góp phát triển kinh tế vùng này.

Theo đánh giá thì dân số ở đây càng ngày càng giảm, nhưng từ cuối năm 2013 và đầu năm 2014 thì chỉ số giữa tử và sinh đã giảm đi và đạt con số dương. Chính quyền Nga cũng đã có những chính sách ưu đãi các gia đình đông con được nhận việc cấp đất, cấp nhà và những chính sách hỗ trợ theo.
PV: Cộng đồng Việt Nam hiện đang sinh sống làm ăn ở Viễn Đông cũng tương đối nhiều, vậy phía bạn đánh giá thế nào về sự đóng góp của cộng đồng bà con Việt Nam ở đây đối với đời sống kinh tế - xã hội của Nga và của địa phương ở đây?

Ông Trần Duy Thi: Phía bạn đánh giá rất cao cộng đồng ta ở chỗ: Thứ nhất, đây là một tập thể mạnh. Thứ hai, sự đóng góp của cộng đồng đối với vùng này là rất lớn.

Trong giai đoạn nước Nga đang bị cấm vận hiện nay, phần lớn bà con kinh doanh mặt hàng truyền thống, nhưng đối với tầng lớp nhân dân nói chung, hàng nhu yếu phẩm là rất tốt, người ta có thể đưa ra chợ thoải mái, giá cả đáp ứng nhu cầu của đa số... Chính quyền bạn đánh giá vai trò của cộng đồng của ta rất lớn.

Chúng tôi ở đây cũng hỗ trợ bà con rất nhiều để làm sao tuân thủ tốt luật pháp sở tại, bằng việc luôn luôn gặp gỡ cộng đồng, động viên khuyên nhủ bà con phải sống phù hợp luật pháp của bạn, không nên làm gì mất đi mối thiện cảm.

Nguồn VOV


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới