Hủy

Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh xử lý sở hữu chéo

Thứ Bảy | 06/12/2014 17:00

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ giám sát chặt các giao dịch sở hữu, đầu tư chéo giữa các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.
 

Tại văn bản trả lời chất vấn đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) về tình hình hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng vừa được công bố, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết thời gian tới sẽ kiên quyết xử lý vấn đề sở hữu chéo, lợi ích nhóm. Cơ quan này đồng thời sẽ thanh tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định giới hạn sở hữu cổ phần.

Trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với cơ quan điều tra nhằm xác minh các trường hợp vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lý. Cơ quan này cũng kết hợp với Bộ Tài chính theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt các giao dịch sở hữu chéo, đầu tư chéo giữa các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.

so-huu-cheo-4031-1417772715.jpg

Sở hữu chéo là một trong những nguyên nhân chính khiến gia tăng sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng.

Theo Thông tư 36 có hiệu lực từ 1/2/2015, các ngân hàng chỉ được nắm cổ phiếu tối đa tại 2 tổ chức tín dụng khác và tỷ lệ sở hữu tại một tổ chức không được vượt quá 5%.

Trước đó, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá xử lý sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng còn chậm chạp, trong khi đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra những vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng. Tại văn bản trả lời chất vấn, Thống đốc cũng thừa nhận nhiều sai phạm trong cấp tín dụng xuất phát từ sở hữu chéo.

Cụ thể, một số tổ chức hoạt động thiếu công khai, minh bạch hoặc bị thao túng, chi phối bởi các cổ đông lớn, đặc biệt trong việc cho vay, đầu tư tài chính phục vụ cho các công ty con của cổ đông lớn hoặc đáp ứng cho lợi ích riêng của cổ đông lớn và người có liên quan. Các khoản cho vay, đầu tư đối với cổ đông lớn và người có liên quan thường rất lớn, vượt giới hạn an toàn và rủi ro cao.

Ngoài ra, vị tư lệnh ngành đánh giá kinh doanh tiền tệ, ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm nên sẽ rất dễ gây hấp dẫn đối với các loại tội phạm, cám dỗ các cán bộ ngân hàng thoái hóa biến chất, dẫn tới hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham ô, tham nhũng, biển thủ công quỹ, vi phạm pháp luật.

"Trách nhiệm của việc xảy ra các vụ việc tham nhũng, tội phạm trong ngành Ngân hàng trước hết thuộc về cá nhân, tập thể sai phạm, người đứng đầu tổ chức, đơn vị nơi xảy ra vụ việc sai phạm và cũng là trách nhiệm của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước", Thống đốc nhận định.

Với những sai phạm bị phát hiện, Ngân hàng Nhà nước đã xử lý các cá nhân vi phạm theo đúng pháp luật. Những vụ việc có dấu hiệu hình sự được chuyển hồ sơ sang Cơ quan công an để xử lý. "Việc xử lý các vụ việc vi phạm tuân thủ nguyên tắc bảo đảm thu hồi tối đa tài sản cho tổ chức tín dụng, Nhà nước và nhân dân", Thống đốc khẳng định.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai các giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm vi phạm pháp luật, nhờ vậy phát hiện và xử lý các vụ việc xảy ra tại Công ty tài chính II - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNBC), Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank)...

Thời gian tới, Thống đốc cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, các quy định an toàn hoạt động ngân hàng, quy định về quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng, quy định về công khai, minh bạch... phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Triển khai quyết liệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý các sai phạm.

Nguồn VnExpress


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới