Hủy

Nhật Bản giúp quy hoạch bền vững nông nghiệp ĐBSCL

Thứ Hai | 28/01/2013 17:23

Từ hè 2011 đến nay, JICA đã giúp Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam hoàn thành dự báo và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu (giai đoạn 2020-2050).
 

Ngày 28/1, tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội nghị về dự án “Các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu” giúp phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ mùa Hè năm 2011 đến nay, với sự trợ giúp của JICA, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam đã hoàn thành dự báo và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu (giai đoạn 2020-2050); xây dựng quy hoạch tổng thể và kiến nghị thực hiện nhiều giải pháp nhằm giúp 7 tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang) thích nghi với biến đổi khí hậu.

Vùng dự án có tổng diện tích 24.631km2 (chiếm khoảng 60% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long), với 9,07 triệu dân (chiếm trên 50% dân số Đồng bằng sông Cửu Long) được hưởng lợi.

Theo quy hoạch tổng thể, 9 dự án sẽ được thực hiện ưu tiên gồm: Xây dựng các cửa ngăn mặn vùng ven biển, cải tạo và xây dựng đê biển, cải tạo vùng cù lao Bắc tỉnh Bến Tre, phát triển nguồn nước ngọt tỉnh Trà Vinh, quản lý nước vùng ven biển Bạc Liêu, luân chuyển dòng chảy tỉnh Cà Mau, điều chỉnh và cải tạo lịch thời vụ, phát triển năng lực quản lý dòng chảy ở Đồng bằng sông Cửu Long, nuôi tôm bền vững (mô hình luân canh lúa-tôm).

Ngoài 9 dự án trên còn có hàng chục chương trình, dự án khác giúp phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống người dân 7 tỉnh nói trên.

Trong đó, quan trọng nhất là dự án mở rộng và phát triển các giống cây chịu mặn; thiết lập hệ thống cảnh báo mặn sớm; phát triển các nguồn nước sinh hoạt, sử dụng hợp lý nguồn nước mưa; trồng cây ăn quả và cây chịu chua phèn, cải tạo và trồng rừng ngập mặn; nâng cấp và xây dựng đê sông, đê bao, cải tạo hệ thống tiêu nước; nâng cấp hệ thống cảnh báo lũ sớm; gia cố cấu trúc đất; đa dạng hóa mùa vụ; cải thiện môi trường nước nông thôn; cải tạo công trình nông thôn quy mô nhỏ; xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp nhỏ, bảo hiểm mùa vụ.

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu. Cứ 10 năm, nhiệt độ sẽ tăng 0,2 - 0,3 độ C, cộng với nước biển dâng cao thêm từ 8–9cm làm giảm năng suất lúa Đông-Xuân 10% (năm 2030) đến 15% (năm 2050).

Cứ 10 năm, lượng mưa tăng thêm 0,4 - 0,6% làm giảm năng suất các vụ cây trồng trong mùa này và sẽ trầm trọng thêm khi kết hợp với yếu tố nước biển dâng. Dưới tác động của xâm nhập mặn, cây ăn trái và lúa chịu thiệt hại nhiều nhất.

Tổng hợp thiệt hại do xâm nhập mặn trong mùa khô và ngập lũ trong mùa mưa thì tỷ lệ thiệt hại vào năm 2050 (so với sản lượng hàng năm) đối với lúa, rau màu, cây ăn quả, tôm nuôi tăng lên từ 20%-50%, trong đó Kiên Giang, Tiền Giang thiệt hại nặng nhất.

Nguồn Vietnam+


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới