Hủy

Nhật đề xuất xây nhà máy đốt rác phát điện 20 triệu USD tại Đà Nẵng

Thứ Năm | 04/08/2016 17:20

Nhà máy có công suất xử lý dự kiến là 60 tấn/ngày, tổng mức đầu tư 20 triệu USD.
 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn vừa có buổi làm việc với ông Yasuto Ando, Giám đốc Điều hành phụ trách khu vực châu Á Thái Bình Dương, Tập đoàn Kỹ thuật JFE (Nhật Bản) liên quan đến dự án thí điểm xây dựng nhà máy đốt rác phát điện do tập đoàn này đề xuất triển khai thực hiện tại Đà Nẵng.

Theo Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng, tại buổi làm việc, phía JFE đã đề xuất xúc tiến triển khai thí điểm dự án với công suất xử lý dự kiến là 60 tấn/ngày. Theo đó, tổng mức đầu tư sẽ vào khoảng 20 triệu USD (hơn 440 tỷ đồng).

Trong đó, 50% sẽ xin Bộ TM&MT Nhật Bản hỗ trợ không hoàn lại thông qua cơ chế tín chỉ chung (JCM) để mua sắm máy móc thiết bị ban đầu, 10 triệu USD còn lại là kinh phí đối ứng của Đà Nẵng. Thành phố có thể trực tiếp vay vốn ODA hoặc CTCP Môi trường Đô thị Đà Nẵng (URENCO), đơn vị trực tiếp vận hành nhà máy, vay và sau này thành phố sẽ trả dần thông qua khoản thu phí xử lý rác thải của người dân.

Theo lãnh đạo JFE, JFE Nhật Bản mới đây đã ký kết thỏa thuận và đề xuất dự án thí điểm nêu trên theo cơ chế JCM với Bộ TN&MT Nhật Bản. Dự kiến, Bộ TN&MT Nhật Bản sẽ phê duyệt cấp vốn cho dự án vào tháng 3/2017.

Liên quan đến dự án này, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay, xử lý rác thải rắn được Đà Nẵng xác định là vấn đề hết sức cấp bách. Do vậy, thành phố rất quan tâm đến dự án thí điểm do JFE đề xuất.

Theo lãnh đạo Đà Nẵng, nếu xin được cơ chế JCM cho dự án này thì sẽ mang lại lợi ích cho cả Đà Nẵng và JFE do mức phí xử lý rác sẽ được giảm một cách đáng kể. Do vậy, thành phố thống nhất về mặt nguyên tắc sẽ phối hợp chặt chẽ với JFE để triển khai các bước tiếp nhằm xúc tiến vốn JCM cho dự án.

Được biết, vào năm 2014, JFE Nhật Bản chính là đơn vị tư vấn thực hiện Nghiên cứu khả thi dự án Quản lý chất thải rắn tại bãi rác Khánh Sơn do JICA tài trợ. Trong Nghiên cứu khả thi này, công nghệ được JFE đề xuất với công suất xử lý dự kiến 1.000 tấn/ngày, chi phí đầu tư cơ bản và vận hành nhà máy trong thời hạn 20 năm là 122 triệu USD. Tuy nhiên, mức phí xử lý 25 USD/tấn vào thời điểm đó được đề xuất là khá cao, và thành phố gặp khó khăn trong việc huy động vốn cho dự án.

Nhật Duy


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới