Hủy

Nhân viên Ngân hàng Trung ương Anh đình công vì được tăng lương ít

Thứ Ba | 04/07/2017 12:28

Đây là cuộc đình công đầu tiên tại BoE trong hơn 50 năm qua, vì mức tăng lương hiện tại không đủ bù được mức tăng của lạm phát.
 

Nhân viên của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã bỏ phiếu để tiến hành cuộc đình công đầu tiên của họ trong hơn 50 năm qua để đòi hỏi mức lương cao hơn. Điều này cũng tạo thêm áp lực để chấm dứt việc kiểm soát chặt chẽ chế độ tiền lương trong khu vực hành chính công tại nước Anh.

Unite, liên đoàn lao động lớn nhất của Anh, cho biết các nhân viên bảo trì và an ninh của BoE sẽ đình công trong 4 ngày kể từ ngày 31/7, sau khi họ chỉ được tăng lương 1%.

Khoảng thời gian đó trùng với cuộc họp chính sách tiền tệ kế tiếp của BoE.

Thủ tướng Anh Theresa May đang chịu áp lực ngày càng tăng từ các nghị sĩ, nhằm bãi bỏ trần tăng lương 1% đối với khu vực công đã được đưa ra từ năm 2013, vốn là một phần trong nỗ lực cắt giảm chi tiêu của chính phủ.

Mặc dù mức trần này không áp dụng cho BoE (vốn là một tổ chức độc lập), nhưng cơ quan này vẫn hoạt động trong một môi trường chịu nhiều ràng buộc về gia tăng lương bổng. Đây cũng là một điều trớ trêu khi mà các nhà hoạch định chính sách tại BoE đang hướng tới việc đẩy mạnh tốc độ tăng lương.

Hiện tại BoE có khoảng 3.600 nhân viên. BoE cho hay Unite đã thu hút 2% lực lượng lao động của cơ quan này tham gia cuộc đình công.

BoE cho biết trong một thông cáo: "Nếu cuộc đình công diễn ra, chúng tôi đã có kế hoạch sắp xếp nhân sự để tất cả các địa điểm có thể tiếp tục hoạt động bình thường. Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận với Unite và hy vọng rằng sẽ có kết quả tích cực".

Unite cho biết một số nhân viên của BoE có thu nhập chưa tới 20.000 bảng Anh (25.700 USD) một năm, vì vậy mức tăng lương 1% sẽ có thể khiến họ phải đối mặt với khó khăn về tài chính.

Liên đoàn này kêu gọi Thống đốc BoE Mark Carney can thiệp, nói rằng họ sẽ xem xét việc leo thang hành động nếu yêu cầu của họ không được giải quyết.

Nhiều người lao động ở Anh đã bị sụt giảm khả năng chi tiêu từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, do lạm phát gia tăng nhanh hơn tiền lương trong hầu hết thập kỷ qua.

Mạnh Đức

Nguồn CNBC


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới