Hủy

Nhật Bản vẫn dẫn đầu trong đầu tư cổ phần vào doanh nghiệp Việt Nam

Thứ Hai | 22/07/2013 10:10

M&A sẽ tiếp tục diễn ra sôi động bởi xu hướng chuyển dịch từ đầu tư trực tiếp sang đầu tư gián tiếp qua M&A.
 

M&A sẽ tiếp tục diễn ra sôi động

Theo báo cáo mới đây của Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), trong những tháng đầu năm nay, thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) tại Việt Nam diễn ra khá sôi động, chỉ riêng trong quý I/2013 đã có tới 10 thương vụ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Các thương vụ M&A điển hình phải kể đến Quỹ đầu tư KKR của Mỹ nâng sở hữu từ 10% lên 18% tại Masan Consumer, với giá trị tăng thêm là 200 triệu USD; Mekong Capital thoái 6,7% vốn cổ phần tại CTCP Thế giới di động cho một nhà đầu tư tài chính với giá lên tới 110 triệu USD; Tập đoàn Vingroup chuyển nhượng Tổ hợp trung tâm thương mại - khách sạn Vincom Center A TPHCM cho CTCP Tập đoàn Phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIPD), với tổng giá trị giao dịch lên tới 470 triệu USD...

Đáng chú ý, Nhật Bản vẫn duy trì vị trí dẫn đầu trong đầu tư cổ phần vào các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh các thương vụ lớn, nhà đầu tư Nhật Bản đã và đang tìm kiếm các doanh nghiệp Việt Nam ở những ngành chuyên sản xuất - kinh doanh một số sản phẩm cụ thể. Chẳng hạn, Tập đoàn Shidax đầu tư mua lại 35% cổ phần của Galaxy TSC, một công ty chuyên cung cấp dịch vụ ăn uống trọn gói…

Trong 6 tháng cuối năm 2013, Bộ Công thương dự báo hoạt động M&A sẽ tiếp tục diễn ra sôi động bởi xu hướng chuyển dịch từ đầu tư trực tiếp sang đầu tư gián tiếp qua M&A. Đặc biệt, bối cảnh trong nước cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có mức định giá hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài do những khó khăn mang tính đặc thù của Việt Nam, nhất là chi phí lãi vay cao, nhiều doanh nghiệp chưa có chiến lược phát triển rõ ràng.

Bên cạnh đó, các yếu tố về pháp lý làm cản trở quá trình M&A đang dần trở nên thông thoáng hơn.

FDI của Nhật Bản vào Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng nhiềuBáo cáo của Bộ Công thương cũng cho rằng, thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được đảm bảo và có xu hướng khả quan hơn nhờ kinh tế toàn cầu phục hồi.

Việc đồng Yên giảm về lý thuyết sẽ làm giảm động lực đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhưng đối với dòng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do quy mô dân số trẻ và chi phí sản xuất, nhân công trẻ hơn rất nhiều so với chi phí này ở Nhật Bản.

Ngoài ra, các công ty Nhật vẫn mong muốn đa dạng hóa đầu tư để tránh những rủi ro khó lường như thảm họa thiện nhiên (động đất, sóng thần) vẫn thường trực ở quốc gia này.
Bên cạnh đó, việc tỷ giá VND/Yên Nhật giảm dự kiến sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi khi nợ gốc và lãi vay được trả, từ đó, hỗ trợ cho chính phủ trong vấn đề giảm thâm hụt ngân sách.

Nguồn Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới