Hủy

Ngành điều không sợ khó

Thứ Hai | 19/01/2009 16:29

Mặc dù tồn kho tới 30.000 tấn kèm theo nhiều khó khăn khác, ngành điều vẫn tự tin sẽ đạt mức tăng trưởng như năm 2008.
 

Nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam đã tổng kết tình hình xuất khẩu năm 2008 và lên kế hoạch cho năm 2009, trong đó có ngành điều. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), dù xuất khẩu năm 2008 vượt chỉ tiêu đề ra 40,7%, nhưng số hàng tồn đọng lại lên đến 30.000 tấn. NCĐT đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đức Thanh, quyền Chủ tịch Vinacas, về vấn đề này và những kế hoạch của ngành trong năm 2009.

Có thông tin nói rằng, ngành điều đang tồn kho gần 30.000 tấn, sự thật như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Thanh: Đây là thông tin có thật. Hiện các doanh nghiệp chế biến điều và nông dân trồng điều vẫn còn tồn kho khoảng 30.000 tấn nhân điều từ niên vụ sản xuất 2008, trị giá hơn 4.600 tỉ đồng.

Vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì?

Ông Nguyễn Đức Thanh: Có 3 nguyên nhân dẫn đến con số trên. Thứ nhất, đây là hậu quả của tình trạng khủng hoảng tài chính toàn cầu. Mặc dù là nông sản nhưng điều được xem là sản phẩm cao cấp, do đó khi kinh tế gặp khó khăn, sức mua của ngành này cũng giảm theo. Nhiều hợp đồng đã ký trước đó nhưng đến kỳ hạn, đối tác không nhận hàng do không có khả năng thanh toán.

Lý do thứ hai là giá thành của điều xuất khẩu đang giảm, khiến nhiều doanh nghiệp chưa thể bán ra vì bị lỗ quá nặng. Hiện tại, cứ mỗi tấn nhân điều xuất khẩu, doanh nghiệp phải chịu lỗ gần 21 triệu đồng.

Lý do thứ ba là lượng hàng tồn này nằm trong kế hoạch luân chuyển trong sản xuất của một số doanh nghiệp.

NGÀNH ĐIỀU CHƯA BAO GIỜ THỪA LAO ĐỘNG

ÔNG NGUYỄN ĐỨC THANH

Quyền Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam

Về lao động, ngành nào thì tôi chưa được biết rõ, nhưng đối với ngành điều thì chưa bao giờ có tình trạng thừa lao động. Nếu bạn biết ở đâu thừa lao động, hãy giới thiệu cho tôi. Tôi nói thật chứ không phải đùa. Bởi công ty của tôi đang rất thiếu lao động (ông Thanh hiện là Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Chế biến Nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An).

Hiệp hội đã có kiến nghị gì để giúp doanh nghiệp giải quyết lượng hàng tồn này chưa?

Ông Nguyễn Đức Thanh: Ngày 5.1, Vinacas đã kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, Vinacas kiến nghị gia hạn nợ trong 6 tháng và không tính lãi suất quá hạn cho các doanh nghiệp đang tồn nhân điều. Hiện nay các doanh nghiệp ngành điều đang nợ khoảng 4.675 tỉ đồng, bao gồm cả nợ phải trả cho năm 2008 và nợ của quý I/2009.

Ngoài ra, để đảm bảo thu mua và chế biến hết sản lượng điều thô trong nước, các ngân hàng cần cho doanh nghiệp và nông dân trồng điều vay 6.700 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi đang được áp dụng cho các doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy hải sản xuất khẩu.

Lý do mà ngành điều đưa ra để vay vốn là gì?

Ông Nguyễn Đức Thanh: Kích cầu đầu tư sản xuất, xuất khẩu là một trong những mục tiêu hiện nay của Chính phủ. Điều là một trong những lĩnh vực xuất khẩu mũi nhọn. Chúng tôi đang gặp khó khăn cũng như bao ngành khác. Vậy tại sao họ vay vốn được mà chúng tôi lại không?

Ông có thể cho biết kế hoạch của ngành điều trong năm 2009?

Ông Nguyễn Đức Thanh: Năm 2009 dự kiến lượng điều thô thu mua trong nước là 400.000 tấn, chế biến tương ứng khoảng 100.000 tấn các loại. Bên cạnh đó, ngoài lượng tồn kho từ năm 2008 như đã nói ở trên, còn thêm 30.000 tấn nữa. Với lượng hàng tồn này, dự kiến phải đến sau 30.4.2009 mới tiêu thụ hết. Từ tháng 5-12.2009, ngành sẽ xuất khẩu thêm 70.000 tấn. Như vậy, trong năm 2009, ngành điều sẽ chỉ xuất được 100.000/130.000 tấn. Nếu không có gì thay đổi, lượng hàng tồn kho sang năm 2010 cũng ở khoảng 30.000 tấn.

Như vậy chỉ tiêu năm 2009 chắc chắn sẽ giảm nhiều hơn so với 2008?

Ông Nguyễn Đức Thanh: Giảm thì chắc chắn không nhưng tăng trưởng thì cũng rất khó, vì các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Bắc Mỹ, châu Âu đang bị suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng duy trì tốc độ như năm qua và đây là điều có thể thực hiện được. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng hiện nay các doanh nghiệp cũng đã ký được khá nhiều hợp đồng giao hàng từ tháng 1-6.2009 (đạt khoảng 10.000 tấn).

Ông cho rằng năm 2009 sẽ rất khó khăn, như vậy các doanh nghiệp ngành điều sẽ làm gì để giữ tốc độ tăng trưởng?

Ông Nguyễn Đức Thanh: Khó là điều chắc chắn, nhưng khó thì làm theo kiểu khó. Hạt điều Việt Nam có thị trường tiêu thụ rất mạnh. Nếu từ trước đến nay, điều Việt Nam chủ yếu xuất sang Bắc Mỹ và Tây Âu thì giờ có thể tăng xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Âu. Đây là những thị trường tiềm năng mà trước đây ngành điều Việt Nam ít chú ý do giá thấp hơn.

Trong khi đó, chất lượng điều của Việt Nam luôn đứng ở vị trí số 1 trênthị trường thế giới, trong khi giá cả rất cạnh tranh. Theo tôi, nếu các doanh nghiệp nước ngoài không mua điều của Việt Nam thì không thể mua ở đâu tốt hơn.

Tôi nghĩ khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp điều chính là lãi suất vay ngân hàng, vốn để đầu tư sản xuất, các thủ tục và thời gian hoàn thuế nhập khẩu nguyên liệu. Nếu Chính phủ giúp đỡ các doanh nghiệp ngành điều giải quyết những khó khăn này, tôi tin rằng, ngành vẫn có khả năng xuất khẩu tốt.

Hiện nay có nhiều thông tin nói về việc phá sản cũng như sa thải công nhân ở các ngành và tình hình này được dự đoán sẽ nghiêm trọng hơn trong năm 2009. Với doanh nghiệp ngành điều thì sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Thanh: Thực tế thì cũng có một vài doanh nghiệp trong ngành khó khăn, nhưng bị phá sản thì vẫn chưa. Và tôi cho rằng, điều này cũng không xảy ra đối với ngành điều năm 2009. Còn về lao động, ngành nào thì tôi chưa được biết rõ, nhưng với ngành điều thì chưa bao giờ có tình trạng thừa lao động. Nếu bạn biết ở đâu thừa lao động, hãy giới thiệu cho tôi. Tôi nói thật chứ không phải đùa. Bởi công ty của tôi đang rất thiếu lao động (ông Thanh hiện là Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Chế biến Nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An).

Ông nhận định như thế nào về những thông tin như ngành điều làm ăn gian dối, ăn xổi ở thì của một số phương tiện truyền thông trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Đức Thanh: Những thông tin như trên tôi nghĩ rằng là do người viết tìm hiểu thông tin chưa chính xác. Có thể họ chưa hiểu hết về ngành điều. Trong một vài trường hợp, nếu không kiểm tra kỹ, chỉ cần một thông tin sai lệch sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.

12,23 tỉ USD

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản mà bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự kiến đạt trong năm 2009, giảm 628 triệu USD so với năm 2008.

1,7 tỉ USD

Tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia năm 2008. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt hơn 1,45 tỉ USD.

DỆT MAY XIN HỖ TRỢ TỪ CHÍNH PHỦ

Ngày 14.1.2009 các doanh nghiệp dệt may đã kiến nghị lên Chính phủ 3 gói hỗ trợ để vượt qua khó khăn của thị trường xuất khẩu 2009. Gói đầu tiên sẽ cấp cho doanh nghiệp dựa trên thành tích xuất khẩu. Gói này sẽ trích 1% kim ngạch xuất khẩu để giải quyết khó khăn tài chính cho người lao động trong các xí nghiệp có nguy cơ đóng cửa. Gói thứ hai trị giá khoảng 5.000 tỉ đồng, hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách bù lãi suất vay ngân hàng. Gói cuối cùng khoảng 50 tỉ đồng dùng cho hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại.

VIỆT NAM HẾT BỊ BRAZIL ĐIỀU TRA CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ

Theo Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương Việt Nam), Hiệp hội Công nghiệp Giày Brazil đã đề nghị Cục Bảo vệ Thương mại (Bộ Phát triển Công nghiệp và Ngoại thương Brazil) đưa Việt Nam ra khỏi danh sách bị đơn điều tra chống bán phá giá đối với các loại giày xuất khẩu sang nước này. Trước đó, ngày 30.10.2008, theo đề nghị của Hiệp hội Da giày Brazil, Cục Bảo vệ Thương mại Brazil đã ra quyết định điều tra bán phá giá đối với một số sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam và một số nước khác.

20 TẤN CHẢ CÁ ĐẦU TIÊN SANG HÀN QUỐC

Ngày 9.1.2009, Tập đoàn Sajo Daerim (Hàn Quốc) đã tham quan xí nghiệp chế biến Gành Hào và kiểm tra quy trình sản xuất, chất lượng nhà máy thuộc Công ty Cổ phần Thủy sản Bạc Liêu (BLF). Tập đoàn kết luận, dòng sản phẩm chả cá nguyên liệu của BLF đạt tiêu chuẩn về dộ dai, độ ấm, màu sắc, mùi vị và an toàn thực phẩm của Hàn Quốc. Do vậy Sajo Daerim đã ký hợp đồng mua 20 tấn chả cá đầu tiên trong kế hoạch 2.000 tấn/năm. Dự kiến, lô hàng này sẽ xuất sang Hàn Quốc vào tháng 2.2009.

NGUYỄN ĐĂNG - THANH HƯƠNG


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới