Hủy

Ngân hàng nhà nước giải quyết vụ tiền tiết kiệm“bốc hơi”

Thứ Ba | 11/11/2014 09:05

NHNN đảm bảo người gửi nhận được cả vốn lẫn lãi cho bất kỳ khoản tiền gửi ở bất kỳ thời điểm nào và sẽ trả theo đúng lãi suất quy định.
 

Còn nhiều trường hợp người dân gửi tiền tiết kiệm băn khoăn không biết tất toán sổ tiết kiệm từ những năm 80 ở đâu.

Về vấn đề này, Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho biết sẽ đảm bảo tiền gửi của người dân qua hệ thống ngân hàng, người gửi tiền tiết kiệm nhận được cả vốn lẫn lãi cho bất kỳ khoản tiền gửi nào, ở bất kỳ thời điểm nào và sẽ hoàn trả theo đúng lãi suất quy định của Ngân hàng nhà nước theo các thời kì -  là ý kiến khẳng định của ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM sau loạt bài của Tuổi Trẻ về tiền tiết kiệm “ bốc hơi” sau 30 năm.

Chi trả dựa trên lãi suất qua từng thời kỳ

Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, vào năm 1988 NHNN chia ra làm 2 cấp là Ngân hàng Công thương (chi nhánh quận) và Ngân hàng Nông nghiệp (chi nhánh huyện) đồng thời tiếp tục tính lãi theo quy định theo mức lãi suất của từng thời kì dù cho tới hạn gửi, người dân có tới nhận hay không.

Do đã trải qua một thời gian khá dài, cần phải xác minh nhiều vấn đề như độ xác thực, số tiền vốn, tiền lãi, lãi suất qua các thời điểm và toàn bộ thông tin này đều nằm trong kho thông tin của Vụ kế toán tài chính nên việc xác minh cũng như hoàn trả tiền lại cho người dân phải trải qua rất nhiều giai đoạn. Ông Minh cũng chia sẻ, đã có nhiều trường hợp được NHNN xử lý, hoàn trả lại toàn bộ tiền gửi và lãi theo đúng lãi suất của từng thời kì.

Các trường hợp cụ thể được giải quyết ra sao?

Trả lời về việc Bà Lê Thị Bích Thủy (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã gửi 270 đồng tiền tiết kiệm (theo mệnh giá năm 1983) vào Quỹ tiết kiệm chi nhánh Bà Chiểu.

Ông Minh cho biết, việc đảm bảo giá trị tiền gửi của người dân qua các thời kì còn phải tùy thuộc vào điều kiện kinh tế thế giới, kinh tế vĩ mô và chế độ lãi suất. Vì bấy giờ ngân hàng huy động vốn bằng tiền chứ không phải là bằng thóc hay bằng vàng nên không thể quy đổi giá trị như vậy được.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đảm bảo về mặt chi trả đúng lãi suất theo quy định lúc bấy giờ vì rất khó kiểm soát việc trượt giá của đồng tiền qua các thời kì.

Về trường hợp của ông Trần Đình Thống, ông Minh khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đã tra cứu từ Trung ương và xác định sổ tiền gửi là của Ngân hàng Công thương.

Hiện nay, Ngân hàng Công thương đang tiến hành rà soát xem thuộc chi nhánh nào và sẽ sớm hoàn trả cả vốn lẫn lãi cho ông Thống.

Ông Thống (Q10, TP.HCM) đã chia sẻ với Tuổi Trẻ câu chuyện về 2 cuốn sổ tiết kiệm của mình như sau:

Vào năm 1978-1979, ông và anh mình có gửi tiền vào quỹ tiết kiệm XHCN ở Quận 10. Khi anh trai ông mất, ông dọn dẹp tủ của anh trai, phát hiện ra hai quyển sổ tiết kiệm.

Cầm 2 quyển sổ tiết kiệm của mình và anh trai, ông Thống đã liên lạc với Ngân hàng nhà nước. Ông nhận được văn bản từ Vụ tài chính kế toán cho biết rằng khoản tiền tiết kiệm vẫn được chi trả theo gốc và lãi, đề nghị ông Thống liên lạc với NH Công thương Việt Nam chi nhánh TP.HCM để nhận lại.

Tuy nhiên, sau khi liên lạc, Ngân hàng Công thương đã thông báo do ngân hàng được thành lập sau khi ông gửi tiền 10 năm nên hiện tại không có lưu giữ hồ sơ của sổ tiết kiệm của ông.

Ông Thống tiếp tục gửi đơn ra NHNN ở Hà Nội và được đề nghị liên lạc với NH Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn - Agribank chi nhánh miền Nam để được giải quyết.

Làm theo hướng dẫn, ông lại tiếp tục nhận được câu trả lời "không” từ phía Agribank. Sau đó, Agribank yêu cầu ông photo công chứng 2 cuốn sổ tiết kiệm của mình để gửi về NH Agribank trụ sở chính phía Bắc giải quyết.

Lần này, ông Thống nhận được một văn bản yêu cầu ông đề nghị NH Agribank phía Nam gửi biên bản bàn giao công việc khi phân tách NH thành 2 cấp.

Sau một tháng chờ đợi, một lần nữa ông Thống nhận được câu trả lời là “không tìm thấy” và tiếp tục phải gửi ngược công văn ra Hà Nội. Tính tới thời điểm hiện tại cũng đã gần một năm rồi nhưng mọi thứ vẫn chưa kết thúc.

Các trường hợp còn lại, nhờ NH tra cứu

Ông Nguyễn Hoàng Minh - PGĐ NHNN VN chi nhánh TP.HCM hướng dẫn thêm, với những trường hợp như vậy thì người dân gửi tiền ở ngân hàng nào có thể trực tiếp đến ngân hàng đó để nhờ họ tra cứu lại và xử lí sổ tiền gửi.

Còn với những ngân hàng thay đổi địa điểm trụ sở hoặc tìm không có thông tin thì có thể làm đơn gửi về NHNN TP để NHNN TP.HCM lục tìm trong kho dữ liệu thông tin và xử lí theo đúng quy định hiện hành.

Sau vụ việc này, nhiều bạn đọc tỏ thái độ hoang mang, không biết chuyện thế này có tiếp tục tái diễn sau nhiều năm nữa không?

Ông Minh nói: “Tất cả những vấn này đều do gửi tiền đã quá lâu và do điều kiện lịch sử có một lần đổi tiền vào năm 1985 (10 đồng còn 1 đồng) cùng những biến động qua các thời kì. Trong những năm gần đây, người gửi tiền không ai than lỗ, điều kiện kinh tế vĩ mô cũng ổn định hơn, lãi suất của NH đảm bảo người dân có lãi”.

Nguồn Tuổi Trẻ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới